| Hotline: 0983.970.780

Thanh long chong đèn: "Vỡ mặt" vì cúp điện

Thứ Ba 15/11/2011 , 09:55 (GMT+7)

Ngành điện lực tỉnh Bình Thuận “bỗng dưng” cắt giảm điện luân phiên khiến nông dân kêu như vạc.

Từ đầu tháng 11/2011 đến nay, mặc dù hợp đồng cung cấp điện cho người trồng thanh long chong đèn không có khoản “cúp điện luân phiên”, nhưng ngành điện lực tỉnh Bình Thuận “bỗng dưng” cắt giảm điện luân phiên khiến nông dân kêu như vạc.

Chúng tôi có mặt tại huyện Hàm Thuận Nam, là nơi chuyên canh thanh long chong đèn với diện tích lên tới trên 5.000 ha với khoảng 2.000 hộ trồng. Đây cũng là nơi vừa xảy ra ra tình trạng tụ tập đông người để phản ứng và buộc bên điện lực phải đảm bảo cung cấp nguồn điện theo hợp đồng, nhằm tránh những thiệt hại chưa thể lường trước được.

Hầu hết những hộ đang chong đèn thanh long đều cho rằng ngành điện lấy lý do quá tải, cắt điện liên tục 3- 4 đêm là không chính đáng. Anh Trần Đáng (thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh) cho biết, có khá nhiều hộ trong xã tiến hành chong đèn thanh long đợt này với số lượng trung bình 500 trụ/vườn (tương đương 0,5ha), tức sử dụng 500 bóng đèn loại 75W. Đến khi thắp sáng được khoảng 10 ngày thì bị cắt điện liên tục nhiều đêm nên buộc phải chong đèn lại từ đầu, bởi nếu không thì trái thanh long không thể chuyển hóa ra hoa kết trái, khó đạt sản lượng như yêu cầu.

Vậy là, sau 10 đêm công cốc, mỗi vườn 0,5 ha thiệt hại khoảng 3.000 kWh, nhân với giá điện 1.260 đồng/kWh (đã tính thuế GTGT) thì nhà vườn mất tương đương khoảng hơn 3,7 triệu đồng. Nếu tính diện tích toàn huyện thì số tiền thiệt hại không hề nhỏ. Thế mà, không hiểu dựa vào đâu, ông Bùi Đăng Hưng (Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận) lại bênh vực cho ngành điện khi phát biểu trước người dân rằng, việc thực hiện tiết giảm cúp điện luân phiên với tần suất 4 đêm có và 1 đêm cắt sẽ không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng thanh long (!?).

Bà Mai Lan, trồng 600 trụ chong đèn bức xúc cho chúng tôi xem “Biên bản cấp điện cho khách hàng” gồm bên bán (điện lực) buộc bên mua (người trồng thanh long chong đèn) phải cam kết sử dụng điện để thắp sáng thanh long ra hoa trái vụ liên tục từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Khi sử dụng điện luôn đảm bảo dùng điện hơn 50% công suất và chỉ sử dụng trong khoảng thời gian từ 22 giờ tối ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

Trong đó, không hề có dòng chữ nào nào nói về “cúp điện luân phiên” và nếu có xảy ra thì ngành điện lực phải đền bù thiệt hại như thế nào? “Họ (điện lực) phải biết rõ tình trạng căng thẳng nguồn điện xảy ra vào mùa cao điểm chong đèn thanh long nhưng tại sao vẫn chấp nhận hạ bình ồ ạt cho số khách hàng mới, trong khi nhu cầu của số đông khách hàng cũ vẫn chưa đáp ứng đầy đủ?”- bà Lan bức xúc đặt câu hỏi.

Ông Hồ Sơn Hùng (PGĐ Sở Công thương tỉnh Bình Thuận) giải thích, nguồn điện chung của quốc gia không thiếu điện cung cấp theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng mất điện vừa qua ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc là do nhu cầu điện chong đèn cho thanh long tăng đồng loạt và đột ngột, gây quá tải hệ thống điện, buộc phải cắt điện nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện, tránh xảy ra sự cố mất điện diện rộng ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện trên địa bàn toàn tỉnh.

“Diện tích thanh long của toàn huyện Hàm Thuận Nam hiện đã lên đến trên 10.000 ha rồi, nhưng huyện vẫn cứ báo cáo với tỉnh con số chỉ có 7.000 ha. Bởi nếu báo cáo đúng thì sẽ lòi ra diện tích thanh long chong đèn trồng trên cả đất lúa mà điều này thì tỉnh đang nghiêm cấm” ( Một cán bộ có trách nhiệm Phòng NN-PTNT)

Còn ông Phạm Minh Tuấn (PGĐ kỹ thuật Điện lực Bình Thuận) thừa nhận việc cung cấp điện mùa chong đèn thanh long 2011-2012 là hết sức căng thẳng. “Tuy nhiên, không vì quá tải mà đến nỗi chúng tôi buộc phải cắt điện liên tiếp, xảy ra tình trạng này là vừa qua có phần lỗi của một vài khách hàng (!?). Bởi theo phương án được đa số bà con đồng thuận “4 đêm có - 1 đêm cắt” mới bắt đầu thực hiện, thì một số trường hợp phải chịu thiệt thòi vì bị cắt điện thêm đêm nữa. Nhưng do không đồng ý, có khách hàng đã hù dọa và ngăn cản nhân viên ngành điện tiến hành kéo “phiu” (cắt cầu chì) theo phương án chỉ “cắt tỉa”. Thế nên để tránh sự cố cho toàn hệ thống, ngành điện không còn cách nào khác là buộc phải cắt tổng nhằm đảo bảo an toàn cho công tác vận hành vào lúc cao điểm”.

Lý giải trên của ngành điện không phải không có lý. Theo chúng tôi tìm hiểu, sở dĩ ngành điện lực bị động trong công tác dự báo phụ tải, nguyên nhân một phần là do diện tích thanh long chong đèn ở đây đã phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch.

Chính vì vậy, để giải quyết bài toán căng thẳng nguồn điện cho trái thanh long, không phải chỉ có vai trò của ngành điện mà còn có cả chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, tính toán cụ thể sản lượng điện năng tiêu thụ cho loại cây trồng này. Nếu không, câu chuyện "cúp điện luân phiên" trên thanh long chong đèn sẽ còn căng thẳng dài dài.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất