| Hotline: 0983.970.780

Tháng Tư ở Krong

Thứ Hai 22/04/2013 , 09:47 (GMT+7)

Những ngày cuối tháng Tư, tôi cùng một vài đồng nghiệp khoác ba lô, lên đường về thị trấn Dân Chủ (nay là xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai).

Những ngày cuối tháng Tư, tôi cùng một vài đồng nghiệp khoác ba lô, lên đường về thị trấn Dân Chủ (nay là xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai).

Từ TP.Pleiku về đến thị trấn Dân Chủ khoảng 200 km - đây là cung đường mà trước 1975 với kinh hoàng của bom đạn, với đẫm máu của những trận càn của địch, và với những chiến công hiển hách của bộ đội ta…


Đường vào thị trấn Dân Chủ- chiến khu xưa và Krong hôm nay

Rời trung tâm huyện Kbang, chúng tôi bắt đầu đi trên con đường nhựa mới mở tuyệt đẹp mang tên đường Đông Trường Sơn (còn có tên đường 669) xuyên rừng Konkakinh. Tháng tư, vùng Đông Tường Sơn này rực lửa. Hồ thủy điện An Khê - Kanăk cạn nước, sông Ba cạn nước.

Tuy nhiên khi bước vào con đường này lại mát đến lạnh người: Con đường nhựa ngoằn ngoèo xuyên giữa rừng nguyên sinh, hai bên là rừng cây cổ thụ ngàn năm tuổi sừng sững. Đi trên con đường này hôm nay, tôi lại hình dung đến một chiến khu xưa với vô số những con mòn ngang dọc, xuyên giữa những khu rừng rậm khắp vùng Đông Trường Sơn này.

Ra khỏi con đường xuyên giữa khu rừng rậm, đã là thấp thoáng những mái nhà của làng đồng bào Ba Nah của xã Krong.

1. Anh Ninh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã trao đổi nhanh xong, đưa chúng tôi xuống làng Sơ Lam để gặp bok (bác) Đinh HLang, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Krong, thời kháng chiến chống Pháp. Đã 73 tuổi, bok Đinh Hlang có dáng người cao ráo và bước đi còn rất nhanh nhẹn. Bok tự hào nói về thời trai trẻ của mình:

- Ngày xưa, chỉ một làng Sơ Lam (nay là làng Cheng), bây giờ làng Sơ Lam đã được chia thành 8 làng. Hồi đó, đám thanh niên chúng tôi hằng ngày chứng kiến cảnh đàn áp, đánh đập của giặc Pháp, giặc Mỹ nên tinh thần cách mạng càng lên cao, muốn làm cái gì đó xoá bỏ đi nỗi thống trị ấy.

Rồi chúng tôi hiểu rằng: Chỉ bằng cách vào rừng theo cán bộ Việt Minh, để cán bộ bày cách đánh giặc. Chúng tôi tập hợp lại đông lắm, vào rừng và bắt đầu được người Kinh dạy cho bắn súng, hướng dẫn đánh võ trang để tiêu diệt quân Pháp. Khắp nơi trong làng không ai nghe theo lời dụ dỗ của lính Tây, chỉ một lòng ghi dấu lời Bác Hồ dạy là quyết đánh đuổi giặc Pháp. Từ đó, chúng tôi nung nấu chí căm thù, luôn một lòng nghe theo cách mạng, đánh đuổi giặc, bảo vệ buôn làng…

Năm 1954 là giai đoạn bok Đinh Hlang làm liên lạc cho Tỉnh uỷ Gia Lai, rồi sau đó kinh qua nhiều công việc: Tham gia tự vệ bí mật, bộ đội, công an… cho đến sau những năm 1975 bok làm Chủ tịch xã, Bí thư Đảng uỷ xã (năm 2000).

Tại thị trấn Kbang, chúng tôi đã gặp bà Đinh Thị Dreng, vốn là một cán bộ dân vận nhiều năm lăn lộn và bám trụ địa bàn, tiến bộ và trưởng thành với các chức danh: Phó Bí thư huyện uỷ H2, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh (1964).

Bà cho biết: “Những năn 1960, 1961 Tỉnh uỷ chỉ đạo chúng tôi phải làm tốt công tác binh địch vận. Xác định công tác vận động quần chúng lúc này là quan trọng, tất cả tập trung hướng về cơ sở xây dựng lực lượng, củng cố lòng dân với Đảng thật vững chắc. Chúng tôi đêm ngày ăn ở với bà con tại làng và phát động đấu tranh chính trị: Đấu tranh chống lại diễn biến của chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ của Mỹ. Bà con, chiến sĩ vùng đất Krong cũng như Kbang tin tưởng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ tuy lâu dài, cam go nhưng nhất định thắng lợi”.

Bà Dreng kể thêm: Ngày ấy đói khát, bệnh tật luôn rình rập, lại còn phải đối mặt với bom đạn, với những trận càn của địch nhằm xóa sổ vùng căn cứ cách mạng của ta…

Tuy nhiên người Ba Nah ở đây một lòng trung hiếu với Đảng, với cách mạng và với Bok Hồ nên không ai quản ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nuôi giấu cán bộ và tham gia làm cách mạng. Cuộc sống của người Ba Nah ở thị trấn Dân Chủ hồi ấy vui lắm: Ngày đi làm nương, làm đồng về là tranh thủ học cái chữ, tham gia cõng gạo, cõng đạn phục vụ cách mạng với một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng…

Giờ đây, trong những ngày tháng Tư lịch sử này, người Ba Nah ở Krong sau giờ lao động trở về, thường quây quần dưới mái nhà sàn hay bên mái hiên nhà xây, cùng nhau uống nước hay vít cần rượu ghè, họ kể cho nhau nghe những mẩu chuyện trong kháng chiến, chuyện đánh giặc giữ làng như thế nào để có được cuộc sống ngày hôm nay của các bậc tiền bối như bok HLang, anh Đinh Danh… để có thêm niềm tự hào và tin yêu vào cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn trong những ngày sắp tới.

Bok Đinh HLang đưa chúng tôi ra thăm tấm bia vừa mới xây xong: “Di tích lịch sử - văn hoá căn cứ địa cách mạng Khu 10- Krong”- nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ V- từ ngày 23 -30/9/1973 tại Hội trường Đội Văn công tỉnh thuộc làng Vir (Đại hội lần này có 169 đại biểu, đại diện cho hơn 500 đảng viên). Kết quả bầu 27 uỷ viên (3 uỷ viên dự khuyết), 8 thường vụ. Đồng chí Trần Văn Bình được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Trong kháng chiến, tại Kbang có 3 đồn Pháp là các đồn Knak, Sơ Lam, Ko Chó (còn gọi Eo Gió) với nhiều trận đánh ác liệt, quyết tử của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích. Trong đó đáng nhớ nhất là trận đánh đồn Knak vào ngày 7/3/1965. Quân ta với quyết tâm cao nhưng do hoả lực yếu và bị lộ, nên bộ đội ta hy sinh nhiều (hơn 300 đồng chí)…

2. Trung tuần tháng 1/2010, Huyện Đảng bộ Kbang đã tiến hành tổ chức Đại hội điểm tại Đảng bộ xã Krong với nhiều chỉ tiêu đề ra một cách thiết thực, cụ thể cho một địa phương là đầu não khu căn cứ kháng chiến của tỉnh từ những năm trước 1975.

Báo cáo chính trị của Đảng bộ nêu rõ: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, giữ vững quốc phòng an ninh, chuyển đổi và xoá bỏ các tập tục lạc hậu. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Giải quyết tốt các vấn đề bức xúc về xã hội; tạo sự chuyển biến cơ bản trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, sắp xếp ổn định định canh định cư, giải quyết viẹc làm, xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới…


Bia “Di tích lịch sử- văn hóa căn cứ địa cách mạng Khu 10- Krong”

Tất cả những mục tiêu trên đều nhằm xây dựng Krong hôm nay-  thị trấn Dân Chủ xưa thành một xã bình yên và no đủ. Thực tế đó là một cách trả ơn cho những con người Ba Nah kiên trung một thời đã sẵn sàng hy sinh cho cách mạng, cho độc lập dân tộc…

Thực tế tại xã, địa phương đang tiến hành việc đầu tư và tu sửa các công trình thuỷ lợi, chủ động tưới tiêu, khuyến khích nông dân khai thác tận dụng những nơi có nguồn nước để mở rộng diện tích lúa nước. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật; bằng nhiều biện pháp đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; mở rộng diện tích đến năm 2015, gồm: Cây lúa nước 110 ha, bắp lai 1.800 ha, đậu đỗ, cây cà phê đạt 300 ha, phát triển diện tích tre lấy măng, bời lời và cây ăn quả, tận dụng mặt nước ao hồ nuôi cá ngọt…

Krong cũng chú trọng phát triển một số ngành nghề từ lợi thế của người dân địa phương như: Mộc dân dụng, xay xát, đan lát, dệt thổ cẩm; duy trì và phát triển nghề truyền thống nuôi ong lấy mật từ rừng tự nhiên. Đến nay nhân dân đã trồng hàng trăm ha rừng theo hướng nông lâm kết hợp; nhận và giao khoán 7.900 ha rừng cho nhân dân hàng ngày trông nom, bảo vệ…

3. Bây giờ, Krong chưa phải là xã giàu, nhưng những gì hiện ra trước mắt chúng tôi đây, cho thấy người Ba Nah ở Krong đã dần vượt qua đói nghèo, biết cách làm ăn nhờ vào nhiều chương trình, nhiều dự án của Nhà nước.

Thế hệ hôm nay đang làm những gì có thể để người Ba Nah ở thị trấn Dân Chủ- chiến khu xưa có được cuộc sống đủ đầy hơn, hạnh phúc hơn, nhằm bù đắp cho những hy sinh mất mát mà người ba Nah ở đây một thời không ngần ngại dâng hiến cho cách mạng.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.