| Hotline: 0983.970.780

Liên kết nuôi tôm thẻ chân trắng "phòng ngừa EMS"

Thành công ngoài mong đợi ở Cà Mau

Thứ Tư 21/05/2014 , 06:57 (GMT+7)

Đầu năm 2014, Cty MEGA sau khi nghiên cứu thành công chuỗi quy trình phòng chống bệnh EMS, đã phối hợp cùng Hội Thủy sản TP. Cà Mau cho thử nghiệm quy trình này trên một số hộ dân nuôi tôm.

Kết quả, quy trình do Cty phổ biến thành công vượt ngoài sự mong đợi của các hộ dân đã ký hợp đồng với Cty.

Sau thành công ở Trà Vinh đến Cà Mau

Ngày 9/5/2014, Cty MEGA cùng HTS TP Cà Mau tổ chức buổi hội thảo tổng kết mô hình liên kết giữa Hội Thủy sản TP Cà Mau, hộ nuôi tôm và Cty MEGA trong việc phòng chống bệnh gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng nuôi công nghiệp tại xã Hòa Tân, TP. Cà Mau.

Buổi hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Hội Nông dân các xã trên địa bàn TP. Cà Mau và cơ quan chuyên môn trong tỉnh.

Trước đó, Cty đã cho trình diễn ao nuôi tôm sạch theo quy trình tại Trà Vinh. Cty đã ký hợp đồng với hộ ông Nguyễn Văn Tòng (Mười Tòng) ở ấp Long Hanh, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng chuỗi quy trình này.

Ông Ngô Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội thủy sản TP Cà Mau đã báo cáo tổng kết các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng phòng chống bệnh gan tụy cấp. Theo ông Sơn, tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn TP đang phát triển rất nhanh, lên đến 780 ha. Diện tích tôm bị nhiễm bệnh gan tụy cấp và đốm trắng ngày càng nhiều.

Chỉ trong quý 1/2014, tính riêng trên địa bàn xã Hòa Tân đã có 6,61 ha tôm bị nhiễm bệnh gan tụy cấp và đốm trắng (chưa kể các hộ bị nhiễm mà không thông báo). Chính vì vậy mà HTS TP Cà Mau đã mạnh dạn ký kết hợp đồng “3 nhà” gồm: Cty MEGA, Hội Thủy sản và một số hộ nông dân để thử nghiệm quy trình nuôi tôm sạch phòng chống bệnh gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng.

“Các hộ dân nuôi áp dụng quy trình phòng chống bệnh gan tụy cấp của Cty MEGA đều phát triển rất tốt, tôm không bị nhiễm bệnh. Đến nay các hộ đều đã thu hoạch và hộ nào cũng lãi khá. Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo quy trình phòng chống bệnh gan tụy cấp đã mở ra một hướng đi mới rất an toàn cho người dân TP. Cà Mau nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung”, ông Sơn đánh giá về quy trình.

Hiệu quả cao, ủng hộ mạnh

Có 3 hộ dân trên địa bàn xã Hòa Tân liên kết ký hợp đồng làm theo mô hình “Phòng ngừa EMS” với Cty MEGA. Ngoài ra, còn một số hộ thấy mô hình hiệu quả làm theo, tuân thủ theo đúng quy trình của Cty MEGA nhưng không trong diện hợp đồng. Các hộ trên đều đã thu hoạch tôm và rất phấn khởi vì sau những vụ tôm thất bại nay đã trúng mùa.

Ông Châu Văn Đấu, ở ấp Hòa Đông, xã Hòa Tân ký hợp đồng đảm bảo nuôi theo đúng quy trình do Cty MEGA phổ biến. Ông Đấu ký hợp đồng nuôi 2 ao tôm thẻ chân trắng với diện tích 3.400 m2, theo đúng cam kết ghi trong hợp đồng.

Khi tôm nuôi được 10 ngày tuổi, Cty MEGA lấy mẫu đi xét nghiệm, chất lượng tôm đảm bảo được yêu cầu và đã cho phổ biến quy trình, có kỹ sư của Cty MEGA theo dõi, đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật. Sau 68 ngày nuôi đến ngày 1/4/2014, ông Đấu quyết định lên ao nhỏ diện tích 1.500 m2. Ao này ông thả 100 ngàn con giống, tỷ lệ sống 91%, với trọng lượng 91 con/kg, thu được 1,05 tấn tôm, bán giá 92 ngàn đồng/kg, thu được hơn 100 triệu đồng.

Ao lớn diện tích 2.200 m2, ông lên khi tôm được 74 ngày, trọng lượng tôm đạt 78 con/kg, thu được 1,76 tấn tôm, bán giá 111 ngàn đồng/kg, thu được 195 triệu đồng. Tổng thu 2 ao của ông là 300 triệu động, trừ tất cả mọi chi phí (chi phí cho quy trình hết 27 triệu), ông Đấu còn lời 150 triệu đồng.

Ông Đấu chia sẻ niềm phấn khởi của mình: “Mấy vụ rồi tôi nuôi đều thất bại, vụ vừa qua tôi quyết định ký hợp đồng với Cty MEGA áp dụng quy trình nuôi tôm sạch phòng chống bệnh gan tụy cấp. Hiệu quả mang lại vượt xa sự mong đợi của tôi.

Quyết định của tôi là đúng khi mà quanh tôi các hộ đều thất thu. Thấy tôi làm ăn hiệu quả nên các hộ quanh đây đến chia sẻ kinh nghiệm rất nhiều, tôi nói với họ “nuôi tôm theo quy trình phòng chống bệnh gan tụy cấp của Cty MEGA là bí quyết thành công”. Đặc biệt, tôi tâm đắc với bộ 3 sản phẩm phòng bệnh gan tụy trên tôm của Cty MEGA. Năm nay tôm không rớt giá thì lãi thêm cả trăm triệu nữa”.

Cùng chung niềm vui với hộ ông Đấu là hộ anh Trần Nhất Lan, ở ấp Cái Nai, xã Hòa Tân. Anh Lan có 2 ao với diện tích mỗi ao 3.000m2, mỗi ao thả 180.000 con tôm giống. Khi tôm được 48 ngày tuổi thì cả 2 ao đều bị nhiễm bệnh gan tụy cấp và tôm bắt đầu chết, anh Lan đã thực hiện đúng “GIẢI PHÁP CHO BỆNH EMS Ở TÔM NUÔI” của Công ty MEGA dưới sự hướng dẫn và kiểm tra của kỹ sư Công ty MEGA, một ao đã vượt qua nguy hiểm và hủy một ao do bệnh đã quá nặng.

Từ đó anh Lan đã tuân thủ và làm theo đúng quy trình Cty MEGA phổ biến. Sau 93 ngày, anh Lan thu hoạch được hơn 4,3 tấn tôm, trọng lượng tôm 47 con/kg, bán với giá 139 ngàn đồng/kg. Mặc dù tôm không được giá, sau khi trừ chi phí 240 triệu, anh còn lãi ròng 380 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Giám đốc Cty MEGA khẳng định: “Quy trình nuôi tôm sạch phòng chống bệnh gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng dựa vào các sản phẩm của Cty tuyệt đối không sử dụng các chất kháng sinh. Về hướng phát triển trong tương lai, không những mô hình sẽ được nhân rộng ở Cà Mau để liên kết phát triển cùng có lợi, mà Cty còn phổ biến ra toàn vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với Cty là các hộ dân không giữ vững lập trường, không tuân thủ làm theo đúng quy trình Cty phổ biến, có thể gây ra các thiệt hại đáng tiếc. Điều Cty mong muốn là các hộ dân nuôi tôm hãy đầu tư đúng mức, hãy tin tưởng làm theo đúng quy trình, chúng tôi sẽ đảm bảo thành công”.

“Sau khi áp dụng quy trình nuôi phòng chống bệnh gan tụy cấp trên địa bàn xã Hòa Tân, 100% hộ làm theo quy trình tôm không bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tôm đạt đầu con cao, tôm lớn nhanh và ít rủi ro. Hiện tại tôi cũng đang phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp theo quy trình này đến nay được hơn 1 tháng tuổi, tôi tin vào vụ mùa bội thu”, ông Trần Xuân Việt, Chủ tịch Hội Thủy Sản xã Hòa Tân nói về quy trình mà ông tâm đắc và đang áp dụng cho gia đình mình.

Tiếp tục nhân rộng ra toàn vùng ĐBSCL

Để đảm bảo cho người nuôi khi làm đúng theo quy trình, Cty MEGA cam kết hỗ trợ 50% chi phí nếu tôm bị bệnh gan tụy cấp, từ 20-30% khi tôm bị nhiễm các bệnh khác làm thất thu. Đúng là lợi ích lớn khi hợp đồng “tay 3” giữa hộ dân, hội thủy sản và Cty MEGA.

Trong cuộc hội thảo tổng kết, ông Diệp Thanh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Cà Mau nhấn mạnh đến vấn đề phong trào nuôi tôm công nghiệp trên địa bản tỉnh vài năm trở lại đây phát triển rất mạnh. Tính đến nay đã có 800 ha đất nuôi tôm công nghiệp.

Đây là thông tin đáng mừng vì nếu nuôi tôm công nghiệp thành công sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho người dân. Ngược lại cũng rất đáng lo ngại, tình hình bệnh dịch trên tôm hiện nay rất phức tạp, đặc biệt là bệnh gan tụy cấp.

“Cty MEGA nghiên cứu ra quy trình này và cho thí điểm đạt hiệu quả đây là một thông tin rất đáng mừng. Bệnh gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú là bệnh do vi khuẩn kết hợp cùng một loại vi rút gây ra rất khó trị, nhưng áp dụng quy trình gồm bốn bước của Cty đưa ra rất thành công. Tôi khuyến khích Cty MEGA tiếp tục cho phát triển mở rộng mô hình để khẳng định được giá trị công trình nghiên cứu của mình”, ông Diệp Thanh Hải nhấn mạnh.

Nhất quán quan điểm với ông Hải, ông Trương Minh Út, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau nhấn mạnh thêm: “Cty nên phổ biến và mở rộng quy trình này để khẳng định được đó là bí quyết thành công của người nông dân. Quy trình không sử dụng chất kháng sinh sẽ nhận được sự ủng hộ rất cao của các DNXK.

Tôi nghĩ thành công lớn của Cty là ở mặt này. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cty cũng lên tìm hiểu, nghiên cứu thêm để hoàn thiện chuỗi quy trình để không những ngăn ngừa được bệnh gan tụy cấp mà còn nhiều bệnh khác, phát huy tối đa chuỗi quy trình là đứa con cưng mà Cty đang sở hữu”.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất