| Hotline: 0983.970.780

Thật là kinh khủng! Các cháu, nhất là cháu, phải nói cho thủng

Thứ Sáu 24/06/2016 , 07:15 (GMT+7)

Sao không kệ nó như đã kệ cháu, cháu đi du học, cháu lấy chồng, nhà có hỗ trợ gì đâu mà các cháu vẫn mua được nhà có đất rộng rãi?

Cô Dạ Hương kính mến!

Bố cháu là công nhân quốc phòng, mẹ nông dân, em trai cháu đang đi làm thử việc (chưa có lương). Nội và ngoại cháu đều là nông dân nhưng nội ít con, gia cảnh nghèo khó, ngoại thì khác: 9 người con, ông bà khôn ngoan sắc sảo nên giàu nhất xã.

Bố cháu là hình ảnh tiêu biểu của ông nội: sức khỏe yếu, có tâm hồn, thương vợ con hết mực nhưng không phải người căn cơ và quyết liệt. Mẹ cháu hưởng cái nết làm ăn cẩn thận của ngoại, nhưng lại rất nguyên tắc, bảo thủ. Ví như phải rửa nhà tắm và nhà vệ sinh trước khi tắm, tắm phải trước bữa cơm tối, vì vậy các bữa cơm nhà cháu đều gần vào 8 giờ tối.

Thời cháu bé, chế độ bao cấp dần qua, lương bố có tháng 200 nghìn, thậm chí chẳng nghìn nào mà còn nuôi cháu học đại học (dù không đóng học phí cũng cần 500 nghìn, chuyện thường). Bố từng trốn việc đi đào đá quý, đi buôn... mà không khá lên được. Mẹ cháu cực kỳ chịu khó, làm củ mỳ và nuôi lợn nhưng cũng còi cọc qua ngày.

Năm 2002, bố tích cóp được mua cho mẹ một ki-ốt ở chợ huyện. Lao đao không kể xiết, cuối cùng bố mẹ cũng xây được một căn nhà cấp bốn chỗ các cháu đã lớn lên. Sau khi về hưu, để lương ở nhà, bố đi làm thêm kiếm tiền trả nợ làm nhà, mẹ cháu thì vẫn bám ki-ốt, em trai cháu đi Hà Nội học.

Ba năm gần đây, xong nợ, bố về hẳn sửa chữa đồ điện để thêm vào với lương nuôi em cháu đi đại học. Mẹ cháu vẫn đều đặn lên chợ bán hàng và đều đặn... không có lãi (từ năm ngoái mẹ nghỉ chợ để trông cháu ngoại, chúng cháu có mua bảo hiểm nhân thọ cho bà). Dù hai vợ chồng công chức nhưng chúng cháu đã mua nhà trong ngõ, có đất đai rộng và bố thích như vậy.

Bố quyết định bán nhà đang ở (mặt đường) đi để tìm mua mảnh đất như kiểu của nhà cháu (và còn dư ra một ít nếu em trai cháu lấy vợ). Tưởng mới thì thầm nhờ chúng cháu vận động để đánh bại “cái lô cốt mẹ cháu”, nào ngờ ông đã bán phắt nhà cho người ta rồi. Dở mếu dở cười, bố là thế và mẹ “đổ bê tông”.

Một thời gian căng thẳng, người ở quê mách có mảnh đất đẹp, ngay gần nhà ngoại cháu. Bố muốn mua, mẹ vẫn nhất định không đồng ý bán nhà, vợ chồng cháu đành bàn nhau vay tiền cho ông (nhà mặt đường giữ lại, sau này bà bán ki ốt đi thì chỉ nợ một ít, vừa ý ông lại vừa ý bà).

Tưởng xong, nhưng bố muốn chuyển đổi triệt để, nói bà chia đôi nhà cho tôi tiền tôi đi! Thôi thì trong lúc này, mọi lời buộc tội đều đã nói ra. Mẹ cháu dù thế nào cũng vẫn là yếu thế, nức nở xuống xã cùng bố ký giấy bán nhà. Bà về quê cùng ông bảo với bác và bà ngoại mua một mảnh đồi đẹp giá 70 triệu và 20 triệu đất ở của bà ngoại.

Mọi chuyện sẽ chấm dứt ở đây nếu các bà bác và dì nhà ngoại không nhảy vào. Bác cháu bỗng đi tìm cho một cái nhà ở gần nhà bác và bắt bố mẹ cháu phải mua. Nghe từ bắt có lạ không cô? Đấy là điều cháu thấy khổ tâm, ngán ngẩm và cay cú nhất. Mọi người nói vợ chồng cháu không ra gì vì đồng ý để bố mẹ cháu về quê cho khổ sở.

Bây giờ thì mẹ ỳ ra đòi tự tử, bố về quê bảo với bác và ngoại là để từ từ, chưa chắc đã về ở được, ý ông muốn buông xuôi, mua quách cái nhà bác cháu muốn, nhưng nếu mua nó thì còn thiếu hơn 100 triệu mà ông lại muốn cố giữ cái mảnh đất đồi 70 triệu kia cho em cháu! Ba tháng qua nhiều việc hỗn loạn cô ạ.

********************

Cháu thân mến!

Thư lưu cho cô biết cô gái từng hỏi chuyện nên du học hay không vì bạn trai cùng cơ quan. Cháu báo tin đã học, đã cưới, đã sinh con và đang hạnh phúc.

Lá thư gần 5 trang về chuyện bố mẹ và đất cát mà đọc không thôi cô đã thấy hỗn loạn rồi. Làm sao mà bố lại như thế? Đứng núi này trông núi nọ ư, nhà các cháu là đồng lương viên chức, thích hợp với viên chức, bố về hưu nhưng cốt cách đã hoàn nông và mẹ thì chính hiệu nông dân, lên thành phố làm chi! Khổ thân ông ấy, kém cỏi mà ra bộ ta đây gia trưởng, bán nhà (mặt đường) lại không bàn một tiếng với vợ, có ai như thế không?

Đành rồi, đàn ông mà yếu tay lái thì thế đó. Một căn nhà cấp bốn sát mặt đường bao nhiêu kỷ niệm và công sức mà lại bán dễ dàng thế sao? Cái gốc nông dân của bố ở chỗ này: chỗ đời mình chưa có một ngày cất mặt lên được, con trai mới học đại học mà đã lo “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Sao không kệ nó như đã kệ cháu, cháu đi du học, cháu lấy chồng, nhà có hỗ trợ gì đâu mà các cháu vẫn mua được nhà có đất rộng rãi? Vấn đề thứ hai của bố là đây: Kém, lẩm cẩm mà tưởng mình hay lắm.

Thật là kinh khủng! Các cháu, nhất là cháu, phải nói cho thủng. Sức, tầm và lực của bố mẹ là ở trong quê, đất đồi và chỗ để ở gần ngoại. Tiền bán nhà dành cho việc đó, em trai cưới vợ, còn lâu. Nếu để thì nên để ki-ốt cho việc của em cháu, xong. Làm gì có chuyện dỗi nhau rồi chia đôi tiền, bố mẹ muốn con xấu mặt với chồng và nhà chồng con à? Cứ thế, cháu đã sang, cháu đã vững, cháu đã lớn, cháu phải có quyền trong việc này.

Bác và dì, vẫn nhà ai nấy ở, đèn nhà ai nấy rạng. Mua đất như bác “bắt”, không hợp với vị trí và thu nhập của bố mẹ, đúng, mẹ không lương và mẹ là nông dân nòi thì quê quán là thuốc của mẹ đấy. Làm sao là khổ sở khi đất đồi rộng, tha hồ làm lụng, điền viên, thanh sạch, có chỗ cho cháu ngoại cháu nội về tết về hè? Hai ông bà nông dân phải tự chăm nhau và phải có nhau, bao giờ khuyết đi một người sẽ tính tiếp. Không phát sinh nợ, ấy là hạnh phúc cho cả hai đôi, bố mẹ và các cháu. Em cháu đã trưởng thành, nên cho nó biết và cần, họp gia đình để quyết, không để ai xỉa xói, can thiệp cả.

Vậy nha, bình tâm, đừng để mình xáo trộn, mang nợ cho bố mẹ rồi chính vợ chồng mình lại lục đục. Còn bố mẹ, đôi nào già cũng hay cãi nhau, kệ họ, không có chuyện chia đôi tiền hay bỏ nhau đâu, đừng quá xót xa, rối.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.