| Hotline: 0983.970.780

Thanh long ruột đỏ 'sống khỏe' trên đất chè

Thứ Tư 24/08/2016 , 08:27 (GMT+7)

Ít ai ngờ được cây thanh long ruột đỏ chẳng những tồn tại được trên những diện tích đồi chè cằn cỗi mà nó còn mang lại chất lượng thơm ngon hơn...

Người tiên phong mang loài cây dường như được mặc định chỉ trồng ở phía nam về với đất chè Thái Nguyên là cựu chiến binh Trần Bình Dưỡng (xóm 6, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).

 

Chuyển đổi tích cực... nhờ xem ti vi

Năm 1990, ông Dưỡng về hưu sau nhiều năm công tác. Ngoài đồng lương hưu, gia đình ông trông chờ vào gần 1ha đất giao khoán của nông trường chè Quân Chu. Diện tích chè cằn cỗi, đã hết chu kỳ khai thác, cần được cải tạo nên năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Ông Dưỡng quyết định bỏ chè trồng mơ, mận, vải và gừng.

Trải qua các năm, những loại cây trồng mới không thể đáp ứng được bài toán ổn định kinh tế, ông lại chuyển sang trồng chè. Năm 2003, khi xem ti vi thấy nói về hiệu quả của cây thanh long ruột đỏ. Ngay sáng hôm sau, ông bắt xe về Hà Nội mua 8 mầm cây về trồng thử trên 2 trụ gốc.

Từ 2 trụ gốc “tổ” ban đầu, theo hướng dẫn, ông đã nhân lên thành 50 trụ gốc. Đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của cựu chiến binh người Sán Dìu Trần Bình Dưỡng đã có gần 1.000 gốc phủ kín toàn bộ diện tích xấp xỉ 1ha đất đồi cằn cỗi trước đây.

Dù đã ngót nghét tuổi thất thập nhưng ông Dưỡng có phong thái nhanh nhẹn, da trắng, mắt sáng. Ông kể, khi thấy ông mang giống cây về hì hụi tìm vị trí, trồng, chăm sóc thì vợ con chẳng đoái hoài gì. Cho đến khi 100 cây ban đầu đơm hoa, kết trái thì người thân trong gia đình của ông vẫn không tin cây sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Dưỡng quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng thanh long ruột đỏ và gặp phải sự phản kháng, khuyên can của các thành viên. Ông lựa lời phân tích rằng mới chỉ là vụ đầu thu hoạch nên năng suất chưa cao phải mang đi bán. Nếu có sản lượng lớn thì “hữu xạ tự nhiên hương”.

Điều ông Dưỡng đinh ninh và chắc chắn nhất chính là cây thanh long ruột đỏ trồng trên đất đồi chè đã mang lại chất lượng quả đặc biệt. Ruột đỏ, vị ngọt đậm hơn hẳn thanh long trồng ở những nơi khác. Thêm nữa, thanh long ruột đỏ là loại cây mới tại đất chè, với trọng lượng khoảng 3 quả/1kg, rất phù hợp với việc sử dụng trong gia đình và làm quà biếu, tăng. Vợ con ông chưa thuyết phục lắm nhưng cũng nghe và làm theo bởi biết uy dũng, quân lệnh của ông.

Đúng như nhận định, khi vườn thanh long ông Dưỡng cho sản lượng 1 tấn, rồi 4 tấn, 5 tấn quả thì vợ con ông chẳng những không phải mang quả đi bán mà cũng không mất công thu hái nữa. Thương lái tìm đến đặt mua và tự hái, tự bảo quản tại vườn.

 

Chia sẻ với nông dân

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng thanh long ruột đỏ tự phát của gia đình ông Dưỡng, năm 2012, Bí thư Thị ủy Phổ Yên đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT và Trạm Khuyến nông thị xã xây dựng mô hình phát triển cây thanh long ruột đỏ. Diện tích được quy hoạch là 7ha. Ông Dưỡng trở thành người đồng hành với dự án khi vừa là người hướng dẫn kỹ thuật, vừa là người cung ứng giống cho bà con.

Với diện tích gần 1ha thanh long ruột đỏ, ông Nguyễn Viết Quỳnh ở xóm Khe Đù, xa Phúc Thuận cho biết, tham gia mô hình, ngoài được hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật theo cơ chế chính sách, điều thuyết phục nhất đối với những hộ làm thanh long ruột đỏ chính là sự thành công của vườn thanh long nhà ông Dưỡng. Ông Dưỡng không giấu nghề mà còn tận tình chỉ bảo, bày cách để bà con làm theo.

Dù mới tham gia mô hình nhưng gia đình ông Lê Văn Thảo ở xóm Quân Cay, xã Phúc Thuận cũng có gần 1ha thanh long ruột đỏ. Theo ông Thảo, thanh long ruột đỏ là cây được phát hiện ra để trồng trên đất đồi cằn cỗi, đáp ứng trăn trở nhiều năm của chính quyền cũng như người dân trong việc tìm cây gì, con gì? Và công đầu thuộc về ông Trần Bình Dưỡng.

Bà Nguyễn Thị Chín, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Phổ Yên cho biết, sau khi xây dựng mô hình, Trạm đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cho bà con nông dân. Hiện diện tích thanh long ruột đỏ trên địa bàn thị xã không chỉ riêng có ở Phúc Thuận nữa mà đã phát triển sang các vùng thổ nhưỡng tương tự khác như Nam Tiến, Hồng Tiến, Đắc Sơn… Về lâu dài, để đảm bảo cho loại cây trồng này phát triển ổn định, thị xã sẽ quản lý, điều tiết về quy hoạch để tránh tình trạng phát triển tự phát, kém hiệu quả.

Gần 10 năm qua, vườn thanh long cho thu nhập bình quân trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm đã giúp vợ chồng ông Dưỡng thoát khỏi khó khăn, nuôi dạy các con lần lượt trưởng thành.

 

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất