| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Đóng mới tàu công suất lớn

Thứ Hai 15/09/2014 , 09:05 (GMT+7)

Để đáp ứng nhu cầu đánh bắt xa bờ của ngư dân, từ nay đến 2016 Thanh Hóa sẽ đóng mới 90 tàu khai thác có công suất từ 400 CV trở lên.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nghị định 67 ra đời kịp thời không chỉ tạo điều kiện cho ngư dân cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng an tâm vươn khơi phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo mà còn là bước đệm để tái cơ cấu ngành thủy sản.

Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận kế hoạch phân bổ số lượng đóng mới tàu cá của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp với chính quyền huyện, xã rà soát danh sách ngư dân đăng ký đóng mới, cải hoán tàu để giao kế hoạch thực hiện.

Ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, Thanh Hóa được phân bổ đóng mới 90 tàu khai thác có công suất từ 400CV trở lên và 4 tàu dịch vụ hậu cần. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ thực hiện từ tháng 9/2014 đến tháng 6/2015, đóng mới 10 tàu vỏ sắt, 20 tàu vỏ gỗ và 2 tàu dịch vụ hậu cần; nâng cấp 40 tàu khai thác hải sản có công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.

Giai đoạn 2 triển khai từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2016, đóng mới 60 tàu khai thác hải sản và 2 tàu dịch vụ hậu cần; nâng cấp toàn bộ tàu khai thác có công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên, đối với chủ tàu có nhu cầu.

“Mặc dù kế hoạch xây dựng như trên nhưng nếu triển khai giai đoạn 1 thuận lợi thì có thể đẩy nhanh tiến độ đóng mới các tàu cá còn lại trong năm 2015 chứ không cần kéo dài sang năm 2016”, ông Tuấn nói.

Tại hội nghị, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều cho rằng nhu cầu đăng ký của ngư dân lớn hơn rất nhiều so với phân bổ của Bộ NN-PTNT, hơn nữa vốn Nhà nước cho vay còn hạn chế nên cần xét thêm các điều kiện khác để hỗ trợ thêm kinh phí giúp ngư dân đóng mới tàu theo đúng tiêu chí.

Ông Hoàng Văn Truyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn nói: “Toàn thị xã có 218 hộ đăng ký đóng mới, cải hoán 200 phương tiện. Sau khi rà soát có khoảng 100 hộ đủ điều kiện tham gia theo Nghị Định 67. Tuy nhiên, qua số lượng Bộ phân bổ cho tỉnh thì chính sách dành cho Sầm Sơn chắc chắn ít hơn rất nhiều so với nhu cầu đăng ký của ngư dân”.

Hiện thị xã Sầm Sơn có 1.041 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản với tổng công suất 67.000 CV; trong đó có 213 phương tiện thường xuyên đánh bắt ở vùng đánh bắt cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc với tổng công suất 53.000 CV.

Ngư dân Nguyễn Văn Thân, thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh sở hữu đôi tàu khai thác lớn nhất huyện Tĩnh Gia (850 CV/2 chiếc) cho biết, gia đình ông đang chờ gói hỗ trợ cho vay của Nhà nước để đóng thêm 1 đôi tàu vỏ sắt, tiếp tục vươn khơi xa. Nếu Nhà nước cho vay tới 90% giá trị tàu thì gia đình đủ khả năng đối ứng được 10% và tiến hành đóng tàu ngay.

“Đóng tàu vỏ sắt là nhu cầu của nhiều ngư dân bởi nếu có va chạm cũng ít thiệt hại, ít nguy hiểm cho thuyền viên, hơn nữa tàu vỏ sắt có điều kiện thiết kế hiện đại hơn... Nhưng khi được hỗ trợ chúng tôi phải được tham gia thiết kế cho chiếc tàu của mình”, ông Thân nói.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.230 phương tiện khai thác thủy hải sản. Trong đó, đội tàu dưới 20 CV là 5.000 chiếc. Sau khi tổng hợp nhu cầu của ngư dân 6 huyện ven biển đã đăng ký đóng mới 523 tàu công suất lớn. Trong đó, nhiều nhất là thị xã Sầm Sơn 204 chiếc; thấp nhất là Nga Sơn 11 chiếc.

Đối với huyện Hậu Lộc, một trong những huyện có số lượng tàu đánh bắt xa bờ khá lớn (hơn 330 chiếc) thì khó khăn của các tàu trên là tuổi thọ quá cao dẫn đến hiệu quả khai thác đạt thấp.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho hay: “Mặc dù hàng năm có nhiều tàu đánh bắt xa bờ bổ sung vào đội tàu của huyện nhưng hầu hết ngư dân mua tàu đã cũ từ các địa phương khác về do thiếu nguồn vốn. Do đó, Nghị định 67 sẽ là chiếc “phao cứu sinh” cho những ngư dân có tham vọng làm giàu từ đi biển”.

Ông Long cũng đề nghị tỉnh phân bổ cho huyện 1 tàu dịch vụ hậu cần nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến hải sản của ngư dân.

Theo ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh đã yêu cầu các huyện, xã và sở ngành liên quan phải lựa chọn đúng đối tượng, có năng lực khai thác trên cơ sở công khai, minh bạch, dân chủ để triển khai chính sách hỗ trợ.

Theo đó, tiêu chí để hỗ trợ đóng mới tàu khai thác phải là những hộ từng tham gia đánh bắt xa bờ; có kinh nghiệm, tay nghề; năng suất khai thác bình quân lâu nay; việc trả thù lao cho người lao động; năng lực tài chính phục vụ đối ứng có đảm bảo hay không?...

“Ngư dân được chủ động lựa chọn phương án đầu tư, nơi đóng mới tàu, mua ngư lưới cụ nhưng trên cơ sở có sự định hướng, quản lý, giám sát của các cấp có thẩm quyền”, ông Xứng nhấn mạnh.

Ngoài thực hiện hỗ trợ đóng mới tàu, Thanh Hóa sẽ triển khai đồng bộ các chính sách nâng cấp, đầu tư cơ sử hạ tầng, bảo hiểm, thuế... Đồng thời, rà soát hạ tầng âu tránh, trú bão để có kế hoạch trình Bộ NN-PTNT đầu tư hạ tầng cho nghề khai thác và chế biến thủy hải sản.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.