| Hotline: 0983.970.780

Thanh Long vào Mỹ bị vường "rào cản"

Thứ Hai 05/12/2011 , 09:58 (GMT+7)

Thanh long vào Mỹ đã được 3 năm, tưởng xuôi chèo mát mái, nhưng từ khi Luật Hiện đại hóa an toàn Thực phẩm của Mỹ có hiệu lực thì đã gặp khó.

Thanh long vào Mỹ đã được 3 năm, tưởng xuôi chèo mát mái, nhưng từ khi Luật Hiện đại hóa an toàn Thực phẩm của Mỹ có hiệu lực thì đã gặp khó. Nhiều DN đã chọn giải pháp ngưng XK. 

Ông Hồ Văn Quang, GĐ Cty CP chiếu xạ An Phú (Bình Dương) cho biết, liên tiếp 8 container thanh long xuất khẩu vào Mỹ của DN ông (giá trị mỗi container là 600–700 triệu đồng) đã không được thông quan vì bị kết luận do dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, những chỉ tiêu dư lượng đó lại không được phía Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) quy định rõ giới hạn là bao nhiêu, và đáng nói là trước đó không hề có quy định này.

Còn theo ông Mai Xuân Thìn, GĐ Cty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM), DN bắt đầu xuất khẩu thanh long từ năm 2009, đến tháng 11/2011, đã xuất khẩu 67 container thanh long bằng đường biển, chưa tính đường hàng không. Mọi chuyện vẫn suôn sẻ cho đến gần đây, khi  cơ quan nhập khẩu của Mỹ đã nâng tần suất kiểm tra, lấy mẫu thanh long VN lên 100% thì bị ách tắc. Do vậy, hiện một số DN đang phải tạm dừng xuất khẩu vì lo lắng cho số phận những lô hàng của mình. Hiện Cty Rồng Đỏ có 3 container bị FDA giữ lại để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV.

“Container đầu tiên bị giữ trong 4 ngày, container thứ 2 mất 7 ngày, còn container thứ 3 bị giữ 2 ngày, không phát hiện thì phía Mỹ mới “thả” cho DN bán”, ông Thìn thông tin. Điều đáng nói là, chính các cơ quan chức năng Mỹ mặc dù đã cấp phép cho trái thanh long VN vào Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa công bố về chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV (Maximum Residue Limits-MRL) cho phép.

“Thông thường, trong thời hạn 24 giờ sau khi cập cảng Mỹ và được FDA kiểm tra, thanh long sẽ được thông quan, nhưng gần đây có nhiều container bị FDA giữ lại tới cả tuần. Trong khi đó, đường vận chuyển đến Mỹ khá dài ngày, thanh long sau khi đến phải bán trong vòng 7 ngày, nếu không sẽ hỏng, điều này làm DN XK thanh long sang Mỹ thật sự hoang mang, lo lắng”- Ông Trần Ngọc Hiệp, GĐ Cty TNHH Thanh long Hoàng Hậu ( Bình Thuận) chia sẻ.

Ông Matthew Lantz, Chuyên gia về chính sách thương mại và rau quả nhiệt đới của Dự án Tư vấn, hỗ trợ DN (viết tắt USAID STAR Plus) của Mỹ thừa nhận, hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn “chuẩn mực” cho trái thanh long, vì Mỹ không trồng được thanh long, cũng không thể áp dụng tiêu chuẩn của một loại trái nào đó áp riêng cho thanh long. Trái lại, ông Nguyễn Tử Cương, nguyên GĐ Cục quản lý chất lượng NL và TS (NAFIQAD) cho rằng, từ lâu nay, trái thanh long VN đã hiện diện ở thị trường Mỹ, nên rất khó chấp nhận việc đến bây giờ phía Mỹ  nói là không có chỉ tiêu cụ thể cho trái cây này. Hơn nữa, việc đầu tiên mà nước nhập khẩu phải làm là tiến hành thu thập thông tin và đánh giá về sản phẩm nhập khẩu mới hợp lẽ.

+ Trái thanh long cần phải đăng ký loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng với cơ quan bảo vệ môi trường ở Mỹ, xem nó thuộc nhóm dư lượng nào, được cho phép tối đa bao nhiêu. Nhưng để làm được điều này phải mất tới 15 tháng. Bởi vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý hai nước cần hợp tác xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho thanh long” (ông Matthew Lantz- USAID STAR Plus)

+ Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (Food Safety Modernization Act–FSMA) là “phiên bản” mới nhất của Luật liên bang về Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm của Mỹ (FDCA) có hiệu lực từ năm 1938, cho phép Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) can thiệp sâu hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ, trong trường hợp VN là trái cây, nông sản, thủy sản. Luật được ban hành vào ngày 4/1/2011.

Thế nên, để giúp các nhà XK thanh long Việt Nam giải quyết khó khăn trước mắt, ông Andrew Stephens (Cố vấn thương mại cấp cao của USAID STAR Plus) cho rằng, các DN cần nhờ các cơ quan quản lý của VN yêu cầu các cơ quan quản lý, kiểm tra của Mỹ đưa ra những bằng chứng thuyết phục. Ông này cảnh báo, với việc các điều khoản mới đã và đang có hiệu lực, không chỉ trái thanh long mà sẽ còn nhiều loại nông sản và và thủy sản khác từ VN xuất qua Mỹ khó tránh rắc rối.

Ông Nguyễn Hữu Đạt, GĐ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, thuộc Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) nhận định rằng, đây có thể là cách dựng hàng rào kỹ thuật của Mỹ, khi mà lượng trái cây này nhập vào Mỹ liên tục tăng (năm 2010 xuất 856 tấn, dự kiến năm 2011 là 1.300 tấn). Trước đây Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ kiểm tra an toàn dịch bệnh, nhưng bây giờ luật mới yêu cầu kiểm tra cả an toàn thực phẩm, tỉ lệ kiểm tra trước đây chỉ có 10%, còn hiện nay là 100%. Để vượt qua hàng rào này, các DN VN cần kiểm tra lại vùng trồng, khuyến cáo người trồng thanh long hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.