| Hotline: 0983.970.780

Thất bại vì bỏ qua những cái đơn giản

Thứ Năm 05/08/2010 , 16:00 (GMT+7)

Đúng là toàn cái rất đơn giản, là những thứ mà cán bộ kỹ thuật tuyên truyền, hướng dẫn mãi nhưng nhiều bà con vẫn bỏ ngoài tai vì tập quán, vì truyền thống chăn nuôi bám rễ quá sâu hoặc vì thói quen ăn bớt quy trình kỹ thuật, nhất là ở vùng sâu, vùng cao.

TS Nguyễn Huy Điền - Phó giám đốc Trung tâm KN-KN Quốc gia (ảnh) đã tổng kết, mổ xẻ những lý do thất bại đối với từng loại thuỷ sản nuôi phổ biến của nông dân Việt. Ông nhận định: “Nuôi thuỷ sản, nhiều khi nông dân thất bại không phải vì không áp dụng những thứ cao siêu mà bởi họ đã bỏ qua những điều tưởng chừng như rất đơn giản”.

Cụ thể, ông có thể chỉ ra sai sót "chết người" bắt nguồn từ những cái rất đơn giản ấy?

Đối với con cá nước ngọt, nhất là khi nuôi cá rô phi, những việc đơn giản như sau mỗi vụ thu hoạch phải tát cạn ao, vét bùn, tẩy trùng, bón vôi, phơi đáy rồi mới lọc nước cho vào ao (tránh lẫn cá tạp) để nuôi tiếp nhưng nhiều bà con dù được hướng dẫn vẫn chỉ làm qua loa, đại khái, chỉ tháo nước, thay nước rồi xuống giống luôn. Tiếng là rô phi đơn tính nhưng bao giờ cũng có tỷ lệ cỡ 3-5% là con cái. Nếu việc tháo cạn, tát ao không làm kỹ dẫn đến hiện tượng sót lại vài con cá cái. Khi thả đợt mới cũng là lúc những con sót lại này sinh sản rất nhanh theo cấp số nhân, cạnh tranh mạnh mẽ về thức ăn với cá mới thả, khiến tất cả chúng đều lớn chậm. Hơn thế cá rô phi cái thường hiệu số tiêu tốn thức ăn lớn, thân hình nhỏ con, bán không được giá, chỉ đáng là “cá lợn”. Điều đơn giản thứ hai là cho cá ăn đúng thời gian và hợp lý. Tránh cho ăn quá sớm hay quá muộn, nhất là vào mùa nóng, buổi sáng ao thiếu ô xi, cá nổi đầu lên thở mà cứ nắm thức ăn xuống, chúng cũng không ăn mấy, thức ăn thừa nhiều, chìm xuống làm ô nhiễm đáy ao lại càng gây thiếu ô xi trong nước thêm. Lưu ý thứ ba là chất lượng giống hết sức quan trọng. Bà con nên tránh việc tham rẻ, mua cá ở những cơ sở sản xuất không uy tín thì dù có đổ thức ăn nhiều cá vẫn lớn chậm.

Đối với các loại tôm, nguyên nhân thất bại hơi khác chút. Thứ nhất là do ao nuôi tôm không đúng quy cách, nhất là mực nước không đủ sâu. Vào thời điểm giao mùa hay khi trời mưa, với một lượng nước trong ao còn rất ít, mưa xuống hay nắng gay gắt tôm sẽ bị ảnh hưởng dễ sinh bệnh, dễ chết. Cái sơ sót thứ hai là mùa vụ thả tôm tuỳ từng vùng mà khác nhau. Thường bà con vẫn có thói quen hay thả sớm bởi nhiều lý do: Có những năm thả sớm thành công nhờ nhiệt độ thuận lợi, không bị thay đổi đột ngột. Thả sớm tuy năng suất không cao nhưng giá bán tôm đầu vụ luôn đắt. Thả sớm lúc ít người xuống giống, thừa giống nên giá giống thường rẻ hơn chính vụ… mà dân ta rất ham rẻ. Lưu ý thứ ba là chất lượng giống. Chất lượng giống với thuỷ sản nói chung quan trọng nhưng đặc biệt quan trọng với con tôm bởi nếu cá dính dịch bệnh sẽ chết rải rác còn tôm giống mắc bệnh sẽ rất dễ lan thành dịch, chết cả ao.

Với những con thủy đặc sản, rất nhiều người từng thất bại liểng xiểng khi lao đầu vào. Ông có lời khuyên gì cho họ?

Đối với các loại thủy đặc sản như ba ba, nếu nuôi thâm canh phải chủ động được việc cấp và tiêu nước, nếu ao tù, nước đọng nên nuôi những loại chịu được nguồn nước ít ô xi như cá trê phi chẳng hạn. Nuôi ba ba thường sử dụng thức ăn tươi sống băm nhỏ, khi thả quá nhiều mà không theo dõi lượng thức ăn mỗi ngày thừa hay thiếu sẽ gây ra hiện tượng nước ao bẩn, thối, sinh bệnh cho chúng. Cần chú ý không nên tham nuôi dày vì khó quản lý hiện tượng ô nhiễm môi trường, khó tránh được việc ba ba tranh mồi cào, cắn nhau, xước xác, sinh bệnh. Đối với một số đặc sản khác, nhiều khi nông dân mắc phải chứng không có thông tin thị trường rõ ràng. Chưa hiểu thực tế mà chỉ đâm đầu theo lời đồn nuôi đến lúc xuất bán thương phẩm, ngoảnh đi, ngoảnh lại chẳng có ai mua. Nuôi đặc sản thường đầu tư ban đầu lớn, khi không tìm nổi đầu ra, bị đóng băng về thị trường, dẫn đến tình trạng bỏ thì thương, vương thì tội, lỗ nặng. Với việc nuôi cá lồng bè trên biển, ở ngoài Bắc thường suất đầu tư thấp, lồng bè được làm đơn giản bằng những vật liệu tận dụng như thùng phuy, phao xốp, tre nứa kết lại. Khi biển động, bão gió những lồng bè mỏng manh đó dễ bị vỡ, cá thoát ra ngoài. Sai lầm thứ hai là nuôi không theo quy hoạch. Cứ ông này làm được bà kia học theo, bà kia làm được, ông khác làm theo, lồng bè nuôi san sát nhau, thức ăn tươi sống quăng xuống ào ào, gây ô nhiễm nước, cá rất hay mắc các bệnh đường ruột. Khi cá bị bệnh, tính cộng đồng của người nuôi lại không cao, cá chết cứ lẳng luôn xuống biển, ô nhiễm lại càng thêm ô nhiễm, dịch bệnh lại chồng lên dịch bệnh.

Những điều ông nói đúng là chẳng có gì cao siêu, vậy ông lý giải vì sao mà nông dân vẫn không chịu áp dụng?

Đúng là toàn cái rất đơn giản, là những thứ mà cán bộ kỹ thuật tuyên truyền, hướng dẫn mãi nhưng nhiều bà con vẫn bỏ ngoài tai vì tập quán, vì truyền thống chăn nuôi bám rễ quá sâu hoặc vì thói quen ăn bớt quy trình kỹ thuật, nhất là ở vùng sâu, vùng cao. Đồng bào vùng miền núi đến giờ vẫn thiên về thả cá hơn là nuôi cá. Thói quen của họ lại thích thả giống quá bé vì ham rẻ, vì nghĩ một đồng tiền bỏ ra mua được dăm ba con giống còn hơn chỉ mua được một con. Họ gần như không cho cá ăn, nếu có cũng chỉ là những thứ cám bổi vớ vẩn, ao thả cá mà nước cứ trong leo lẻo, hiệu quả kinh tế tất nhiên sẽ thấp. Đã thế, cá lớn đến đâu đem… nhắm rượu đến đấy. Tôi từng đến một số mô hình nuôi cá, họ là cán bộ cơ sở hẳn hoi nhưng cá rô phi mới chỉ lớn bằng hai ba đầu ngón tay, thấy có khách hay khi nhạt mồm, nhạt miệng là quăng chài, tung lưới bắt về làm mồi ngay. Bà con nông dân đồng bằng sông Hồng kinh nghiệm nuôi có khá hơn nhưng bài bản, máu mê nhất vẫn thuộc về nông dân Nam bộ. Họ nuôi rất quy củ, sẵn sàng áp dụng cái mới, đầu tư có bài bản, tính toán cẩn thận nên thất bại cũng ít hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất