| Hotline: 0983.970.780

Thất vọng

Thứ Ba 26/03/2013 , 10:27 (GMT+7)

Đám cưới của chúng tôi diễn ra rất hoành tráng. Người đến dự nườm nượp. Ô tô, xe máy đỗ chật cứng cả một bãi. Thực lòng, tôi không muốn như vậy.

Ảnh minh họa

Đám cưới của chúng tôi diễn ra rất hoành tráng. Người đến dự nườm nượp. Ô tô, xe máy đỗ chật cứng cả một bãi. Thực lòng, tôi không muốn như vậy.

Bố mẹ tôi đều là nhà giáo nghỉ hưu. Bản thân tôi cũng là người “Nhà nước”, không muốn bày vẽ khiến dư luận nghĩ là phô trương. Nhưng bên nhà anh cứ muốn làm thật “to” để đẹp mặt với thiên hạ. Bên nhà anh chi tiền hoàn toàn cho cả hai lễ cưới ở Hà Nội và ở quê tôi (một thành phố cách Sài Gòn gần 200 cây số).

Mọi việc diễn ra suôn sẻ khiến mọi người rất mãn nguyện. Hồi - chồng tôi tỏ ra rất vui. Chỉ riêng tôi là vẫn chưa xua đi được nỗi áy náy vì sự hoành tráng quá mức cần thiết khiến bên nhà anh chắc chắn phải rất tốn kém. Nhưng tôi không để lộ ra ngoài. Ngay sau khi đám cưới kết thúc, mọi người đã về hết, nhìn hộp tiền mừng, Hồi nói với tôi:

- Tiền mừng thì thế nào em nhỉ? Ai mở hộp và xử lý sao đây?

Tôi nói với anh không cần phải suy nghĩ:

- Theo em, chúng mình không nên bận tâm đến việc này. Cứ để bố mẹ mở và tùy các cụ.

Ý tôi nói đây là bố mẹ chồng. Tôi cho rằng các cụ bỏ tiền ra lo đám cưới cho chúng tôi nên việc họ cất giữ là tất nhiên. Nhưng Hồi nói:

- Các cụ chỉ nên giữ tiền của những khách của các cụ. Còn khách của anh và em thì chúng mình phải cầm chứ.

Tôi không ngờ Hồi nghĩ như vậy nên có phần thất vọng. Nhưng khi tôi đã không nói nữa thì anh vẫn cứ tiếp tục tỏ ra không đồng tình với tôi về việc xử lý những chiếc phong bì.

Rồi thì những giây phút “căng thẳng” cũng qua đi. Ngày hôm sau, khi chúng tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi tuần trăng mật ở Mũi Né theo kế hoạch đã ấn định thì nhận được tin mẹ tôi ốm nặng ở quê. Trong những ngày diễn ra lễ cưới, mẹ tôi đã mệt. Nhưng tôi không nghĩ là bà đổ bệnh nhanh như vậy.

Khi biết tin này, Hồi lo cho bố mẹ vợ thì ít mà buồn phiền về chuyến đi mất vui thì nhiều. Tôi đề nghị hoãn chuyến đi để cùng về quê thăm và chăm sóc mẹ thì chồng tôi đã không đồng ý, vẫn muốn thực hiện bằng được tuần trăng mật.

Lần này thì tôi thực sự thất vọng vì chờ đợi ở Hồi sự sốt ruột, lo lắng, chủ động đề nghị bỏ chuyến đi Mũi Né, chứ không phải là tôi đưa ý kiến trước và tự trách mình đã không tìm hiểu thật kĩ người đã lấy làm chồng. Trong thời gian yêu, do không có “kinh nghiệm” hiểu về đàn ông nên tôi đã không thể phát hiện ra tính ích kỷ, đơn giản đến vô tâm của Hồi.

Rồi thì Hồi cũng miễn cưỡng cùng tôi về quê thăm mẹ. Sức khỏe của bà rất đáng lo ngại, cộng với sự thất vọng về chồng khiến tôi không còn nghĩ suy gì ngoài việc mong cho mẹ chóng khỏi. Không khí trong gia đình những ngày tháng này thật nặng nề xuất hiện. Tôi cảm giác như có đám mây mù kéo đến bao phủ trong khắp căn phòng chúng tôi ở.

Nửa năm trôi đi, kể từ ngày cưới, tôi vẫn không có thai. Hồi tỏ ra sốt ruột. Bố mẹ anh lại càng nóng lòng hơn. Chúng tôi đến bệnh viện khám. Kết quả cả hai người đều bình thường, không có ai bị vô sinh. Thực ra, tôi chiều Hồi mà đi chứ hoàn toàn biết lý do chưa “đậu”. Đó là vì tôi luôn ức chế về tâm lý do thất vọng về chồng. Không hưng phấn khi “sinh hoạt”, làm sao tôi có thể thụ thai!

Để thoát ra không khí buồn tẻ, tôi quyết định xin cơ quan ra Hà Nội công tác một tháng với ý định để thử xem tình cảm của mình như thế nào. Nếu thực sự thấy nhớ, không thể thiếu Hồi, thì cuộc sống vợ chồng sẽ được duy trì, cải thiện. Nhưng nếu ngược lại, tôi sẽ nghĩ tới phương án chia tay, vì làm việc đó lúc này sẽ đơn giản hơn nhiều lúc đã có con.

Tôi không ngại dư luận mà coi trọng chất lượng cuộc sống, hạnh phúc đích thực. Và thật đáng buồn: Suốt một tháng xa chồng, chẳng những tôi không nhớ, mà còn thấy dễ chịu, thoải mái. Tôi không phải nghe những lời nói thiếu tế nhị, chứng kiến những việc làm không “chuẩn” của Hồi. Tôi cảm thấy hoàn toàn có thể sống mà không có anh.

Trở về Sài Gòn sau một tháng công tác, tâm sự với một người chị họ rất thân, tôi được chị khuyên là nên nói lời chia tay với Hồi sau khi nêu rõ lý do. Tuy nhiên, tôi đã không dễ thực hiện việc này. Đã nhiều lần, tôi định bàn nghiêm túc, nhưng không thể cất lời. Tôi cứ đắn đo mãi, kéo dài phải tới vài tháng nữa. Thế rồi một ngày kia ...

Hết giờ làm việc, không như mọi ngày, hôm ấy tôi rất buồn, muốn ngồi lại thêm một mình tại công ty để tĩnh tâm suy nghĩ thêm mọi chuyện thì nhận được cú điện thoại. Bấm máy, tôi nhận ra một giọng nam quen quen. Thì ra đó là Luân - người bạn nam ấy học cùng lớp 12 ngày trước.

Không hiểu sao đã 7 năm trôi qua, không một lần gặp lại mà Luân lại biết số điện thoại mới và hoàn cảnh của tôi hiện tại. Hồi cùng học, anh rất yêu tôi nhưng không được tôi đáp lại. Không phải tôi không cảm tình với anh mà chỉ vì lúc ấy cả hai đứa mới 17 tuổi, còn trẻ con, phía trước vẫn còn chặng đường dài học tập.

Sau đó, tôi đỗ đại học, Luân trượt. Nghe nói anh phiêu bạt lên tận Tây Nguyên kiếm sống vì gia đình rất nghèo. Giờ đây, anh chưa lấy vợ. Anh nói rằng 7 năm qua vẫn theo dõi từng bước đi của tôi, không thể quên được tôi và giờ đây sẵn sàng lấy tôi nếu tôi ly hôn.

Thưa các anh chị. Luân là một chàng trai tốt, học giỏi nhưng số phận đã xô đẩy anh tới cuộc sống vất vả suốt 7 năm qua. Nay anh đặt vấn đề nghiêm túc muốn cùng tôi xây tổ ấm. Tôi đã trỗi dậy ý muốn sớm chia tay Hồi để trở lại với Luân. Nhưng không biết có nên như vậy và mọi người sẽ nghĩ sao về tôi?

Tôi đang rối bời, e không đủ sự tỉnh táo để quyết định việc này. Rất mong nhận được ở các anh, chị lời khuyên chí tình. Tôi xin vô cùng cảm ơn. 

(Hoàng Bích Trang - Công ty Sao Việt, Quận 3, TP Hồ Chí Minh)

 

 

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

 

Sự thất vọng về chồng của bạn để rồi tình yêu mất đi là dễ hiểu. Nhưng cũng chẳng nên vì thế mà nghĩ đến chuyện chia tay ngay. Bạn hãy nói chuyện thẳng thắn, nghiêm túc với chồng và kêu gọi anh ấy thay đổi theo hướng tích cực. Sau một thời gian - chừng nửa năm - nếu tình hình không được cải thiện, có thể ly hôn.

Nhưng sau đó không có nghĩa dễ dàng đến ngay với Luân. Bởi 7 năm qua, bạn đâu có hiểu nhiều về “người xưa”. Cũng cần phải tìm hiểu kĩ Luân và lắng nghe sự mách bảo của trái tim. Hãy từ cuộc hôn nhân trước mà rút kinh nghiệm, phải không bạn?

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất