| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa xây dựng NTM gắn với phát triển nông nghiệp

Thứ Tư 27/07/2011 , 10:39 (GMT+7)

Mục tiêu Thanh Hóa đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí NTM, tương ứng với 117 xã, yêu cầu vốn trên 30.000 tỷ đồng

Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ngày 27/4/2011, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn từ nay đến năm 2015 thể hiện rõ quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Dễ làm trước, khó làm sau 

Đánh giá kết quả 5 năm qua về tình hình nông nghiệp và nông thôn, Tỉnh ủy Thanh Hóa thẳng thắn chỉ ra những tồn tại yếu kém: "Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, sản phẩm đơn điệu, nhỏ bé, sức cạnh tranh thấp, chưa bền vững, chưa gắn với chế biến và tiêu thụ. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp không đạt mục tiêu kế hoạch. Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch và tự phát. So với tiêu chí xây dựng NTM của Chính phủ, một số chỉ tiêu về quy hoạch, về hạ tầng giao thông, chợ nông thôn, nhà văn hóa cấp xã và thôn, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được đào tạo còn thấp. Đó là những khó khăn trong triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh”.

Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành tiêu chí NTM cho 117 xã. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn 40%; nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên trên 40%, trong đó qua đào tạo nghề là 32%. Nâng thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn lên gấp 2 lần so với năm 2010; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống từ 3 - 4%/năm. Về quy hoạch NTM phải được lồng ghép 3 loại quy hoạch (3 trong 1) gồm: quy hoạch phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp; quy hoạch chung xây dựng nông thôn (phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã) và quy hoạch sử dụng đất.

Có ý kiến cho rằng, về quy hoạch nên dựa vào quy hoạch cũ đã có ở các xã. Cái nào phù hợp rồi thì giữ nguyên. Cái nào chưa phù hợp thì họp bàn với dân cho cụ thể rồi tiến hành điều chỉnh chứ nếu chỉ nhờ một Cty làm tư vấn để quy hoạch cho xã thì sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn kém.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Bất cập nhất hiện nay là vấn đề chọn tư vấn quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư. Bởi nhiều nội dung mới nhưng lại phải làm trên hiện trạng cũ. Do đó phải có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ, ráo riết thì mới có được hiệu quả và bền vững. Quan điểm của chúng tôi là trên cơ sở khảo sát đánh giá thực trạng, không thụ động chờ đầu tư cơ sở hạ tầng. Lựa chọn các tiêu chí có khả năng đi trước, như: nhà ở dân cư, khuôn viên, tường rào, nước sạch, nhà vệ sinh… theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, của cộng đồng dân cư thôn, bản vận động nhân dân, dòng tộc, con em địa phương làm ăn xa và các doanh nhân thành đạt tham gia xây dựng quê hương”.

Cần "ba đồng"

Qua khảo sát, chúng tôi thấy mỗi nơi đều có cách làm thể hiện ý chí quyết tâm cao cũng như có nhiều việc làm phù hợp với điều kiện thực tế. Xã Quảng Hợp (Quảng Xương) thực hiện dồn điền đổi thửa một cách có hiệu quả, nhiều gia đình tự nguyện hiến 14,4ha đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng, dành đất hình thành cụm công nghiệp phục vụ xây dựng NTM, kêu gọi DN trên địa bàn khôi phục văn hóa truyền thống.

Xã Quý Lộc (Yên Định) tổ chức lại sản xuất, thành lập mới 3 DN; huy động các nguồn lực xây dựng mới trường mầm non 2 tầng đạt chuẩn, đã cơ bản hoàn thành 6,3km đường giao thông. Xã Nga An (Nga Sơn) đã hoàn thiện 16km giao thông và kênh mương. Tất cả các xóm trong xã đều thành lập được tiểu ban xây dựng NTM, có quy chế khuyến khích, hỗ trợ về phát triển sản xuất trang trại. Xã Tượng Sơn (Nông Cống) kêu gọi DN đứng ra bỏ tiền làm 3km đường bê tông hết 600 triệu đồng và sau đó 2 năm thì dân đóng góp trả cho DN.

+ Mục tiêu Thanh Hóa đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí NTM, tương ứng với 117 xã, yêu cầu vốn trên 30.000 tỷ đồng. Trong năm 2011Thanh Hóa phải hoàn thành công tác quy hoạch cho 100% số xã. Hiện tại nguồn kinh phí Trung ương mới cấp cho năm nay là 81 tỷ đồng, thiếu 50 tỷ đồng so với dự toán.

+ Ông Lê Văn Biền, Phó Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân, bày tỏ: “Mục tiêu chính của xây dựng NTM là nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân, tạo cảnh quan môi trường lành mạnh, văn minh. Song, nếu chúng ta huy động sức dân quá nhiều để làm NTM cho có được đường đẹp, trường- trạm đẹp mà nhân dân khó khăn, dư nợ ở ngân hàng ngày càng nhiều lên thì như thế là chưa đạt được mục đích lớn đặt ra".

Theo báo cáo của xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn, đến nay đã đạt 27/39 chỉ mục của 19 tiêu chí về xã NTM do Chính phủ quy định. Tuy nhiên nhiều hạng mục vẫn đang nằm trên giấy. "Nhiều vấn đề còn "vướng" có phải là do đồng vốn không?"- tôi hỏi. Ông Trịnh Hữu Quân,  Phó chủ tịch UBND xã Minh Dân cho biết: “Để đạt được các tiêu chí trong xây dựng NTM là rất khó và cần có 3 đồng: Đồng tiền, đồng tình và đồng hồ (thời gian). Về đồng tình thì cao rồi, còn đồng tiền thì khó khăn thật”.

Rồi anh dẫn tôi đi xem. Trên tay anh cầm tập đề án xây dựng NTM của xã dày hàng trăm trang được phân tích rất kỹ lưỡng về các tiêu chí. Anh Quân bảo: “Không có đồng tiền làm gì cũng khó. Xây dựng NTM mà không có tiền thì đừng nghĩ đến các tiêu chí về xây dựng cơ bản”.

Đánh giá chung về tổng thể bước đầu xây dựng NTM ở Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng, Giám đốc Sở NN - PTNT, Phó trưởng ban thường trực BCĐ xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Nét mới ở Thanh Hóa là đã chủ động sớm phê duyệt Đề án, ban hành hướng dẫn quy hoạch NTM “ba trong một” và ban hành quyết định hướng dẫn quy trình đánh giá xã đạt tiêu chí NTM. Đi trước một bước trong tổ chức tập huấn. Trong điều kiện khó khăn, tỉnh đã dành 21 tỷ đồng từ ngân sách địa phương đầu tư cho chương trình và bước đầu các huyện, xã đã huy động khá tốt các nguồn lực trong đó có sự đóng góp đáng kể công sức, tiền của của cộng đồng. Tuy nhiên do nguồn vốn không đáp ứng và đặc biệt là cơ chế lồng ghép các chương trình còn lúng túng, do vậy, việc tổ chức triển khai chương trình theo kế hoạch của UBND tỉnh mới chủ yếu ở giai đoạn khởi động”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất