| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ vướng mắc trong “tam nông”

Thứ Sáu 11/10/2013 , 10:44 (GMT+7)

Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (SX) ngành nông lâm, thủy sản năm 2012 tăng 7% so với năm 2011.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “tam nông”, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do ông Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Ủy viên Thường trực Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình thực hiện sơ kết 5 năm Nghị quyết “tam nông”.

Buổi làm việc tập trung vào những vấn đề khó khăn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay; qua đó, đoàn công tác lắng nghe ý kiến của địa phương để báo cáo Bộ Chính trị và có hướng khắc phục trong thời gian tới.

ĐẤT QUẢNG KHỞI SẮC

Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (SX) ngành nông lâm, thủy sản năm 2012 tăng 7% so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 2,2%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,9%/năm. Sản lượng lương thực cây có hạt ước tăng hơn 76 nghìn tấn so với năm 2008; diện tích rừng trồng bình quân hằng năm đạt trên 10 nghìn ha.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn có bước phát triển. Có 96,71% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; mạng lưới thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 74.000 ha đất nông nghiệp; Tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85% trong năm 2013; hệ thống điện nông thôn đạt 100%; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe có sự phát triển toàn diện.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 15,2% năm 2013. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2012 đạt 75%. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm mới cho 37.000 lao động…



Thực hiện Nghị quyết “tam nông”, diện mạo nông thôn tỉnh Quảng Nam có nhiều thay đổi

Thực hiện Nghị quyết “tam nông”, tại khu vực nông thôn, bình quân thu nhập/người/năm tăng 2,4 lần so với năm 2008 (năm 2013 đạt: 18,5 triệu đồng/người/năm). Tuy nhiên, mức thu nhập của hộ nông dân miền núi và bộ phận nông dân nghèo còn thấp, đời sống còn rất khó khăn; khả năng tái nghèo xảy ra khi gặp thiên tai, dịch bệnh là rất cao. Chênh lệch giữa nhóm hộ thu nhập cao nhất và thấp nhất là 6,6 lần.

ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP RẤT KHÓ

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng, thực tế các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay rất khó. Doanh nghiệp không có đất để xây dựng mô hình, xây dựng vùng sản xuất. Ông Quang đơn cử: Quảng Nam xúc tiến 3 dự án nông nghiệp nhưng đều thất bại bởi các doanh nghiệp muốn gom đất để đầu tư phát triển nông nghiệp thì vướng vào Nghị định 61, do đó phải “buông tay”.

Tại huyện Núi Thành, có một dự án phát triển nuôi cá tra. Doanh nghiệp này đã thực hiện xong quy hoạch và bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để đền bù cho người dân. Nhưng theo Luật Đất đai phải hỗ trợ đào tạo nghề cho người khi bị thu hồi đất, khi thực hiện đến khâu này nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người". Đơn cử, có một gia đình có 1500 m2 đất nhưng có 12 người nắm quyền sở hữu. Nếu lấy đất thì phải hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 12 người, do đó tiền đền hỗ trợ quá lớn, doanh nghiệp không thể đáp ứng.

Còn ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam than thở: Dân nông thôn còn nghèo, còn khổ quá. Người dân nông thôn chịu thiệt thòi quá nhiều. Thực tế người thành phố được chăm lo đủ thứ, còn nông dân thì chẳng có gì nhiều. Ví dụ như người thành phố, cái công - tơ điện được bắt đến tận nhà nhưng người nông thôn thì phải bỏ tiền ra kéo về nhà.

"Trong SX nông nghiệp, tính đến rủi ro cho người nông dân. Khi gặp thiên tai, Nhà nước nên thể hiện trách nhiệm. Người ta mất ruộng, mất lúa, trâu bò, hòa màu… dẫn đến trắng tay, do đó, Nhà nước cần có nhiều cơ chế hỗ trợ nông dân”, ông Quang kiến nghị.

Tại buổi đóng góp ý kiến, tỉnh Quảng Nam đề nghị: Trách nhiệm của Nhà nước là phải giải quyết được khâu lưu thông đầu vào và đâu ra cho bà con nông dân. Đầu vào gồm cây giống, phân bón, thuốc BVTV… đang còn lỏng lẻo. Người dân phải sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng…. Về khâu đầu vào, Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý chứ đừng để nông dân gánh chịu.

Hiện người nông dân làm hàng hóa bán theo kiểu “bưng mủng ra chợ”, họ chưa có Cty, doanh nghiệp thu mua sản phẩm làm ra. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ giá chưa đến được với người nông dân mà Nhà nước hỗ trợ thông qua các khâu trung gian. Đơn cử như thu mua dự trữ lúa gạo.

Kết luận tại buổi hội nghị, ông Nguyễn Đăng Khoa tiếp nhận những ý kiến từ phía lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Ông Khoa nói: Thực tế những vấn đề này không chỉ xảy ra tại Quảng Nam mà xảy ra ở nhiều vùng nông thôn nước ta. Chúng tôi lắng nghe tất cả ý kiến và biên tập lại. Những ý kiến này sẽ được báo cáo với Trung ương để có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm