| Hotline: 0983.970.780

Thật là buồn cho một số phận như dì út của cháu!

Thứ Sáu 09/09/2016 , 06:48 (GMT+7)

Sau năm 1975 dì út mới lập gia đình. Do lao động nặng nhọc sớm quá, dì bị tổn thương cột sống, chồng có nhân tình. Dì của con ly hôn trong nước mắt của cả họ. Từ đó dì không yêu ai nữa...

Cô kính mến!

Dì ruột của cháu là người có công rất lớn với gia tộc. Dì đứng mũi chịu sào ruộng rẫy, một tay dì cầm máy xới, gieo sạ thu hoạch mười héc-ta ruộng. Sau năm 1975 dì út mới lập gia đình. Do lao động nặng nhọc sớm quá, dì bị tổn thương cột sống, chồng có nhân tình. Dì của con ly hôn trong nước mắt của cả họ. Từ đó dì không yêu ai nữa để chăm sóc cha má. Hai cậu mỗi người một cơ ngơi do cha má tách cho, làm ăn khấm khá.

Rồi ông ngoại bà ngoại con cũng qua đời. Dì sống một mình trong đất thổ cư, phía sau là mộ cha má, cùng với một số công ruộng được thừa kế. Cậu Hai bắt đầu dòm ngó, cậu Ba nghe theo thành một phe. Bên nầy là má của con và dì út.

Thấy dì thân cô thế cô, má của con đưa dì ra chợ huyện mua đất cất nhà cho chị em dì cháu gần nhau. Cậu Hai muốn dì để đất thừa kế để con của cậu về ở nhà hương hỏa đó và làm giỗ. Má và dì thì nghĩ, nếu cậu Hai về thì được nhưng con của cậu cầm cố đất của cậu nhiều rồi, có biết quý đất hương hỏa đâu mà giao, vả lại, mấy anh đó cũng không xứng đáng với cửu huyền, làm giỗ sao được. Vậy là chiến tranh, cậu Hai giỗ ông ngoại, dì út cúng bà ngoại. Ban đầu cậu Ba nghiêng theo cậu Hai, nhờ mợ Ba và các anh chị nói nên cũng ra chỗ dì út rồi.

Chỉ có cậu Hai là làm giỗ má một mình, không tới nhà mới của dì út. Mấy năm rồi, con tưởng thời gian sẽ hóa giải được nhưng sao ngày càng xa nhau. Má con và các con làm sao đây cô? Má là em, má nói cậu Hai đâu có được.

---------------------

Cháu thân mến!

Việc đất đai ở khắp nơi bây giờ rối quá. Có lẽ do đất chật người đông, có lẽ do đồng tiền chế ngự các mối quan hệ, có lẽ do tinh thần Nho giáo ngày xưa đã nhạt, có lẽ do văn hóa xuống cấp, vân vân và vân vân.

Thật là buồn cho một số phận như dì út của cháu. Đúng là dì đã hy sinh cho cả gia tộc từ thời thiếu nữ cho đến hôm nay. Tức là khi trẻ thì cầm máy cầm thúng làm lụng nuôi các anh được làm lính kiểng, sau khi ly dị chồng thì nuôi ba má đến khi tiễn họ về trời. Nếu như anh Hai không ý kiến ý cò, chắc dì còn hy sinh ôm bàn thờ ở cái hốc đó đến chết. May mà má cháu và các cháu đưa dì đi để biết ánh sáng phố chợ và gần bệnh viện khi ốm đau.

Chuyện các cậu đặt ra khi sớm nhưng cũng phải đặt ra. Ai sẽ ôm bàn thờ gia tiên? Chắc là con cậu Hai hay là con cậu Ba rồi. Nếu như không người con trai nào của hai cậu xứng đáng với cửu huyền thì sao? Chuyện đó là của thế hệ các cháu đấy, theo quy luật, cậu Hai cậu Ba rồi sẽ theo cha mẹ, má cháu và dì út đi sau. Ai rồi cũng phải để gia tộc lại trên đời.

Từ đó mà nên suy nghĩ cho thấu đáo. Cậu Hai cúng ông ngoại cháu, dì út có đến chỗ cậu Hai không? Nếu không, sao bắt cậu Hai đến nhà dì út làm giỗ bà ngoại được? Vấn đề là ở chỗ đó. Ừ thì dì út xứng đáng, dì út có công, dì út có nguyện vọng giỗ má, sao không nghĩ rằng cậu Hai giỗ cha là đúng cương vị và cũng đâu không xứng đáng?

Cháu có tâm, cháu viết thư cho cô, cháu thấy buồn vì gia tộc bời rời. Vậy thì cháu phải cố gắng bắc chiếc cầu cho cậu Hai và dì út đi lại bình thường. Rủ cậu Ba cùng hành động nữa. Sao cho giỗ ông ngoại đầy đủ người ở nhà cậu Hai và giỗ bà ngoại đông đủ ở nhà dì út. Việc ai sẽ ôm bàn thờ sau khi cậu Hai già, tính sau. Đến lượt cậu Ba và ai sẽ thay cậu Ba, tính tiếp nữa. Đừng dồn mọi việc vào một thời điểm, khó xoay xở và rối ren thêm, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất