| Hotline: 0983.970.780

Thảo luận dự Luật Thủ đô: Tránh "vấp" các luật khác

Thứ Tư 23/03/2011 , 09:27 (GMT+7)

* Viện Kiểm sát cần có mặt trong các phiên tòa dân sự

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), dự thảo luật cho phép HĐND TP ban hành các cơ chế chính sách quản lý song phải dựa trên quy định của pháp luật. Ông Đào cũng đề nghị dự thảo luật bỏ danh hiệu “công dân danh dự”. “Người dân các tỉnh dù chỉ nộp 1.000 đồng tiền thuế, cũng là đóng góp cho Thủ đô, liệu họ có được xét công dân danh dự?”. Về vấn đề nhập cư hợp pháp, ĐB Đào đề nghị làm rõ quy định thế nào là nhập cư hợp pháp. “Đơn cử người bán bún vỉa hè Hà Nội nhiều năm có được nhập cư hợp pháp hay không?”

ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) khẳng định việc thông qua Luật Thủ đô là không trái Hiến pháp, tuy nhiên cần tiếp thu thêm ý kiến để hoàn chỉnh dự luật này. Cụ thể việc di dời bệnh viện, trường học, mở đường phải lấy ý kiến của nhân dân, chứ không quy định để HĐND tự biểu quyết. Cũng theo ĐB Thảo, về quy định tăng mức phạt vi phạm giao thông trong khu vực nội thành không đảm bảo tính thống nhất, sẽ gây bức xúc trong dân. Bài học từ Trung Quốc, để hạn chế người dân đi xe máy họ tăng lệ phí trước bạ rất cao. Mỹ cũng quy định ngoài thuế trước bạ, khi sử dụng xe còn phải đóng thuế riêng.

Tán thành với cơ chế đặc thù về tài chính trong dự luật, song ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị luật phải quy định cụ thể rõ ràng việc phân bổ ngân sách cao hơn địa phương khác bao nhiêu lần, ưu tiên phân bổ vốn ODA theo nguyên tắc nào? ĐB Thuyết cho rằng sau khi mở rộng Hà Nội có quỹ đất cực lớn. “Đất Thủ đô là đất vàng nhưng quy hoạch còn rất lộn xộn, cắt vụn, đấu thầu theo kiểu xin-cho vẫn còn, người dân không được kiểm soát…Vì thế quy hoạch Thủ đô mở rộng phải đưa vào luật cụ thể”-ông Thuyết nói.

 Trao đổi với NNVN bên hàng lang QH, ĐB Nguyễn Lân Dũng cho rằng nhìn chung luật Thủ đô là cần thiết, tuy nhiên Ban soạn thảo cần chỉnh lý hoàn chỉnh để không chồng lên các luật khác. “Theo tôi quan trọng nhất của luật này là vấn đề nhập cư. Hà Nội phải tạo điều kiện để người dân nơi khác đến làm ăn sinh sống, không nên siết chặt việc nhập cư. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy nơi nào đô thị hóa càng cao thì GDP càng cao. Vấn đề là phải quản lý được cư dân cho tốt, tránh tình trạng không quản lý được thì cấm nhập cư”-ông Dũng nói.

Cùng ngày, QH cũng đã thảo luận  về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự. Một nội dung được các ĐB quan tâm đề cập là sự tham gia của Viện Kiểm sát trong các phiên toà sơ thẩm. Nhiều ĐB nhất trí cho rằng, sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm là cần thiết (trừ trường hợp đối với các vụ án dân sự đối tượng tranh chấp là tài sản công, hoặc 1 bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất), nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Trần Quốc Vượng lại đề nghị Quốc hội cần cân nhắc thêm về quy định này bởi số lượng cán bộ Viện kiểm sát có giới hạn. Trong khi vụ việc liên quan đến dân sự chiếm chủ yếu trong các vụ việc. Ông cũng cho hay, nếu bổ sung để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khi ở nước ta chưa có Tòa bảo hiến hay Tòa án hiến pháp thì việc sửa đổi Bộ luật lần này cũng cần có quy định một cơ chế đặc biệt để Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong vụ việc hay không.

Theo dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào chiều ngày 29/3.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những đoàn xe thiện nguyện đuôi nhau chở nước về vùng hạn mặn

Mỗi ngày các địa phương ven biển ĐBSCL, tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre… tiếp nhận hàng chục, hàng trăm chuyến xe và nhiều sà lan mang theo những giọt nước nghĩa tình.

Bình luận mới nhất