| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hoá đã thí điểm cấp thẻ học nghề

Thứ Sáu 24/12/2010 , 11:12 (GMT+7)

Thanh Hóa vừa khai giảng lớp đào tạo nghề trồng mía cho lao động nông thôn theo hình thức cấp thẻ...

Cấp thẻ học nghề cho nông dân là một trong những nội dung quan trọng của Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ nằm trong Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Đây được xem như cơ hội vàng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

Thanh Hoá cùng Bến Tre, được chọn làm thí điểm cấp thẻ học nghề cho nông dân. Thanh Hoá là tỉnh thuần nông, đông dân cư. Thực hiện QĐ của Thủ tướng và thông tư hướng dẫn liên Bộ, UBND tỉnh Thanh Hoá đã giao cho Sở LĐ- TBXH xây dựng kế hoạch, chương trình cho việc triển khai đề án này. Trường Cao đẳng nghề Lam Kinh là đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện việc thí điểm đó. Đến thời điểm này, Thanh Hoá đã mở được 5 lớp học theo hình thức cấp thẻ học nghề cho nông dân với số lượng 175 học viên.

Ngày 21/12, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh cùng một số Sở, ban ngành trong tỉnh Thanh Hoá đã tham dự Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề trồng mía cho lao động nông thôn theo hình thức cấp thẻ do Trường Cao đẳng nghề Lam Kinh tổ chức. Dự kiến lớp học này kéo dài 3 tháng, đào tạo cho 35 học viên thuộc Hội Nông dân xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân. Từ mô hình thí điểm này, các cán bộ giáo viên của nhà trường sẽ trực tiếp giảng dạy những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc mía một cách khoa học, dễ dàng nhất cho bà con nông dân.

Cùng với việc học tại lớp, các học viên sẽ được đi thực tế tại các ruộng mía và cùng nhau thực hành, áp dụng các tiến bộ KHKT để nắm bắt các kiến thức một cách tốt nhất. Theo ông Lê Văn Oánh - Q. Hiệu trưởng nhà trường thì tinh thần lớp học là phổ biến các kiến thức cơ bản một cách thực tế nhất, sát sườn nhất, dễ hiểu, dễ làm nhất để nông dân dễ tiếp cận. Và các giảng viên sẽ cùng đối thoại khi nhận được các ý kiến phản biện của học viên. Cuối mỗi môn học sẽ được đánh giá bằng kiểm tra, ôn tập và thi. Học viên sẽ được cấp chứng nhận lớp học, được phát thẻ học nghề.

+ Việc phát hành thẻ học nghề nông nghiệp là kết quả của "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã được Chính phủ phê duyệt và kinh phí do nhà nước bao cấp toàn bộ. Do đó, người nông dân không phải bỏ ra bất kể khoản tiền nào khác mà chỉ tập trung vào học nghề cho tốt. Bởi đây là hình thức hỗ trợ kinh phí của nhà nước thông qua chiếc thẻ để bất kể người nông dân nào cũng tạo dựng cho mình một nghề cụ thể.

+ Có thể nói, việc triển khai Đề án 1956 không những tạo cơ hội cho lao động nông thôn mà còn nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho họ. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề sẽ được đầu tư trang thiết bị dạy học, chương trình, giáo trình, học liệu và bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng dạy cho đội ngũ giáo viên... Trung bình, mỗi năm đề án đào tạo nghề cho khoảng 66.422 lao động và 3.600 lượt cán bộ, công chức cấp xã...

Phát biểu chào mừng tại lễ khai giảng lớp đào tạo nghề trồng mía cho lao động nông thôn theo hình thức cấp thẻ, ông Phạm Hùng - Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN-PTNT và ông Vương Văn Việt - PCT UBND tỉnh Thanh Hoá đều mong muốn là lớp học sẽ đạt được nhiều kết quả tốt. Theo ông Hùng thì ưu thế của việc cấp thẻ là người học có quyền lựa chọn nghề cần học, lựa chọn cơ sở đào tạo nghề - kể cả đó là cơ sở đào tạo tư nhân hay liên doanh. Điều này cũng sẽ thúc đẩy cơ sở đào tạo nghề nâng cao chất lượng vì cơ sở tốt sẽ thu hút được đông học viên theo học.

Còn ông Việt thì nhấn mạnh rằng: “Đây sẽ là cách tốt nhất nâng cao được kiến thức trồng mía cho người nông dân và hiệu quả đầu tư cho các NM đường cũng như bản thân hộ dân. Vấn đề là chất lượng đào tạo phải hết sức sát với nhu cầu người học và đáp ứng được yêu cầu, mục đích đề ra. Đồng thời, hình thức đào tạo phải như thế nào để tăng tính cạnh tranh đối với việc dạy nghề cho nông dân vì hình thức cấp thẻ là một cách làm mới mà người dân phải là đối tượng chính được hưởng lợi thực sự và lớn nhất trong đề án này”.

Bà Lê Thị Lệ, thôn 9 và bà Lê Thị Tuyết, thôn Hữu Lễ 4 ở xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân cầm tấm thẻ màu đỏ được Sở LĐ-TBXH Thanh Hoá cấp ghi rõ: “Học nghề kỹ thuật trồng mía” phấn khởi nói với chúng tôi: “Người học không chỉ được tiếp cận với những thông tin mới, cách làm hay trong kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mía mà còn được nhận mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người/khoá học và được hỗ trợ tiền ăn 15 ngàn đồng/người/ngày thực học nên tất cả các học viên đều đi học đầy đủ và học rất nghiêm túc”.

Từ những kết quả ban đầu đó, tỉnh Thanh Hoá và Sở LĐ-TBXH đã tiếp tục giao cho Trường Cao đẳng nghề Lam Kinh dạy nghề kỹ thuật cho lao động nông thôn về trồng nấm, trồng cây công nghiệp, bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho nông dân theo hình thức cấp thẻ này.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất