| Hotline: 0983.970.780

Thấp thỏm trên cánh đồng vàng

Thứ Năm 10/04/2014 , 11:45 (GMT+7)

Hàng chục hộ nông dân ở ấp 4, ấp 5 của xã An Nhựt Tân (Tân Trụ, Long An) có cánh đồng vàng làm lúa năng suất trên 10 tấn/ha thấp thỏm, lo âu nhiều năm nay vì một khu công nghiệp nửa vời! / Dân mong được trả lại ruộng

Cánh đồng vàng

Cánh đồng lúa nằm kề sát bên sông Vàm Cỏ Đông, ở ấp 5, xã An Nhựt Tân đã vào cuối kỳ thu hoạch. Niềm vui trúng mùa, lợi nhuận khá thấy rõ trên gương mặt những nông dân tôi gặp trên đồng.

Chị Lê Thị Ngọc Dung, vừa thu hoạch xong diện tích lúa 7.000 m2, hồ hởi nói: Mỗi công lúa, nhà tôi thu được tới 60 giạ lúa, tương đương với 1,2 tấn lúa. 7.000 m2 thu được 8,4 tấn lúa. Tính ra năng suất đạt tới 12 tấn/ha.

“Không chỉ mình nhà tôi đạt năng suất cao, mà ở cánh đồng này, nhà nào cũng đạt năng suất rất cao, từ 10 tấn/ha trở lên. Một số nhà chỉ đạt cỡ 9 tấn/ha là đã thấy không vui rồi”, chị Dung nói.

Để chứng thực lời của chị Dung, tôi hỏi han thêm một số hộ trồng lúa ở gần đấy. Đúng là hộ nào cũng năng suất cao.

Hộ ông Đặng Văn Tám đạt 11,4 tấn/ha. Hộ bà Đặng Thị Đẹt đạt hơn 10 tấn/ha. Ngay cả những hộ do suốt ngày bận đi khiếu nại về đất đai, nên không thể làm lúa một cách thật kỹ càng, cũng đạt năng suất cao, như hộ bà Lê Thị Thúy Nga đạt hơn 10 tấn/ha, hộ Châu Văn Thắng 10 tấn/ha...

Vì sao lúa ở đây đạt năng suất cao như vậy?

Nếu Nhà nước vẫn giữ chủ trương thực hiện KCN An Nhựt Tân, nông dân mong muốn mọi quy trình phải được làm một cách minh bạch, công bằng, đảm bảo quyền lợi của dân. Chị Lê Thị Ngọc Dung nói: “Những quyết định cũ của UBND huyện Tân Trụ, TAND tỉnh Long An đã tuyên hủy hết rồi. Vì thế, muốn thu hồi đất, trước hết, UBND huyện phải ban hành quyết định thu hồi đất và tính giá đất theo thời điểm ra quyết định. Nếu không đền bù đúng và đầy đủ, tôi sẽ quyết tâm bám trụ ở đây, cương quyết không giao đất”.

Chị Đào, một hộ nông dân ở ấp 5, lý giải, trước đây, khi trồng các giống lúa khác, cộng với việc nông dân chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thì năng suất lúa ở đây chỉ đạt bình quân 6 - 7 tấn/ha/vụ. Từ khi nông dân ấp 5 đồng loạt chuyển sang dùng giống lúa thơm Nàng Hoa 9 và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa, năng suất đã lên rất cao, bình quân 9 tấn/ha/vụ.

Không chỉ vui với năng suất cao, nông dân ấp 4, ấp 5 xã An Nhựt Tân, còn thấy mừng vì lúa của họ vẫn tiêu thụ tốt, giá bán cao hơn các loại lúa khác.

Hồi đầu vụ, giá thương lái tới thu mua ngay tại ruộng là 5.400 đ/kg. Sau đó, khi giá lúa chung ở ĐBSCL sụt giảm, giá thu mua lúa Nàng Hoa 9 ở An Nhựt Tân cũng giảm xuống còn 5.100 - 5.200 đ/kg.

Sau đó, khi có chương trình tạm trữ gạo vụ đông xuân, giá lúa tăng nhẹ lên 5.300 đ/kg.

Giá này tuy giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 6.000 đ/kg), nhưng vẫn đang cao hơn nhiều so với giá thu mua tại ruộng của nhiều giống lúa phổ biến khác (hiện ở mức khoảng 4.600 - 4.700 đ/kg với lúa chất lượng cao).

Và quan trọng hơn, với năng suất cũng như giá lúa nói trên, nông dân ấp 4, ấp 5 xã An Nhựt Tân đang có mức lợi nhuận khá cao.

Anh Lê Văn Thắng, một hộ nông dân ở ấp 5, cho biết, trong vụ đông xuân này, chi phí cho 1 ha lúa, tối đa cũng chỉ tới 20 triệu đồng. Với năng suất bình quân 10 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu lời hơn 30 triệu đ/ha. Lúa thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết ngay tới đó.

Không làm đúng sẽ không di dời

Không phải lo lắng gì tới giá cả cũng như việc tiêu thụ lúa, nhưng trong khi đang tất bật với công việc thu hoạch, gần trăm hộ nông dân ở ấp 4, ấp 5 xã An Nhựt Tân vẫn trong trạng thái thấp thỏm, lo âu, cho dù họ đã thắng kiện UBND huyện Tân Trụ.

Xin nhắc lại, toàn bộ cánh đồng lúa màu mỡ nói trên đã được quy hoạch vào dự án KCN An Nhựt Tân từ nhiều năm trước.

Nhưng do bất bình với những quyết định sai trái về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của UBND huyện Tân Trụ, 82 hộ có đất lúa, đất ở bị lấy vào dự án đã không chấp nhận giao đất cho nhà đầu tư mà đồng loạt khiếu kiện UBND huyện này lên TAND huyện Tân Trụ, rồi TAND tỉnh Long An.

Cuối năm 2011, đầu năm 2012, lần lượt cả 82 hộ nói trên đều được TAND tỉnh Long An tuyên bố thắng kiện UBND huyện Tân Trụ. Qua đó, những văn bản trái pháp luật của UBND huyện Tân Trụ về đền bù, giải tỏa liên quan đến 82 hộ dân thắng kiện đều bị Tòa tuyên hủy.

16-08-44-nh-1-thp-thom-giu-mu-vng161719281
Nhiều nông dân lớn tuổi ở An Nhựt Tân vẫn phải túc trực cả ngày lẫn đêm ở cái chòi trên đê để giữ đất ruộng

Điều đáng nói là từ trước tới giờ, UBND huyện Tân Trụ chưa từng ra một quyết định thu hồi đất nào đối với 82 hộ, vậy mà sau khi đã bị thua kiện và bị TAND tỉnh Long An tuyên hủy các quyết định bồi thường, hỗ trợ trái pháp luật, cơ quan này vẫn ngang nhiên ban hành các quyết định về bồi thường, hỗ trợ giá trị chênh lệch năm 2008 so với năm 2007 cho những hộ dân bị lấy đất làm hạ tầng KCN An Nhựt Tân.

Trong khi đó, theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai, trước khi ra quyết định.

Cụ thể, tại Chương 5 (Trình tự, thủ tục thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất), đã nêu rõ những trình tự sau: bước 1 (Điều 49) là xác định và công bố chủ trương thu hồi đất; bước 2 (Điều 50) là chuẩn bị hồ sơ địa chính cho khu đất bị thu hồi; bước 3 (Điều 51) là lập, thẩm định và xét duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; bước 4 (Điều 52) là thông báo về việc thu hồi đất; bước 5 (Điều 53) là ra quyết định thu hồi đất; bước 6 (Điều 54) là giải quyết khiếu nại đối với quyết định thu hồi đất; bước 7 (Điều 55) là kê khai, kiểm kê và xác định nguồn gốc đất đai; bước 8 (Điều 56) là lập, thẩm định và xét duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; bước 9 (Điều 57) là công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Như vậy, quy định của Nhà nước là rất rõ: Phải ra quyết định thu hồi đất trước khi ra quyết định bồi thường, hỗ trợ.

Không những làm sai quy trình, những mức giá, cách tính về bồi thường quyền sử dụng đất, vật kiến trúc công trình, tiền lãi suất chênh lệch, hệ số trượt giá..., mà UBND huyện Tân Trụ đưa ra trong những quyết định bồi thường, hỗ trợ sau khi thua kiện, cũng đều bất hợp lý, sai trái, khiến cho các hộ dân ở ấp 4, ấp 5 xã An Nhựt Tân bất bình, quyết định nộp đơn khởi kiện lên TAND huyện Tân Trụ một lần nữa.

Vào ngày 19/3 vừa rồi, trong buổi đối thoại với 82 hộ nông dân ở xã An Nhựt Tân thắng kiện UBND huyện Tân Trụ, ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đã thừa nhận chính quyền địa phương có nhiều sai sót, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Còn nhà đầu tư thì gian dối trong việc thi công khu tái định cư.

Dù Chủ tịch UBND tỉnh Long An hứa sẽ chỉ đạo UBND huyện Tân Trụ và Chủ đầu tư thực hiện theo hướng có lợi nhất cho người dân về giá các lô nền tái định cư (Thông báo số 551/TB-UBND ngày 24/3/2014), nhưng cả 82 hộ dân ở ấp 5 xã An Nhựt Tân, có đất bị lấy vào KCN An Nhựt Tân, đều vẫn chưa thể yên tâm.

Bằng chứng là họ vẫn đang chia nhau túc trực cả ngày lẫn đêm ở cái chòi dựng tạm trên bờ đê để ngăn không cho chủ đầu tư bơm cát vào ruộng đồng nhằm ép dân phải chấp nhận giao đất vì khi ấy không thể làm lúa được nữa.

Mong muốn chung của các hộ này là UBND tỉnh Long An trình Chính phủ xem xét, hủy bỏ dự án KCN An Nhựt Tân, trả lại đất cho nông dân yên tâm làm ruộng. Bởi trên thực tế, toàn bộ cánh đồng này là đất màu mỡ, trồng lúa cho năng suất cao, giúp nông dân sống được với đất.

Bà Nguyễn Thị Vui, một nông dân đã trên 70 tuổi, ở ấp 5, An Nhựt Tân, tâm sự: “Tôi già thế này nhưng vẫn có thể ra đồng làm lụng kiếm miếng ăn, bởi đất ở đây trồng lúa rất tốt. Còn nếu phải bỏ lại ruộng đồng, vào ở trong khu tái định cư, những người già như tôi biết làm gì đây?”.

Trong khi đó, KCN An Nhựt Tân chỉ là một KCN nhỏ, chủ đầu tư lại có năng lực yếu kém, khiến dự án đã bị treo nhiều năm nay.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.