| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Đã khống chế dịch LMLM gia súc

Thứ Ba 31/12/2013 , 20:33 (GMT+7)

Gần 10 ngày nay dịch đã được khống chế, không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh mới.

Sau gần 15 ngày tập trung chống dịch, đến nay, 184/189 con gia súc bị bệnh LMLM tại 2 huyện Như Xuân, Thạch Thành (Thanh Hóa) đã được điều trị khỏi, hiện còn 5 con đang tiếp tục điều trị. Gần 10 ngày nay dịch đã được khống chế, không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh mới.


Phun hóa chất tiêu hủy gia cầm bị bệnh.

Dịch LMLM được phát hiện vào ngày 13/12, tại hộ ông Nguyễn Xuân Hạnh ở thôn Hùng Tiến, xã Xuân Bình, huyện Như Xuân. Hộ ông Hạnh nuôi 1 con bò, sau khi thấy bò ăn ít, mồm chảy nhiều nước dãi, lở loét ở móng chân, ông báo cáo với các cơ quan chức năng; đồng thời, vệ sinh chuồng trại, sử dụng nước chát, giấm, thuốc điều trị nên sau 10 ngày bò của gia đình ông đã khỏi bệnh.

Như Xuân là huyện miền núi, có số lượng gia súc khá lớn cộng với truyền thống thả rông trâu bò trên rừng nên việc tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Trong đợt dịch lần này, nguyên nhân được xác định là do đàn gia súc chưa được tiêm phòng, bệnh lây lan từ các địa phương ngoại tỉnh vào.

Được biết, toàn huyện có 126 con gia súc thuộc 8 thôn của 2 xã Xuân Bình và Xuân Hòa bị bệnh; trong đó, Xuân Bình 100 con (đã điều trị khỏi 97 con, đang điều trị 3 con); Xuân Hòa có 26 con (đã chữa khỏi 24, đang điều trị 2 con).

Địa phương thứ 2 có dịch là xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành. Toàn huyện có 63 con trâu bò của 10 thôn bị bệnh, đến nay đã chữa khỏi toàn bộ.

Trong tháng 12/2013, dịch cúm gia cầm (H5N1) cũng đã làm 215 con gia cầm của hộ ông Lê Chí Thuật ở thôn Ái Sơn 2, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa bị ốm chết. Ngay sau đó, lực lượng thú y đã tiêm phòng vacvin cúm A/H5N1 cho 100% đàn gia cầm ở phường Đông Hải và vùng khống chế; tiêu hủy 450 con gia cầm của hộ ông Thuật. Đồng thời, triển khai các biện pháp dập dịch khác. Hiện dịch cúm A/H5N1 cũng đã được không chế an toàn.

Ông Hoàng Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm Thú y Thạch Thành cho hay, sau khi phát hiện 3 con trâu của hộ ông Nguyễn Văn Nhuần ở thôn Trường Sơn 3 bị bệnh, Trạm đã phối hợp với xã Thạch Tượng và các hộ dân tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại; tiêm bổ sung vacxin LMLM type O; đồng thời, dùng nước chát, giấm bôi lên các vết thương. Sau 5 - 7 ngày điều trị thì 63/63 con trâu bò đều đã khỏi bệnh, hơn 10 ngày nay không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh mới.

Còn ông Lê Văn Luận, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa nhận định: “Có 2 nguyên nhân dẫn đến đợt dịch lần này, trước hết là do thời tiết giá rét làm giảm sức đề kháng đàn trâu bò, thứ hai, hầu hết gia súc bị bệnh đều chưa tiêm phòng. Riêng huyện Như Xuân, gia súc bị LMLM type A nên việc chữa trị, phòng bệnh gặp nhiều khó khăn hơn bởi vacxin type A quá đắt, người dân không có điều kiện mua để tiêm, trong khi chính sách hỗ trợ của nhà nước đang còn hạn chế”.

Cũng theo ông Luận, Chi cục đã cấp cho các xã 270 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm tại các thôn có dịch 2 ngày 1 lần, các thôn chưa có dịch 3 ngày 1 lần; tiêm phòng bổ sung 1.500 liều vacxin type A tại huyện Như Xuân và 3.500 liều vacxin type O ở huyện Thạch Thành để bao vây ổ dịch. Đồng thời, lập thêm 6 chốt kiểm dịch trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn 3 xã; chốt gác 24/24 giờ, nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc và sản phẩm gia súc trong thời gian có dịch.

Riêng các hộ dân trong vùng dịch, tổ chức ký cam kết với UBND xã không bán chạy, giết mổ gia súc bị bệnh, trường hợp nào vi phạm sẽ xử phạt nghiêm khắc.

Như vậy, đến thời điểm này dịch LMLM gia súc ở Thanh Hóa cơ bản được khống chế.

Tuy nhiên, để dịch qua 21 ngày trong điều kiện rét đậm, rét hại, Chi cục Thú y Thanh Hóa khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục điều trị cho số gia súc đang bị bệnh. Đối với những con đã điều trị khỏi và đang khỏe mạnh bà con cần che chắn chuồng trại tránh gió; nuôi nhốt gia súc tại nhà vào những ngày rét đậm; bổ sung thức ăn và các chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho gia súc, trong trường hợp gia súc bị chết phải báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y để xác định gia súc chết do bị dịch hay chết rét để khống chế kịp thời.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất