| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Dừng nạo vét cửa sông Đơ, nông dân điêu đứng

Thứ Hai 30/03/2015 , 08:45 (GMT+7)

Công việc đình trệ khiến tàu thuyền của hàng trăm ngư dân mắc cạn, hàng nghìn ha lúa, hoa màu trên địa bàn thị xã Sầm Sơn và huyện Quảng Xương đứng trước nguy cơ ngập úng.

Trước đó, dự án “Nạo vét khẩn cấp cửa sông Đơ tại cống Trường Lệ (thị xã Sầm Sơn) phục vụ hoạt động khai thác thủy sản và phòng chống lụt bão” đang được triển khai thuận lợi thì đùng một cái tháng 9/2014 UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu dừng thực hiện.

Quyết định khó hiểu!

Từ trước đến nay, cửa tiêu sông Đơ phía hạ lưu cống Trường Lệ thuộc địa bàn thôn Vinh Sơn, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phục vụ ngư dân khai thác thủy sản và tiêu thoát lũ vào mùa mưa.

Tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cát biển liên tiếp bồi lấp đoạn hạ lưu khiến cho việc xả lũ cứu hàng hoa màu gặp khó khăn, tàu thuyền của ngư dân mắc cạn ngay trong bến, gãy chân vịt, hỏng máy, phải thuê người đào cát cứu tàu…

Từ thực trạng trên, UBND thị xã Sầm Sơn lập hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công chi tiết nhưng dự án không thể triển khai vì kinh phí địa phương hạn chế.

Đúng lúc này, Cty TNHH Hồng Thắng (xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn) xin đứng ra thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa.

Theo đó, Cty Hồng Thắng sẽ bỏ kinh phí (4 tỷ đồng) nạo vét theo yêu cầu và được quyền sử dụng lượng cát nạo vét phục vụ công trình do Cty đang thi công.

Giải pháp Cty Hồng Thắng đưa ra nhanh chóng được các Sở NN-PTNT, Kế hoạch - Đầu tư, Khoa học - Công nghệ và các đơn vị liên quan như Cty TNHH thủy nông Sông Chu, Đồn biên phòng Sầm Sơn, UBND huyện Quảng Xương… có văn bản đồng tình, ủng hộ vì có lợi cho tất cả các bên.

Đến ngày 11/4/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công văn số 2428/UBND - CN đồng ý chủ trương trên. Ngày 7/5/2013, UBND thị xã Sầm Sơn đã bàn giao mặt bằng thi công nạo vét cho Cty Hồng Thắng. Theo đó, Cty có nhiệm vụ nạo vét cửa sông và được phép tận thu 44.866m3 cát san lấp, công suất tận thu 25.000m3/năm; thời gian thực hiện là 2 năm tính từ tháng 9/2014.

Hoàn tất các thủ tục pháp lý, Cty Hồng Thắng trang bị máy móc, thiết bị thực hiện dự án. Tuy nhiên, mới chỉ tiến hành khai thác được 56 ngày với lượng cát tận thu 1.660m3 thì bỗng dưng UBND tỉnh yêu cầu tạm đình chỉ với lý do là có đơn phản ánh của một số hộ dân thôn Vinh Sơn cho rằng việc nạo hút cát trên làm ảnh hưởng đến cuộc sống và lo ngại biển xâm thực bờ biển.

Bên cạnh đó, ông Cao Tiến Đoan – TGĐ Tổng Cty bất động sản Đông Á cũng có văn bản đề nghị dừng dự án nạo vét vì cho rằng khu vực nạo vét chồng lấn với dự án khu du lịch nghỉ mát TCty ông.

Trao đổi với PV về việc một số hộ dân viết đơn phản đối việc nạo vét cửa sông, Đại tá Bùi Thanh Sơn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sầm Sơn, đơn vị đóng chân ngay cạnh khu vực nạo vét khẳng định: “Việc nạo vét chỉ có lợi cho dân chứ không thấy ảnh hưởng gì đến bờ biển”.

Đối với lý do TCty bất động sản Đông Á cho rằng việc nạo vét ảnh hưởng đến dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Sầm Sơn đã được các cơ quan chứng minh là không có cơ sở.

Cụ thể, biên bản kết luận buổi làm việc giữa chính quyền địa phương với Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Sở GT-VT, Sở Xây dựng, Đồn biên phòng Sầm Sơn ngày 4/3/2015, kết luận: “Đối với đề nghị của TCty Đông Á về việc dừng hoạt động của Cty Hồng Thắng là không có cơ sở để xem xét, do việc nạo vét cát tại cửa sông Đơ của Cty TNHH Hồng Thắng là nhiệm vụ cần thiết, giúp khơi thông dòng chảy, tiêu thoát lũ, tạo điều kiện thông thương của ngư dân đánh bắt thủy hải sản, không ảnh hưởng đến các dự án xây dựng khu du lịch của TCty Đông Á”.

Ông Lê Trọng Hưng, Chủ tịch UBND phường Trường Sơn cho biết, ông không biết TCty Đông Á là DN nào và DN này cũng chưa có bất kỳ động thái nào triển khai dự án du lịch ở Sầm Sơn.

16-28-39_1
Cửa sông Đơ đoạn cống Trường Lệ đang bị bồi lấp nghiêm trọng

Cống Trường Lệ có 5 cửa, có nhiệm vụ tiêu nước cho 7.527 ha đất SX của các xã vùng đông, đông bắc huyện Quảng Xương và thị xã Sầm Sơn. Trong đó, tiêu úng trực tiếp cho 3.600 ha của lưu vực tiêu sông Đơ, sông Rào; tiêu hỗ trợ cho hơn 3.000 ha vùng tiêu sông Huyện khi cống sông Đơ tiêu ra sông Mã (điểm tại xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn) gặp khó khăn do mực nước sông Mã cao hơn mực nước nội đồng. Ngoài ra, cống còn có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên các sông Rào, sông Đơ để cấp nước cho các trạm bơm ở xã Quảng Vinh, Quảng Tiến… và là nơi làm bến thuyền, âu tránh trú bão cho hàng trăm tàu thuyền ra khơi đánh cá hằng ngày.

“Tôi ủng hộ việc tiếp tục thực hiện dự án nạo vét sông Đơ bởi kết luận quan trắc khoa học đã chứng minh không ảnh hưởng đến bờ biển. Còn về hiện tượng một số cọc lều quán của người dân bị đổ là do họ chôn quá nông, sau khi có giải thích của chúng tôi bà con chôn sâu xuống thì tránh được gió mạnh và đến nay vẫn an toàn”, ông Hưng nhấn mạnh.

Dân kêu cứu

Ngay khi dự án bị đình chỉ một cách khó hiểu, hàng chục hộ ngư dân đồng loạt ký đơn kêu cứu, đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện dự án để tàu thuyền khỏi mắc cạn.

Nhiều cuộc họp của các cấp ngành có trách nhiệm cũng đã được tổ chức và hầu hết các ý kiến đều khẳng định, lý do dừng thi công dự án không có cơ sở và “đề nghị UBND tỉnh tiếp tục được triển khai dự án nạo vét”.

Ông Vũ Tiến Chính, xã Quang Vinh, huyện Quảng Xương – một ngư dân đang dùng xẻng đào cát cứu tàu mắc cạn bức xúc nói: “Không hiểu sao đang nạo vét tốt cho dân lại bị dừng lại.

Bây giờ mỗi lần tàu bị mắc cạn chúng tôi phải bỏ ra 4 – 5 triệu đồng thuê người đào cát cứu tàu dù chân vịt đã bị gãy, khốn khổ vô cùng”. Ông Chính cũng cho biết, thời gian gần đây việc tàu thuyền mắc cạn xảy ra như cơm bữa, như ngày chúng tôi đến (27/3), trên bãi cát đang có ít nhất 8 chiếc tàu thuyền bị mắc cạn; 2 tàu đang thuê người đào cát cứu tàu.

Ngư dân thôn Vinh Sơn, phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) cũng phản ánh, vào mùa khô những năm trước tàu thuyền đánh cá ra vào thường bị cát bồi làm mắc cạn, bà con phải cùng nhau đóng tiền thuê máy xúc để xúc cát lưu thông dòng chảy nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại bị tái bồi, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và đe dọa đến tính mạng con người, phương tiện đánh bắt hải sản mỗi khi có bão gió, giông tố.

“Chúng tôi đã rất mừng khi Dự án nạo vét sông Đơ được triển khai nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Dự án đang phát huy hiệu quả, giúp ích cho hàng trăm ngư dân an tâm bám biển mưu sinh, được các cấp các ngành ủng hộ lại bị dừng lại thì thật khó hiểu”, một ngư dân khác băn khoăn.

Ông Lê Trọng Hưng nói: “Những lý do thiếu căn cứ của một số hộ dân và TCty Đông Á đã khiến dự án nạo vét bị dừng, ngư dân địa phương chúng tôi khốn đốn. Không những thế, gần 7.000 ha đất SX của thị xã Sầm Sơn và một phần huyện Quảng Xương đang đứng trước nguy cơ ngập lụt nặng khi mùa mưa bão đến”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất