| Hotline: 0983.970.780

Thanh long, cây làm giàu

Thứ Ba 15/07/2014 , 08:15 (GMT+7)

Vùng đồi đất sỏi đá cằn khô, bạc phơ bạc phếch của xã Vân Trục (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã hóa thành “vựa” thanh long cho thu lời tiền tỷ.

Với người trồng thanh long, đây không chỉ đơn giản là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn thực sự là cây làm giàu, cây phát tài.

Năm 2013, ông Phan Văn Chí, thôn Đồng Núi, xã Vân Trục mạnh dạn chặt bỏ nhiều ha bạch đàn của gia đình để chuyển sang trồng thanh long. Với sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, UBND huyện Lập Thạch, ông Chí bắt tay vào cải tạo đất, ươm những mầm thanh long ruột đỏ trên đất đồi.

Đầu tháng 7/2014, 4,5 ha thanh long của ông Chí đã cho những trái ngọt đầu tiên. Ngắm nhìn đồi thanh long tốt mơn mởn, ông Chí vẫn ngỡ mình đang nằm mơ. “Cũng làm liều một phen thôi chú ạ. Bao năm nay nhà tôi trồng bạch đàn, chục năm mới được thu, tính ra lời lãi cũng chả được bao nhiêu. Giờ trồng thanh long thấy kinh tế hơn hẳn”, ông Chí tâm sự.

Vụ đầu tiên, mỗi ha thanh long nhà ông Chí cho thu khoảng 1,2 tấn quả. Đến vụ, thương lái đến mua tận vườn. Năm nay thanh long được giá, mỗi kg bán được từ 30.000 - 35.000 đồng, thu khoảng 100 triệu đồng/vụ đầu. Ông rủ rỉ, được sự quan tâm của cán bộ khuyến nông thường xuyên xuống kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nên vườn thanh long mới phát triển tốt như ngày hôm nay.

Cách đó không xa, ở thôn Phao Tràng (xã Vân Trục), lão nông Nguyễn Thành Vân cũng đang phấn khởi ra mặt vì vừa trúng đậm vụ thanh long. Thấy được hiệu quả kinh tế từ loại cây này, ông Vân bàn với vợ chặt bỏ 1 ha bạch đàn để chuyển đổi. Thế chân cho những gốc bạch đàn, hơn 1.000 trụ thanh long ruột đỏ bắt đầu “đẻ” ra tiền.

“Ban đầu, thực sự là cả nhà tôi rất do dự về quyết định chặt bạch đàn trồng thanh long. Nhưng giờ mới thấy, quyết định đó hoàn toàn sáng suốt”, ông Vân chia sẻ. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chu đáo, cộng với sự ham học, ham đọc, ông Vân đã biến vùng đất đồi khô cằn sỏi đá thành “rừng” thanh long.

Ông Vân nhẩm tính, 1 vụ 3 tháng thu được 100 triệu đồng từ tiền bán quả. Trừ chi phí, còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Trước đây, trồng bạch đàn 8 - 10 năm mới được thu. 1 ha bạch đàn lãi được 40 - 50 triệu đồng, cũng chỉ bằng tiền lãi của 1 vụ thanh long. So sánh về giá trị kinh tế, thanh long ruột đỏ cao gấp nhiều lần trồng bạch đàn.

TS Phan Huy Thông khẳng định: "Mặc dù là cây trồng mới, nhưng thanh long đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đặc biệt, tại miền Bắc, cây thanh long ruột đỏ có ưu thế hơn ruột trắng. Chúng ta cần kiểm soát tốt nguồn gốc, chất lượng của cây giống, phòng chống tốt dịch bệnh. Như vậy việc SX thanh long mới có thể phát triển một cách bền vững.
Với những diện tích nhỏ, áp lực về sâu bệnh chưa lớn nhưng vẫn phải hết sức lưu ý, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mùa đông, cần ủ rơm giữ ấm cho cây, tưới nước đúng kỹ thuật”.

Vừa qua, tại huyện Lập Thạch, Trung tâm KNQG phối hợp cùng Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển thanh long ở các tỉnh phía Bắc”. TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG cho biết, thanh long hiện là một trong 11 loại trái cây chủ lực của nước ta, tiềm năng phát triển rất lớn, có thể thâm nhập vào thị trường nhiều nước. Tuy nhiên, tại miền Bắc, do nhiều yếu tố bất lợi, thanh long mới chỉ được đưa vào trồng tại một số tỉnh.

Diện tích thanh long các tỉnh miền Bắc ước đạt 800 ha, trong đó 2 tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất là Vĩnh Phúc (118 ha) và Hải Dương (128 ha). Một số tỉnh mới đưa loại cây này vào trồng là Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên… Diện tích mỗi tỉnh dưới 10 ha.

Trong khi đó, tại miền Trung, miền Nam đã hình thành những vùng SX thanh long chuyên nghiệp ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Diện tích trồng thanh long của 3 tỉnh trên đạt trên 26.500 ha, sản lượng 506.000 tấn/năm, chiếm tới 92% tổng diện tích và 98% sản lượng thanh long cả nước. Hiện nay, giống thanh long ruột đỏ vẫn là giống chủ lực, chiếm 92% diện tích thanh long toàn quốc.

Theo Viện Nghiên cứu rau quả, ở miền Bắc có 4 giống thanh long có tiềm năng phát triển là thanh long ruột trắng Bình Thuận, các giống thanh long ruột đỏ Long Định 1, TL4 và TL5. Để SX thanh long ở các tỉnh phía Bắc đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững, cần làm tốt công tác quy hoạch. Cụ thể là xác định vùng trồng, lựa chọn giống thích hợp và làm tốt việc phòng trừ sâu bệnh hại. Đồng thời, SX theo tiêu chuẩn VietGAP cũng cần được đưa vào áp dụng để thanh long trở thành sản phẩm XK.

Ông Nguyễn Tiến Phong, GĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho biết, tại huyện Lập Thạch cây thanh long ruột đỏ được trồng chủ yếu ở xã miền núi Vân Trục, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển loại cây này vẫn chủ yếu là tự phát, phân tán nhỏ lẻ. Kiến thức cũng như tay nghề của người dân về trồng trọt, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế.

"Trong những năm tới, Vĩnh Phúc sẽ phát triển cây thanh long theo hướng toàn diện và bền vững, hướng tới SX theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với thị trường tiêu thụ. Tới năm 2015, Vĩnh Phúc sẽ phấn đấu SX được 300 ha thanh long, trong đó 200 ha thanh long VietGAP. Đồng thời, sớm xây dựng thương hiệu “Thanh long ruột đỏ Lập Thạch”, ông Phong nói.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất