| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Chính quyền “trao rựa” cho dân tàn sát rừng

Thứ Hai 08/08/2011 , 10:37 (GMT+7)

Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã ký 65 quyết định cho phép hộ gia đình cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và sản lượng lâm sản tận thu...

Một chính sách bị biến tướng 

Năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch trồng cao su đến năm 2015 và Bộ NN- PTNT có thông tư 58 hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp.

Ngay sau khi có các văn bản này, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã chỉ đạo cho các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ cho nhân dân cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng cao su. Và chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã ký 65 quyết định cho phép hộ gia đình cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và sản lượng lâm sản tận thu, tận dụng với tổng diện tích 1.016ha tại 10 xã.  

Gỗ chở không kịp nên được tập kết ngổn ngang trên đường vận chuyển

Đến thời điểm này tổng diện tích rừng đã được thực hiện theo cụm từ trong các quyết định của UBND huyện Như Xuân là “cải tạo rừng nghèo kiệt” lên đến 253ha; số còn lại đang được các hộ dân tích cực “cải tạo”! Nói là cải tạo rừng nghèo kiệt nhưng thực tế có không ít diện tích rừng hiện đang có trữ lượng gỗ rất lớn cũng bị chặt phá. PV NNVN đã đi sâu vào cánh rừng thuộc tiểu khu 648C, nơi đang được cả DN và hộ dân khai thác thấy nhiều cây gỗ to bị đốn hạ không thương tiếc.

Mặc dù Thông tư 58 nói rõ là cải tạo rừng nghèo kiệt chỉ để nhằm mục đích là lấy quỹ đất trồng cao su nhưng đến nay, với 1.016ha rừng đã được UBND huyện cho phép cải tạo và hiện người dân mới chỉ thực hiện được 253ha thì đã có 43ha đưa vào trồng keo, 48ha đã trồng sắn; một số hộ lấy đất trồng mía và có 12ha ở xã Xuân Hòa sau hơn 1 năm cải tạo đến nay đất vẫn đang bỏ hoang, trong khi đó lâm sản tận thu được với khối lượng gỗ không hề nhỏ đã được mang đi bán, lấy tiền tiêu.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Như Xuân thì trong tổng số 253ha đã được cải tạo để trồng cao su thì thực tế đến nay chỉ mới trồng được 114ha cao su. Khi chúng tôi đưa vấn đề này trao đổi với ông Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Dương Văn Mạnh thì ông Mạnh cam kết sẽ cho kiểm tra lại vì những việc này ông giao cho cấp dưới làm.

Chuyển nhượng tràn lan

Xã Xuân Hòa là một trong những điểm nóng nhất trong việc người dân tự ý chuyển nhượng đất rừng cho nhau mà không qua chính quyền và tự ý khai thác rừng một cách tràn lan. Điều đáng nói ở đây, có không ít người từ Hà Nội vào mua đất rừng của dân, sau một tháng đã có quyết định của UBND huyện về việc cho cải tạo rừng để trồng sắn. Sau khi có quyết định của huyện, những người này đã sớm huy động các loại phương tiện, máy móc để tàn sát rừng và gom toàn bộ số gỗ tận thu được để mang đi bán. Còn rừng cải tạo được thì không tiến hành trồng cao su.

 Thấy được lợi nhuận và sợ sẽ không thu được lợi ích gì từ việc trồng cao su sau nhiều năm nữa nên đối tượng này lại chuyển nhượng toàn bộ hàng trăm ha rừng đó cho một Cty lớn ở Thanh Hóa để tiến hành trồng mía. Cứ như vậy, loại rừng được cho là nghèo kiệt ở Như Xuân đã được người ta chuyền tay nhau mua bán, chặt hạ không thương tiếc.

Gỗ làm nhà được lấy từ cửa rừng Xuân Hòa

Thực trạng trên cũng được Hạt Kiểm lâm Như Xuân thừa nhận trong một báo cáo gửi UBND huyện và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa: Trong thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện, nhất là vùng xã Xuân Hòa chuyển nhượng đất rừng lâm nghiệp diễn ra khá phức tạp. Nhiều hộ gia đình đã tự ý chuyển nhượng cho nhau mà không thông qua chính quyền địa phương. Vì thấy lợi trước mắt nên đã bán đất rừng của mình được Nhà nước giao rồi sau đó trở thành kẻ làm thuê cho những người đến mua.

Ông Lê Đức Trị ở xã Xuân Hòa (Như Xuân), một người đã chuyển nhượng 313ha rừng mà ông đã gắn bó 12 năm cho một người khác, kể: “Từ khi nhận giao đất khoanh nuôi bảo vệ rừng đến nay đã 12 năm nhưng chúng tôi chưa hề để xảy ra cháy rừng lần nào và cũng chưa để xảy ra tình trạng chặt phá rừng. Nhà nước có hỗ trợ cho 1ha là 50 ngàn đồng/năm và thời gian hỗ trợ là 4 năm. Vì gắn bó với rừng suốt bao nhiêu năm mà không nhận được đầu tư hay lợi ích của rừng vì bị Nhà nước cấm khai thác nên vừa rồi tôi quyết định chuyển nhượng diện tích này cho anh Trương Xuân Hạ ở TP Thanh Hóa với giá 6 triệu đồng/ha. Và tôi được biết là anh Hạ cũng vừa chuyển lại diện tích đó cho một người khác ở HTX Hưng Hòa rồi (?!)”.

“Tôi và nhiều người dân thấy xót xa vô cùng và cũng thấy lạ. Xót xa là mình gắn bó, bảo vệ rừng bao nhiêu năm nhưng nay đứng nhìn người ta khai thác rồi tận thu lâm sản để sử dụng. Lạ là chỉ chuyển nhượng chưa được bao lâu thì họ đã có giấy phép khai thác. Đến tôi còn không tin nổi” - ông Lê Đức Trị.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ông Nguyễn Văn Khai quê gốc ở Nghĩa Đàn- Nghệ An vừa qua cũng chuyển nhượng được 110ha đất rừng ở xã Xuân Hòa cho ông Nguyễn Đức T. có địa chỉ ở Thanh Trì- Hà Nội với giá là 9 triệu đồng/ha. Hiện ông T. đã tiến hành cải tạo rừng và tận thu toàn bộ số gỗ có được bán cho một người ở Nghệ An. Ông Lê Đức Trị cho biết, ông T. được UBND huyện Như Xuân cho phép cải tạo 26,5ha rừng. Tuy nhiên đến nay việc khai thác đã gần như hoàn tất nhưng ông T. lại không tiến hành trồng cao su mà đã chuyển nhượng lại 110ha đó cho người khác rồi, nghe nói người đó sẽ tiến hành trồng mía”.

Thực trạng cấp phép cho nhân dân cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng cao su ở Như Xuân- Thanh Hóa đang bị biến tướng dưới nhiều hình thức. Sự dễ dãi của chính quyền sở tại và sự buông lỏng quản lý của cấp trên, thiếu kiểm tra, giám sát của các ngành đang khiến tình hình chuyển nhượng, buôn bán đất rừng ở huyện miền núi này diễn ra ngày càng lộn xộn, phức tạp. 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất