| Hotline: 0983.970.780

Thanh long ruột đỏ không chờ Tết

Thứ Tư 30/01/2013 , 10:44 (GMT+7)

Nhiều năm nay, cả người dân và ngành chức năng loay hoay tìm cách SX thanh long trái vụ nhưng đều “bó tay”.

Do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, số ngày nắng ít, ở miền Bắc, chưa vùng nào có thể “hãm” thanh long ruột đỏ (TLRĐ) chín đúng dịp Tết. Nhiều năm nay, cả người dân và ngành chức năng loay hoay tìm cách SX thanh long trái vụ nhưng đều “bó tay”.

Chất lượng vượt trội

TP Hà Nội có khoảng 14.000 ha cây ăn quả, trong đó những loại mang lại giá trị kinh tế cao như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn…chỉ chiếm trên dưới 30%. Tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh khiến cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Trong khi, một diện tích rất lớn vùng đồi gò với chất đất màu mỡ lại chưa được khai thác sử dụng đúng mức. Cái khó ló… cơ hội, thanh long ruột đỏ chính là lời giải cho bài toán này.

Chúng tôi tìm về xã Kim Quan, huyện Thạch Thất (Hà Nội), đây chính là “cái nôi” của mô hình trồng TLRĐ ở miền Bắc. Năm 2002, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp VN) đã đưa giống thanh long ruột đỏ về vùng đồi gò của xã Kim Quan để trồng thử nghiệm với diện tích 1 ha.

Có thể nói, đây là mô hình trồng TLRĐ đầu tiên của Việt Nam. Giống thanh long này có xuất xứ từ Đài Loan, khi chín có vỏ đỏ sẫm, ruột đỏ tím. Cho đến nay, diện tích trồng TLRĐ tại xã Kim Quan đã được mở rộng lên gần 4 ha. Người đứng ra chăm sóc, thu hoạch là gia đình ông Đỗ Xuân Nhung, Bí thư Đảng ủy xã Kim Quan.


Cây thanh long ruột đỏ tại xã Kim Quan Thạch Thất Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Hồng, vợ ông Nhung cho biết, khi mới bắt đầu đưa cây TLRĐ về trồng, do chưa thấy hiệu quả nên gia đình gần như bỏ mặc. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 năm sau, thấy cây sinh trưởng tốt, đơm hoa kết trái, gia đình mới cho khôi phục lại với diện tích 3 ha. Quy trình kỹ thuật trồng loại cây này không phức tạp, chỉ cần dựng trụ, bón phân, tưới nước, phun thuốc trừ nấm bệnh thì cây sẽ sinh trưởng, phát triển bình thường.

Theo đó, trụ bám cần được làm từ bê tông cao 2 m, có lõi là 4 sợi sắt 6 hoặc 3 sợi sắt 8 để thừa trên đỉnh trụ 15 cm, vuông 12 x 12 cm. Trụ bám cho cây thanh long phải chôn sâu 50 cm, đảm bảo cây không bị đổ khi gặp gió bão. Và mỗi trụ nên chôn cách nhau từ 2,5 - 3 m, đảm bảo khoảng cách giúp cây sinh trưởng tốt, thu hoạch dễ dàng.

Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, cây TLRĐ tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với giống cây thanh long ruột trắng được người dân trồng rải rác. “Quy trình chăm sóc như nhau, nhưng quả TLRĐ thường có trọng lượng lớn hơn, đẹp mắt và có giá thành đắt hơn”, ông Hà chia sẻ.

Thực tế, tại Kim Quan, giá bán buôn 1 kg TLRĐ loại to là 35.000 đồng, loại vừa và nhỏ dao động từ 25.000 - 30.000 đồng. Bên cạnh đó, TLRĐ còn vượt trội bởi có giá trị dinh dưỡng cao, lượng đường chiếm từ 16 - 18 %, không nhớt mà có vị thơm rất dễ ăn. Ông Hà khẳng định, rất nhiều người sẽ ăn được loại ruột đỏ này kể cả trước đây không ăn được loại ruột trắng.

Tuy giá thành đắt gấp đôi loại ruột trắng nhưng chưa bao giờ TLRĐ bị “tắc” đầu ra. “Cứ đến mùa vụ các thương lái lại í ới gọi điện xem thanh long chín chưa còn lên cất hàng để bán”, bà Hồng phấn khởi nói.

Từ năm 2005, ngoài việc bán quả, gia đình ông Nhung, bà Hồng còn tiến hành ươm giống để bán. Mỗi “hom” này sau khi cắt xuống, ủ trong cát cho mọc rễ được bán với giá 6.000  đồng. Bà Hồng chia sẻ kinh nghiệm: “Chú cứ để ý, cứ nhánh nào năm nay ra sai quả thì sang năm có thể cắt xuống làm hom”. 7 năm nay, giống TLRĐ Đài Loan trên vùng đồi gò Kim Quan được “phát tán” đi khắp các tỉnh thành trên cả nước. Từ Thanh Hóa, Nghệ An cho tới các tỉnh vùng núi như Tuyên Quang, Cao Bằng người dân cũng tìm đến để mua “hom”.

Hiệu quả gấp nhiều lần sắn

Năm 2007, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình trồng TLRĐ Đài Loan trên diện tích đồi gò, bán sơn địa của các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ và Mỹ Đức… với quy mô 5,5 ha. Đến năm 2009 cây bắt đầu cho thu hoạch. “Giống cây tỏ ra rất thích nghi với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu. Đặc biệt, nó mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với diện tích trồng sắn ở đây”, ông Hà cho biết.

“Trong năm 2013, chúng tôi đang dự kiến mở rộng thêm 20 ha TLRĐ tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất… Còn việc tìm ra cách “hãm” thanh long chín muộn hay trồng trái vụ vẫn đang là một bài toán chưa có lời giải”, ông Hà cho hay.

Tiếp đến, năm 2010 Sở NN-PTNT Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình trồng TLRĐ theo quy trình VietGAP với quy mô 20 ha tại xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì. Thay vì sử dụng giống cũ, trung tâm đã đưa giống TLRĐ Long Định I do Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lai tạo được vào trồng thử nghiệm. Theo ghi nhận bước đầu, giống Long Định I có nhiều ưu điểm vượt trội hơn giống Đài Loan.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra đó là, làm cách nào có thể “hãm” TLRĐ chín vào dịp cận Tết hoặc tiến hành trồng thanh long trái vụ? Thông thường, TLRĐ được thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 10 ÂL. “Không phải bây giờ chúng tôi mới nghĩ ra điều này, nhưng do nhiều yếu tố khách quan về thời tiết nên việc tiến hành hết sức khó khăn”, ông Hà phân trần.

Trước đây, nhà ông Nhung đã dùng điện thắp sáng khiến cây chín trái vụ nhưng sau đành bỏ vì chi phí quá lớn. “Tiền điện thắp, bán cả héc ta thanh long đi mới bù lại được”, bà Hồng tâm sự. Năm 2011, ông Nhung lại mua về một thuốc thuốc vi sinh có công dụng hãm quả chín muộn để phun. Thuốc có công dụng, 3 ha TLRĐ của gia đình ông chín đồng loạt trước Tết nửa tháng. Tuy nhiên, khi bổ, ruột bên trong đã mọc rễ, không ăn mà cũng chẳng bán được. Được mùa mà hóa mất mùa.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất