| Hotline: 0983.970.780

Tháng Tám đến Rú Ấm - Cây đa làng Trù

Thứ Hai 03/09/2012 , 14:04 (GMT+7)

Tại hang Rú Ấm, sau khi báo cáo về việc Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã tuyên bố thành lập Chi bộ ghép...

* Nơi khai sinh Chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ

Ngược dòng lịch sử, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Khắp nơi trên mọi miền đất nước đã diễn ra hàng trăm cuộc biểu tình để lật đổ chính quyền thuộc Pháp, mà đỉnh cao là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh:

Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước

Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên

Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên

Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi…

Trang sử hào hùng của liên minh công - nông tại Nghệ Tĩnh tuy tồn tại một thời gian ngắn do lực của ta còn mỏng, trong lúc đó thực dân Pháp đã huy động một lực lượng hùng hậu với trang bị vũ khí tối tân để thẳng tay đàn áp. Tuy vậy, để tiếp nối cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Tỉnh uỷ Nghệ An đã lãnh đạo nhân dân tiến hành nhiều biện pháp để chống khủng bố, đồng thời mở rộng hoạt động của Đảng lên các huyện miền Tây.

Đồng chí Võ Nguyên Hiến là cán bộ đầu tiên được tổ chức Đảng cử lên huyện Nghĩa Đàn gây dựng phong trào bằng cách lập “Trại cày’’ che mắt sự dòm ngó của mật thám. Sau khi "Trại cày" được thành lập, ông Hiến đã đưa nhiều thanh niên giác ngộ cách mạng ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên lên xóm Cau (Thọ Lộc) để trồng hoa màu, khoai sắn và bí mật mở lò rèn sản xuất vũ khí.

Và trong lúc Nghĩa Đàn đang gặp khó khăn bế tắc về chính trị thì ở các huyện miền xuôi cùng nhiều nơi trên cả nước phong trào cách mạng đang dấy lên sôi nổi. Lúc này đồng chí Phan Đình Lại và Phan Đình Liên là hai phái viên của Chi bộ Thanh niên Nghĩa Đàn đã liên lạc được với đồng chí Nguyễn Hữu Bình là cán bộ của Tỉnh uỷ Nghệ An đang phụ trách các phong trào ở Diễn Châu.

Sau các cuộc tiếp xúc, ông Bình đã hướng dẫn cụ thể cách thức hoạt động bí mật và giao cho hai đồng chí một số truyền đơn về rải để gây thanh thế cách mạng ở huyện Nghĩa Đàn. Đến đầu tháng 10/1930, ông Võ Nguyên Hiến cùng ông Võ Thược đến Thọ Lộc (xã Nghĩa Khánh lúc bấy giờ) tổ chức cuộc họp bàn việc thành lập chi bộ để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng đang dâng lên ở huyện Nghĩa Đàn.

Tại hang Rú Ấm, sau khi báo cáo về việc Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã tuyên bố thành lập Chi bộ ghép bao gồm các đảng viên đang hoạt động ở Thọ Lộc và Cự Lâm. Chi bộ gồm 5 đồng chí, do Phan Đình Lại làm Bí thư, Nguyễn Đình Thạc làm Phó Bí thư và Võ Thược làm Thư ký.


Hang Rú Ấm

Sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên ở Thọ Lộc - Cự Lâm thuộc huyện Nghĩa Đàn được đánh dấu là mốc son chói lọi trong tiến trình đi lên của cách mạng ở miền Tây xứ Nghệ. Và hang Rú Ấm đã để lại dấu ấn lịch sử cho muôn đời con cháu đến nghiêng mình kính cẩn ghi ơn. Bởi cũng từ đây mọi Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh uỷ Nghệ An đã được Chi bộ triển khai, đồng thời tích cực bồi dưỡng tầng lớp thanh niên tiến tiến để kết nạp vào đội ngũ.

Đặc biệt sau khi Huyện uỷ lâm thời ở Nghĩa Đàn được thành lập, phong trào cách mạng đã lan toả đến hầu hết các thôn xóm, bản làng. Thời gian này khắp nơi trong các làng, xã đã diễn ra các cuộc mít tinh, rải truyền đơn để kêu gọi vận động quần chúng nhân dân đứng lên chống khủng bố, chống sưu cao thuế nặng.

Nhân ngày Quốc tế lao động, tại cửa hang Rú Ấm ngày 1/5/1939, Huyện uỷ Nghĩa Đàn đã tổ chức một cuộc mít tinh với quy mô lớn để gây thanh thế và kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên đi theo cách mạng. Tại đây đã có gần 200 người ở các vùng Cự Lâm, Thọ Lộc, Sen, Sẻ và công nhân trong các đồn điền đã mang theo cơ đỏ búa liềm, băng rôn, biểu ngữ rầm rập kéo về tham dự.

Đồng chí Trần Ngọc Cán được Tổ chức Đảng phân công lên đọc diễn thuyết ca ngợi truyền thống đấu tranh anh dũng của tầng lớp công nhân quốc tế, đồng thời kêu gọi toàn thể công nhân và nông dân trong huyện hãy đứng lên tập hợp xung quanh Đảng để kiên quyết đấu tranh giành quyền tự do dân chủ… Có thể nói đây là cuộc duyệt binh đầu tiên để rồi Đảng lấy đó làm bài học phất cờ làm nên cuộc khởi nghĩa tháng Tám thành công.

Lịch sử 1940-1945 cả nước bước vào thời kỳ vô cùng gian khó. Chiến tranh thế giới lan rộng. Khắp nơi trên mọi làng quê, thực dân Pháp và phát xít Nhật ngày đêm lùng sục cướp bóc vơ vét của cải tài nguyên. Nhân dân đã phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Thêm vào đó là trận dịch tả năm 1944 và nạn đói năm 1945 đã làm cho hàng ngàn trai gái, trẻ già trong các làng quê ở Nghĩa Đàn chết thảm.

Lực lượng của Đảng lúc bấy giờ cũng đã sa sút mạnh. Thế nhưng sau khi Mặt trận Việt minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh được thành lập tại Vinh thì một số đảng viên ở Thọ Lộc- Cự Lâm lại nhóm họp để lãnh đạo nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi: “Toàn thể quốc dân, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, hãy mạnh bạo gia nhập hàng ngũ Việt Minh để diệt trừ phát xít Nhật, kẻ thù số một lúc này của nước ta và phá tan mưu mô khôi phục chính quyền của đế quốc Pháp".

Theo đó, Mặt trận Việt minh huyện Nghĩa Đàn đã được thành lập để chớp thời cơ “Nhật, Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta". Đến ngày 15/8/1945 lệnh khởi nghĩa của Việt minh liên tỉnh đã đến với huyện Nghĩa Đàn, với tinh thần: “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập Uỷ ban nhân dân cách mạng… Kế hoạch cướp chính quyền phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng địa phương".

Tranh thủ cơ hội này, Mặt trận Việt minh Nghĩa Đàn đã tổ chức một cuộc họp để phổ biến lệnh khởi nghĩa và tiến hành thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa. Đúng ngày 22/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, Uỷ ban Khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn đã vận động hàng ngàn quần chúng nhân dân thuộc tổng Cự Lâm, Nghĩa Hưng, Thạch Khê, Hạ Sưu, Thái Thịnh và hàng trăm công nhân ở các đồn điền cà phê, cao su tề tựu dưới cây đa làng Trù.

Mới đây, ngày 1/8/2012 Ban Quản lý Di tích & Danh thắng Nghệ An phối hợp với UBND huyện Nghĩa Đàn và UBND 2 xã Nghĩa Đức, Nghĩa Khánh tiến hành hội nghị lấy ý kiến soạn thảo lý lịch Cụm Di tích Hang Rú Ấm - Cây đa làng Trù để trình cấp có thẩm quyền công nhận đây là Cụm Di tích lịch sử- Văn hoá cấp tỉnh.

Trên đỉnh cao chót vót cây đa, ngọn cờ đỏ sao vàng đã được cắm lên bay phấp phới, và sau hiệu lệnh khởi nghĩa được gióng lên bằng 3 hồi 9 tiếng trống, biển người khởi nghĩa đã rầm rập hô vang khẩu hiệu cách mạng rồi kéo lên huyện lỵ Nghĩa Đàn. Tại đây, các đồng chí Trần Mật, Nguyễn Đình Thạc và Lại Văn Bút đã trực tiếp chỉ huy nhóm tự vệ tấn công vào huyện đường bắt sống Tri huyện Hoàng Mộng Kham và các đề lại, đồng thời tịch thu hết ấn triện, sổ sách, ngân quỹ. Xiềng xích các nhà lao cũng được phá tung để giải phóng cho các đồng chí yêu nước đang bị giam cầm…

Cuộc khởi nghĩa thành công, Uỷ ban lâm thời huyện Nghĩa Đàn chính thức tuyên bố ra mắt đồng bào...


Cây đa làng Trù

Đến Rú Ấm (xã Nghĩa Đức) và cây đa làng Trù (xã Nghĩa Khánh) trong những ngày tháng Tám mùa thu trời xanh thẳm, chúng tôi được ôn lại những trang vàng lịch sử mà thấy lòng trào dâng niềm cảm kích. Đảng bộ và nhân dân hai xã Nghĩa Đức và Nghĩa Khánh đã phát huy truyền thống anh dũng vẻ vang của lớp cha ông để xây dựng quê hương ngày càng phát triển đi lên. Hàng năm, đến ngày 22/8 các Chi bộ đảng và nhân dân trong vùng lại tề tựu bên hang Rú Ấm và cây đa làng Trù (cách nhau hơn 3km) để kính cẩn thắp hương bái võng những anh linh đã xả thân cứu nước.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.