| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa trải thảm đỏ đón bò sữa

Thứ Tư 30/04/2014 , 07:30 (GMT+7)

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cho phép 2 “đại gia” trong lĩnh vực SX và chế biến sữa lớn nhất tại Việt Nam đầu tư xây dựng trang trại bò sữa.

Phát triển chăn nuôi bò sữa là cú đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa và là một trong những đòn bẩy quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương thời gian tới.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cho phép 2 “đại gia” trong lĩnh vực SX và chế biến sữa lớn nhất tại Việt Nam đầu tư xây dựng trang trại bò sữa, phấn đấu đến năm 2020 có 46.000 con bò sữa HF trên địa bàn. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Quyền (ảnh), Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.

10-29-47-1105858204

Tăng cả lượng và chất

Ông có thể nói rõ yếu tố nào mà Thanh Hóa táo bạo phát triển mạnh chăn nuôi bò sữa?

Thanh Hóa là tỉnh đứng thứ 5 cả nước về diện tích, thứ 3 về dân số. Chính tiềm năng đất rộng, người đông là lợi thế quan trọng để cả DN và người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó có bò sữa. Một lợi thế nữa là nguồn thức ăn xanh cho đàn bò hiện Thanh Hóa có thể cung cấp đủ từ các nguồn hiện có tại địa phương.

Ngoài diện tích đã được quy hoạch trồng cỏ nguyên liệu, nuôi bò sữa có thể tận dụng thêm các sản phẩm phụ như rơm rạ, vỏ dứa; đặc biệt là hơn 30.000 ha mía nguyên liệu của tỉnh. Đây là một nguồn thức ăn khá dồi dào cho bò sữa như gỉ mật đường, lá, ngọn… Ngoài ra, các địa phương đều sử dụng quỹ đất vụ đông luân canh cây trồng trong vùng nguyên liệu mía để trồng ngô, cây họ đậu... để làm thức ăn cho vật nuôi.

Về thị trường tiêu thụ, theo báo cáo của các cơ quan chức năng thì hiện nay sản lượng sữa tươi cung cấp cho các nhà máy chế biến sữa mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của các nhà SX nên việc phát triển chăn nuôi bò sữa ở Thanh Hóa sẽ góp phần giải quyết vấn đề trên, từng bước hạn chế việc nhập sữa bột từ nước ngoài về hoàn nguyên làm sữa nước để cung cấp cho thị trường nội địa.

Thanh Hóa đang nâng cấp nhà máy chế biến sữa Lam Sơn tại KCN Lễ Môn lên 65 triệu lít/năm chính là để chế biến hết lượng sữa nguyên liệu của 30.000 con bò sữa (thuộc Cty Vinamilk).

Một yếu tố quan trọng nữa góp phần thúc đẩy nghề chăn nuôi bò sữa ở Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh thời gian tới chính là kinh nghiệm rút ra từ việc tổ chức chăn nuôi bò sữa của người dân. Năm 2002, dự án chăn nuôi bò sữa do Cty CP Mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư được triển khai.

Chính dự án này đã tạo ra bước ngoặt cho các địa phương mạnh dạn "khai phá" tiềm năng chăn nuôi bò sữa trên địa bàn từng huyện, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều huyện du nhập đàn bò sữa HF và lai tạo thành công số lượng đáng kể bò lai hướng sữa từ bò lai Sind tại các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa...

Thời gian qua đàn bò sữa của tỉnh giảm nhanh. Vậy nguyên nhân từ đâu và Thanh Hóa đã làm gì để khôi phục đàn, thưa ông?

Năm 2003, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 2.800 con bò sữa. Thế nhưng, từ năm 2005 đàn bò sữa bắt đầu giảm nhanh, đến cuối năm 2007 chỉ còn 560 con tại một số trang trại chăn nuôi tập trung. Nguyên nhân khiến chăn nuôi bò sữa những năm trước đây thất bại một phần do chăn nuôi bò sữa lúc đó còn là một nghề mới. Nó đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, quy trình, chế độ chăm sóc khoa học, trong khi DN không dám mạnh dạn đầu tư tiền của; lao động trong ngành chăn nuôi chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp nên đàn bò sữa được nuôi không đúng quy trình kỹ thuật làm bò bị còi cọc, ốm yếu dẫn đến sản lượng sữa thấp, chất lượng sữa không đảm bảo khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Nhằm vực dậy ngành chăn nuôi bò sữa, năm 2008, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận cho Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) mua lại nhà máy sữa Lam Sơn tại KCN Lễ Môn và trang trại bò sữa Sao Vàng (nay là trang trại bò sữa Thanh Hóa 1). Nhờ áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến của các nước có nền chăn nuôi bò sữa phát triển nên chỉ sau 3 năm, đàn bò sữa trong tỉnh đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Năm 2012, Thanh Hóa triển khai đề án “Phát triển chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Thanh Hóa giai đoạn 2012 - 2020” và chính sách hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015.

Theo đó, các trang trại có quy mô từ 2.000 con bò sữa trở lên được tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài bờ rào trang trại (đường giao thông, cấp thoát nước, điện...); giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thêm 3 triệu đ/con bò sữa.

10-29-47-2105858680
Lễ khởi công xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 của Cty Vinamilk

Nhiều doanh nghiệp đầu tư

"Dự án đầu tư phát triển bò sữa ở Thanh Hóa của Cty Vinamilk và Cty TH được xem là dự án lớn của ngành nông nghiệp xứ Thanh, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở theo hướng SX hàng hoá bền vững.

Tôi tin rằng nuôi bò sữa sẽ là một trong những nghề giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập và góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống cho người nông dân. Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả tài nguyên đất; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nó còn giúp Thanh Hóa đẩy nhanh việc thực hiện công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; tạo bước đột phá quan trọng để lĩnh vực nông nghiệp có điều kiện tăng trưởng nhanh trong những năm tới.", ông Nguyễn Đức Quyền.

Song song với các chính sách trên, cũng trong năm 2012, tỉnh đã cho phép Cty TNHH MTV Sữa Lam Sơn đầu tư xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh với quy mô khoảng 2.000 con.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép thành lập Cty TNHH hai thành viên bò sữa Thống Nhất - Vinamilk trên cơ sở góp vốn của Cty Vinamilk và tiếp nhận nguyên trạng Cty TNHH MTV Thống Nhất - Thanh Hóa để thành lập Cty TNHH Bò sữa Thống Nhất - Thanh Hóa. Hình thành vùng chăn nuôi bò sữa tập trung do Cty Vinamilk đầu tư ở vùng trung du, miền núi.

Cụ thể, trang trại bò sữa Thanh Hóa I quy mô 1.500 con sẽ được xây dựng tại huyện Thọ Xuân; Thanh Hóa II quy mô 2.000 con đặt tại Như Thanh; Thanh Hóa III quy mô trên 2.000 con tại Triệu Sơn; Thanh Hóa IV quy mô 2.000 con tại 2 huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy; Thanh Hóa V quy mô 2.000 con tại 2 huyện Thạch Thành và Hà Trung. Riêng trung tâm chăn nuôi bò sữa, quy mô trên 16.000 con sẽ được xây dựng ở huyện Yên Định.

Tại diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận tổ chức cuối năm 2013, UBND tỉnh cũng đã cấp giấy phép đầu tư cho Cty Cổ phần Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH (Cty TH) thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp với vùng nguyên liệu 2.900 ha; tổng đàn bò sữa khoảng 20.000 con, trước mắt là xây dựng trang trại bò sữa cho khoảng 10.000 con tại các huyện Nông Cống, Như Thanh và một số huyện vùng Tây Nam của tỉnh.

Xin ông cho biết sơ bộ về các dự án phát triển chăn nuôi bò sữa và ngành chế biến sữa đang thực hiện ở Thanh Hóa?

Thanh Hóa đang triển khai 2 dự án lớn của 2 tập đoàn SX và chế biến sữa hàng đầu Việt Nam là Vinamilk và TH. Tính đến nay, dự án do Vinamilk thực hiện gồm nhà máy sữa Lam Sơn công suất 65 triệu lít/năm, vốn đầu tư 276 tỷ đồng đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ tháng 10/2013. Sản phẩm của nhà máy là sữa tươi có đường và không đường; sữa tiệt trùng; sữa chua hộp; sữa tiệt trùng không Lactoza.

Dự án thứ 2 là đầu tư mới một dây chuyền chế biến sữa SUSU chai 90 ml tại nhà máy sữa Lam Sơn, công suất 36.000 chai/giờ. Dự án này có tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014.

Ngoài ra, Vinamilk cam kết triển khai thêm dự án bò sữa Thống Nhất với tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, dự kiến quý 3/2014 sẽ khởi công, đầu năm 2015 đón bò về.

Riêng trang trại bò sữa Thanh Hóa 2, tổng mức đầu tư 226 tỷ đồng mới được khởi công xây dựng cuối tháng 2 vừa qua. Theo kế hoạch, tháng 9/2014 trang trại này cũng sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động. Sản lượng sữa tươi khai thác dự kiến khoảng 50 tấn/ngày.

DN lớn thứ 2 tham gia đầu tư chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp là Tập đoàn TH. Theo cam kết thì Tập đoàn TH sẽ thuê đất để lập trang trại nuôi 20.000 con bò sữa HF.

UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện liên quan và Tập đoàn TH tiến hành khảo sát, xác định diện tích đất để quy hoạch trồng cỏ cho dự án tại các huyện phía Tây Nam của tỉnh; đồng thời hoàn thiện các thủ tục cho Cty thuê đất và tiếp nhận nguyên trạng Cty TNHH MTV Yên Mỹ để triển khai thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất