| Hotline: 0983.970.780

'Thành thật xin lỗi về vụ thảm sát 50 năm trước'

Thứ Ba 01/03/2016 , 08:35 (GMT+7)

Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ trong ngày 26/2/1966 mà đã có hơn 380 nông dân tại thôn Gò Dài bị giết hại, 1.925 ngôi nhà ở đây bị đốt trụi. 380 người dân vô tội bị chết oan ức trong cuộc thảm sát Bình An./ Nhìn lại 50 năm vụ thảm sát Bình An

Ngày 26/2, tại thôn Gò Dài, xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn, Bình Định), hàng nghìn người dân địa phương cùng nhiều đoàn khách Hàn Quốc do ông Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập quỹ hòa bình Hàn - Việt, dẫn đầu đã đến dâng hoa, thắp hương tại Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An (26/2/1966 - 26/2/2016).

Tháng 2 đẫm nước mắt

Ngày này, cách đây 50 năm, có 1.004 nông dân là cư dân của xã Bình An cũ, nay được tách ra thành các xã Tây Vinh, Tây Bình, Tây An (huyện Tây Sơn) và xã Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu (TX An Nhơn) đã bị lính đánh thuê Nam Hàn giết hại trong cuộc hành quân kéo dài từ ngày 23/1 đến 26/2/1966.

Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ trong ngày 26/2/1966 mà đã có hơn 380 nông dân tại thôn Gò Dài bị giết hại, 1.925 ngôi nhà ở đây bị đốt trụi. 380 người dân vô tội bị chết oan ức trong cuộc thảm sát này được chôn chung trong một cái hố, sau này người dân địa phương lấy ngày này làm ngày giỗ chung của làng.

Hàng năm, đến ngày 26/2, UBND tỉnh Bình Định và người dân các địa phương tập trung về Đài tưởng niệm Gò Dài (Di tích lịch sử Gò Dài) để thắp hương tưởng nhớ đến những người dân đã ngã xuống trong chiến tranh.

Trong những năm gần đây, vào những ngày lễ tưởng niệm, có không ít người dân Hàn Quốc, đa số là lớp trẻ, cũng tìm về Khu Di tích lịch sử Gò Dài để cùng thắp nén hương tưởng niệm những người đã khuất.

Ông Nguyễn Tấn Lân ở xã Tây Vinh, một nhân chứng sống kể lại: “Ngày 23 tháng Giêng Tết Bính Ngọ 1966, trong tiếng pháo, tiếng súng nổ liên hồi xen lẫn tiếng la hét, khóc than của hàng trăm người dân trong thôn, 3 mẹ con tôi sợ quá nằm co ro dưới hầm tối. Mẹ tôi hoang mang khi nghe tiếng súng mỗi ngày một gần, liên tục khấn vái mong tai qua nạn khỏi.

Đến 4h chiều, lính Nam Triều Tiên tìm thấy hầm của chúng tôi, la hét bắt chúng tôi rời khỏi hầm đi theo họ. Đến điểm tập trung, đó là đám ruộng mang tục danh Cạnh Buồm thuộc xóm 1, thôn An Vinh 1, tôi thấy ở đó đã có hơn 20 gia đình ngồi tập trung, ai cũng sợ sệt nói không ra tiếng. Sau một tiếng hét to, những người lính Nam Triều Tiên đồng loạt nã súng vào những người dân. Xác người đổ ập lên nhau, máu tuôn tràn ruộng, nhiều thi thể bị biến dạng do đạn xé. Cả vùng quê vang lên tiếng khóc xé trời”.

Im lặng một lát để đè nén cảm xúc, ông Lân chia sẻ nỗi lòng trong tiếng nấc nghẹn: “Để phần nào vơi đi nỗi đau thương mất mát, chúng tôi đề nghị Chính phủ Hàn Quốc cần có trách nhiệm đối với những gì đã gây ra trên mảnh đất này, nhất là những nạn nhân còn sống sót và thân nhân gia đình có người bị sát hại trong vụ thảm sát tại xã Bình An và các xã lân lận của thị xã An Nhơn nhằm làm vơi đi nỗi đau chiến tranh. Về tương lai, chúng tôi mong muốn hai dân tộc, hai quốc gia Việt - Hàn luôn có quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp lâu dài, nhân dân hai nước sống trong hòa bình và thịnh vượng”.

“Giới tri thức trẻ của Hàn Quốc đã nhiều lần đến Việt Nam và lên tiếng kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc, các tổ chức xã hội, cựu chiến binh Hàn Quốc... có hành động thiết thực nhằm bù đắp những đau thương mất mát mà cha ông họ đã gây ra trong quá khứ như 1 lời tạ lỗi với đất nước Việt Nam.
Những vòng hoa, những nén hương thơm, những cái cúi đầu mặc niệm của các đoàn đại biểu Hàn Quốc tại di tích này đã nói lên phần nào sự hối hận, tiếc nuối trước quá khứ đau thương”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bày tỏ.

50 năm trôi qua là 50 lần cụ Nguyễn Đình Phong (81 tuổi) ở thôn An Chánh, xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định) dắt con cháu tụ tập về Khu Chứng tích lịch sử Gò Dài để thắp hương tưởng nhớ người mẹ là bà Nguyễn Thị Kim Hương, 1 trong 380 nông dân vô tội bị sát hại.

“Tôi dắt con cháu về đây không phải để khơi lại nỗi đau ngày cũ, mà chỉ muốn nhắc con cháu đời sau ghi nhớ sự hy sinh vì Tổ quốc của những người đi trước, những người đã ngã xuống trên mảnh đất quê mình”, cụ Phong bộc bạch.

Quỳ lạy xin tha lỗi

Trong dòng người tưởng niệm những nạn nhân trong cuộc thảm sát tại Gò Dài cách đây 50 năm, có rất nhiều những người trẻ Hàn Quốc về đây dâng hoa, dâng hương và chia sẻ nỗi đau chiến tranh với người dân địa phương.

Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên ông Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập quỹ hòa bình Hàn - Việt, về Tây Vinh để dự lễ tưởng niệm.

Tại buổi lễ, ông Roh Hwa Wook nghẹn ngào phát biểu: “Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Bình An, thời gian cứ trôi, nhưng nỗi buồn, niềm đau vẫn còn đó. Những làng quê yên bình với sự đoàn tụ của hàng nghìn gia đình trong phút chốc đã biến thành vùng chiến sự, biến thành mồ chôn hàng nghìn sinh mạng. Xin lỗi, thành thật xin lỗi.

Chuyện đã xảy ra từ rất lâu, đến hôm nay tôi mới đến được nơi này để trực tiếp được tạ lỗi với những vong linh người đã khuất, đến thân nhân của họ, và đến tất cả những người dân Bình Định. Tôi sẽ phải luôn ghi nhớ điều này, sẽ cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh bằng những hành động thiết thực, để những cái chết oan ức của những nạn nhân không trở thành vô nghĩa”.


Lớp trẻ Hàn Quốc thường về thắp hương tưởng niệm tại Khu Chứng tích lịch sử Gò Dài trong những dịp lễ kỷ niệm

Giáo sư Park Gyun Tae, Đại học Quốc gia Seoul, nói: “Tôi biết đến vụ thảm sát Gò Dài qua những cuốn sách nói về chiến tranh Việt Nam. Những điều chứng kiến tại khu chứng tích đã làm cho tôi rất day dứt, dù chỉ là thế hệ hậu bối, nhưng tôi thành thật xin lỗi các bạn.

Sau chuyến thăm này, tôi sẽ dạy lại cho sinh viên của tôi, các bạn trẻ Hàn Quốc về sự kiện này, để họ biết và chia sẻ nỗi đau mất mát với những gia đình là nạn nhân trong cuộc chiến. Chúng tôi đã đến thăm ông Nguyễn Tấn Lân, 1 nhân chứng sống trong vụ thảm sát để chia sẻ với ông nỗi đau mất mát này”.

Sau chiến tranh, những người dân ở vùng đất 1 thời bị đạn bom dày xé này đã vượt qua đau thương, kiên cường bám mảnh đất quê lao động xây dựng cuộc sống. Đến nay, những dấu vết chiến tranh đã được xóa mờ dần, thay vào đó là diện mạo nông thôn mới mẻ.

Nay đã 64 tuổi, bà Huỳnh Thị Mười ở thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh (Tây Sơn), một nhân chứng sống khác, bày tỏ cảm xúc trước sự đổi thay của quê hương mình: “Lúc xảy ra cuộc thảm sát vào năm 1966, khi ấy tôi mới có 13 tuổi. Nhỏ vậy, nhưng không được thảnh thơi học hành, vui chơi như trẻ con bây giờ. Chiến tranh mà.

Lũ trẻ chúng tôi ngày nào cũng gánh mùng mền trên vai đi chạy bom chạy đạn. Nhà không dám ở, cứ ra bờ, ra bụi, hoặc rúc vào trong cái hầm tối om mà ở. Bây giờ thì cuộc sống đã bình yên quá rồi. Người dân chuyên tâm lao động sản xuất, từ kiếm đủ cái ăn dần tiến tới làm giàu. Đời sống tinh thần của mọi người cũng đã được nâng cao hơn xưa rất nhiều”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất