| Hotline: 0983.970.780

Thắt chặt kiểm tra ô nhiễm phóng xạ thực phẩm từ Nhật Bản

Thứ Hai 04/04/2011 , 09:35 (GMT+7)

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản Phùng Hữu Hào

Trao đổi với NNVN, ông Phùng Hữu Hào-Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) là đơn vị được Bộ NN-PTNT giao làm đầu mối, phối hợp với Cục Thú y, Cục BVTV trong việc quản lý, kiểm định chất lượng mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản cho biết:

Trong năm 2010, lượng rau, củ, quả Việt Nam nhập từ Nhật chỉ có trên 200 tấn; chủ yếu là táo và bí đỏ. Với sản phẩm động vật có nguồn gốc trên cạn như thịt gia súc, gia cầm lượng nhập cũng không nhiều. Đặc biệt, từ ngày 11/3 đến nay, chưa có lô hàng thịt động vật và rau, củ, quả nào của Nhật đăng kí nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo ông Hào, hiện chỉ có mặt hàng thủy sản là chúng ta vẫn đang nhập khẩu từ Nhật với số lượng khá lớn. Nếu tính từ tháng 9/2010 (thời điểm Thông tư 25 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn kiểm tra sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhập khẩu vào Việt Nam phải làm thủ tục đăng kí) đã có trên 10.000 tấn thủy sản từ Nhật Bản đăng kí nhập khẩu vào nước ta (chủ yếu là cá hồi, cá ngừ, mực và tôm). Riêng sau ngày 11/3, lượng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam là 400 tấn, chủ yếu qua cảng Hải Phòng, Sài Gòn và một phần nhỏ qua đường hàng không. Tuy nhiên, trong tổng lượng hàng thủy sản nhập khẩu về Việt Nam thì phần lớn đưa vào gia công chế biến để tái xuất, số còn lại đưa vào các siêu thị, nhà hàng, khách sạn.

Trước nguy cơ ô nhiễm phóng xạ hạt nhân trong các loại thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, tại cuộc họp tham vấn các Bộ, ngành có liên quan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục QLCLNLS&TS phối hợp với Cục Thú y, Cục BVTV là các cơ quan có trạm kiểm soát ở tại các cửa khâu tăng cường kiểm soát nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Nhật. Hiện nay các Cơ quan quản lí an toàn thực phẩm của các quốc gia khác cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu từ Nhật Bản với mức độ khác nhau, thậm chí có những nước tạm dừng nhập khẩu nông sản thực phẩm từ Nhật. Nhưng với Việt Nam, Bộ NN-PTNT mới chỉ tham mưu đề xuất Chính phủ tăng cường kiểm soát chứ chưa đặt vấn đề dừng nhập khẩu.

Ngày 30/3 và 31/3, Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Cục Thú y, Cục BVTV kết hợp với Cục An toàn Bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN-MT) lấy mẫu mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản đưa về phòng kiểm nghiệm phân tích. Kết quả, với 19 mẫu lấy từ gần 400 tấn thủy sản tại cảng Hải Phòng ngày 30/3 và 3 mẫu trên tổng số gần 100 tấn thủy sản từ cảng Sài Gòn ngày 31/3 đều cho kết quả âm tính với phóng xạ. Như vậy, cho đến nay chưa phát hiện chất phóng xạ trong các loại thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.

Cụ thể, theo Bộ NN-PTNT, đối với những lô hàng xuất đi từ 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất bởi sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vùng Đông bắc Nhật Bản gồm: Fukushima, Gunma, Ibaraki, Tochigi yêu cầu phía Cơ quan có thẩm quyền phía  Nhật Bản phải có chứng thư về ATVSTP, trong đó nói rõ về an toàn ô nhiễm phóng xạ. Có chứng thư rồi chúng ta vẫn sẽ áp dụng chế độ kiểm tra 20% các lô hàng đến từ 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề trên (5 lô lấy mẫu 1 lô) để giám sát. Nhưng cái khó hiện nay, theo tìm hiểu được biết, Nhật Bản hiện cũng chỉ có 8 cơ quan có năng lực được chỉ định kiểm tra và cấp chứng thư về an toàn phóng xạ. Trong khi đó, nhu cầu về cấp chứng thư về an toàn phóng xạ là rất lớn, nên có thể họ không đáp ứng được hết nhu cầu cấp chứng thư.

Về vấn đề này, ông Hào cho biết thêm, trong trường hợp các lô hàng đến từ 4 tỉnh trên có nguy cơ ô nhiễm cao mà chưa kèm theo chứng thư về ATTP cũng như an toàn phóng xạ sẽ phải giữ lại 100% tại cửa khẩu, cảng nhập của nước ta để các cơ quan quản lí của Việt Nam lấy mẫu gửi về 4 phòng kiểm nghiệm được chỉ định để kiểm tra. Chỉ trong trường hợp kết quả kiểm tra an toàn thì các lô hàng mới được thông quan. Ngoài ra, các lô hàng đến từ các tỉnh khác ngoài 4 tỉnh trên, Bộ NN-PTNT cũng sẽ giám sát theo thể thức 5 lô lẫy mẫu 1 lô để kiểm tra, vì phóng xạ có ở trong mây, nước, ngầm, nước biển lan ra các vùng khác Nhật Bản. Nếu phát hiện mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản có mức ô nhiễm phóng xạ vượt qua mức cho phép theo quy định của Việt Nam lập tức thông báo cho phía Nhật đề nghị tái xuất lô hàng đó và áp dụng chế độ kiểm tra 100% với các lô hàng tương tự có cùng xuất xứ tiếp theo.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.