| Hotline: 0983.970.780

Thanh Văn, lời thề năm mới

Thứ Hai 06/01/2014 , 09:46 (GMT+7)

Sáng sớm ngày Tết Dương lịch (1/1/2014), cả xã Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội) vang rền tiếng lợn kêu...

Sáng sớm ngày Tết Dương lịch (1/1/2014), cả xã Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội) vang rền tiếng lợn kêu. Xóm nào cũng tíu tít mổ lợn và đến gần trưa thì bếp nhà nào nhà nấy thơm inh cả lên.

Tổng cộng gần 4 tấn lợn hơi đã được mổ để chia đều cho gần 7 ngàn khẩu trong xã, bình quân mỗi khẩu được 0,5 kg. Tiền mua lợn ấy được xã trích từ Quỹ Hưu nông dân tặng bà con. Ngoài hội trường, những người đang được hưởng Quỹ Hưu nông dân đã ngồi chật để chuẩn bị dự ngày truyền thống của quỹ (1/1 hàng năm), mặt người nào cũng tươi rói.

Cụ Nguyễn Thị Nhiên tuổi tròn 80, tay khư khư giữ một tờ giấy. Cụ bảo đó là mấy vần thơ mà cụ phải nghĩ mấy ngày mới được, để chốc nữa sẽ đọc để chúc mừng quỹ càng ngày càng phát triển. Còn Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch HĐQT Quỹ Hưu nông dân xã Thanh Văn Trần Văn Tuấn thì cho biết: Sau hàng chục năm chắt chiu gây dựng, năm 2011 quỹ có 39 tỷ đồng và bắt đầu chi trả cho người đủ tiêu chuẩn hưu. Đến năm 2013, quỹ tăng thành trên 54 tỷ đồng (lấy tròn), đã chi trả lương hưu cho dân hết trên 8 tỷ, hiện còn trên 45 tỷ đồng. Việc thu chi của quỹ hàng tháng đều được in, phát công khai cho những người đang hưởng lương hưu biết để tham gia giám sát.


Bà con nông dân ở Thanh Văn từ 60 tuổi trở lên nhận sổ hưu

Năm 2013, lương hưu của bà con là 350 ngàn/người/tháng còn bắt đầu từ tháng 1/2014 này, bà con sẽ được nhận 400 ngàn/người/tháng. Mục tiêu của quỹ là đến năm 2015 sẽ đạt mức 500 ngàn/người/tháng. Năm 2013, quỹ hưu cũng đã đài thọ cho 800 người đi tham quan và Tết Dương lịch 2014 này, những bà con có đóng quỹ hàng tháng nhưng mới sắp đến tuổi được lĩnh lương hưu đều được nhận một suất quà trị giá 500 ngàn đồng…

Quỹ Hưu nông dân tên đầy đủ là Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi nông dân. Có thể nói đây là tâm nguyện lớn nhất, tâm nguyện suốt đời của Bí thư Đảng ủy Thanh Văn Quang Văn Thỉnh, khi ngay từ năm 1990, ông đã cùng Đảng bộ Thanh Văn đưa ra chủ trương này và bắt tay gây dựng.

Thất bại, mất vốn nhưng không nản, lại bắt tay xây dựng lại khi có điều kiện, để đến bây giờ người nông dân Thanh Văn, khi bước vào tuổi 60, đã có thể được thụ hưởng đến hết đời từ nguồn quỹ đó, dẫu sự thụ hưởng đó còn khiêm tốn.

Sau lễ dâng hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền thờ Người được xây dựng cạnh trụ sở UBND xã và lễ chào cờ, lễ kỷ niệm ngày truyền thống của quỹ bắt đầu. Và chính tại buổi lễ đơn giản nhưng long trọng, thấm đẫm tình người này, chúng tôi đã được nghe những lời chân thành nhất, gan ruột nhất của những người nông dân Thanh Văn. Vượt ra khỏi cả chương trình, có người còn nhất định đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho ông Quang Văn Thỉnh, vị Bí thư Đảng ủy suốt 8 khóa liền của xã, và nay tuy đã 74 tuổi, nhưng ông vẫn phải giữ cương vị đó theo yêu cầu của dân, của Đảng bộ…

Gây dựng được quỹ lương hưu đã khó. Giữ được và phát triển quỹ còn khó gấp trăm lần. Số tiền bốn năm chục tỷ bạc luôn có một hấp lực vô cùng mãnh liệt trước những cái túi tham. Thế nên ngoài việc “chọn mặt” để trao việc quản lý và phát triển quỹ, lãnh đạo xã Thanh Văn còn lập lời thề, và lời thề đó được HĐQT của quỹ tuyên vào ngày truyền thống của quỹ hàng năm. Khi cả HĐQT của quỹ bước lên trước nhân dân, và khi Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban Kiểm soát của quỹ Quang Văn Thỉnh thay mặt HĐQT quỹ thề rằng:

- Chúng tôi xin thề: Ai đụng đến Quỹ Hưu nông dân một cách bất chính, dù chỉ một đồng, thì trời tru đất diệt.

Thì cả hội trường như được bao phủ trong một bầu không khí linh thiêng, khiến mọi người lặng đi vì xúc động. Không thề rằng sẽ bị kỷ luật này kỷ luật nọ. Không thề trước cấp trên mà thề trước hai đấng cao dầy.

Thề với trời đất cũng chính là thề với nhân dân, vì ý dân chính là ý trời. Lời thề đó đã tiếp nối lời thề ở đền thờ thần Đồng Cổ phía Tây kinh thành Thăng Long từ gần một ngàn năm trước:

- Ai bất nghĩa bất trung, thì trời tru đất diệt.

Tham ô, chiếm đoạt tài sản của dân cũng chính là bất nghĩa, bất trung. Những người thề ở đền thờ thần Đồng Cổ thời ấy là quan lại các cấp, và họ thề trung nghĩa với vua, khác hẳn với lời thề ở Thanh Văn, là thề trung nghĩa với nhân dân.

Tận lúc ra về, chúng tôi mới giật mình trước hai phát hiện. Một là ở Thanh Văn không hề có những khẩu hiệu hoành tráng, dài dòng như ở những nơi công sở khác. Trước trụ sở UBND xã chỉ có một khẩu hiệu ngắn gọn “Tất cả vì lợi ích của nhân dân”. Và thứ hai, là vì sao trong một ngày có ý nghĩa trọng đại như thế này của nhân dân Thanh Văn, mà không có bất cứ một vị nào ở thành phố hay ở huyện về dự? Hỏi Bí thư Quang Văn Thỉnh, ông cho biết có mời cả đấy. Nhưng hôm nay là mùng 1 Tết Dương lịch, nên các vị đều bận không về được.

+ Xã Thanh Văn là một trong những điểm sáng trong xây dựng NTM của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Những nét nổi bật của Thanh Văn là những bước đi mang tính đột phá, có tính chất quyết định, đó là xây dựng hệ thống điện nông thôn từ năm 1989, công tác xóa đói giảm nghèo và dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế trang trại...

Ông Quang Văn Thỉnh cho hay: Xây dựng NTM đã trở thành mục tiêu thường trực của Thanh Văn. Chúng tôi xây dựng NTM từ rất lâu trước khi Trung ương đề ra 19 tiêu chí. Nhưng bây giờ, khi có 19 tiêu chí rồi thì Thanh Văn cũng không dập khuôn theo 19 tiêu chí đó, cũng không nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt, mà căn cứ vào xu thế phát triển, đặc thù của địa phương để xác định mục tiêu lâu dài: Từ khi còn thiếu ăn, Thanh Văn đã hạ quyết tâm, không chỉ thoát nghèo mà là “Dân giàu, Đảng mạnh, Văn hoá phát triển”.

Để làm được điều đó, chúng tôi đã có sự thỏa thuận trước trong lãnh đạo: Ai không có năng lực, làm việc không hiệu quả thì phải chấp nhận miễn nhiệm. Ai không minh bạch trong quản lý, nhất là quản lý tài chính, thì phải chịu kỷ luật.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm