| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi diện mạo cả vùng

Thứ Năm 31/07/2014 , 10:26 (GMT+7)

Đầu tư hệ thống thủy lợi Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đã mang lại hiệu quả to lớn cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Hệ thống này giúp kiểm soát lũ một cách chủ động, mở rộng diện tích sản xuất (SX), tăng năng suất, sản lượng lương thực, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân…

Đó là nhận định chung của các đại biểu tham dự hội nghị Hội đồng quản lý hệ thống thủy lợi TGLX do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức tại TP Rạch Giá vào sáng 30/7.

Đóng góp hơn 5 triệu tấn lúa/năm

TGLX có tổng diện tích khoảng 488.935 ha, trải dài trên địa bàn 3 tỉnh: An Giang (239.203 ha), Kiên Giang (237.879 ha) và Cần Thơ (15.178 ha).

Trước đây, TGLX là một vùng hoang hóa, đất bị nhiễm phèn rất nặng nên sản xuất không hiệu quả. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, chương trình khai phá vùng đất này đã được Chính phủ và Bộ NN-PTNT chính thức khởi động với hàng loạt công trình thủy lợi được đầu tư. Lần lượt các kênh chính được đào mới và mở rộng như: Trà Sư, Tha La, T3, T4, T5, T6… nối từ kênh Vĩnh Tế thoát lũ ra biển Tây.

Hệ thống công trình kiểm soát lũ tuyến biên giới ngăn lũ tràn biên từ Châu Đốc đến kênh Hà Giang, cùng với đập tràn Xuân Tô, đập cao su Trà Sư, Tha La với cao trình đỉnh là 3,8m. Hệ thống công trình ngăn mặn biển Tây gồm 26 cống ngăn mặn ven biển và tuyến đê biển dài 74 km. Ngay sau khi được đưa vào sử dụng, các công trình này đã sớm phát huy tác dụng, biến cả “vùng đất hoang” thành cánh đồng lúa bao la.

Ngày nay, TGLX đã trở thành vùng SX lúa trọng điểm của ĐBSCL, không chỉ SX được 2 vụ ăn chắc mà nhiều nơi còn làm được 3 vụ/năm.

Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2014, diện tích gieo trồng vùng TGLX đạt hơn 858.000 ha, sản xuất lương thực được hơn 5 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 1/4 sản lượng của ĐBSCL.

Trong đó, vụ ĐX đã thu hoạch hơn 346.000 ha, vụ HT đã xuống giống 344.550 ha và kế hoạch vụ TĐ khoảng 144.400 ha.

Ông Đỗ Vũ Hùng, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: “Hệ thống thủy lợi trong vùng không chỉ giúp mở mở rộng diện tích lúa 2 vụ, tăng năng suất mà còn tạo điều kiện thuận lợi phát triển SX vụ TĐ, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.

Đồng thời, giúp cải tạo môi trường đất chua phèn, tạo nước ngọt cho nhân dân sinh hoạt và đem lại nguồn lợi thủy sản nước ngọt dồi dào. Bên cạnh đó, còn kết hợp hệ thống đê bao tạo cơ sở hạ tầng đầu tư giao thông nông thôn liên hoàn từ xã, huyện đến tỉnh, hình thành các cụm, tuyến dân cư, cơ sở hạ tầng khác phát triển theo, dẫn đến thuận lợi cho công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…”.

Bất cập nảy sinh

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, những nhiệm vụ chính khi bắt tay xây dựng hệ thống thủy lợi TGLX như: kiểm soát lũ, thau chua, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt… phục vụ phát triển SX đều đã đạt được. Tuy nhiên, quá trình phát triển đã nảy những vấn đề bất cập trong quản, vận hành hệ thống thủy lợi TGLX.

Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Kiên Giang cho rằng, các cống trên tuyến đê biển Kiên Giang được thiết kế với nhiệm vụ thoát lũ và ngăn mặn bằng cửa van tự động một chiều.

Tuy nhiên, cơ cấu mùa vụ hiện nay đã thay đổi, có những thời điểm cần phải đóng cưỡng bức để giữ ngọt phục vụ SX nên rất khó vận hành.

17-49-49_1-cong-thot-lu-ngn-mn-tren-tuyen-de-bien-ty-nhieu-nm-qu-d-pht-huy-hieu-qu
Cống thoát lũ, ngăn mặn trên tuyến đê biển Tây những năm qua đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Hơn nữa, mục tiêu trước đây là ngọt hóa vùng TGLX, nhưng hiện nay đã có những khu vực được quy hoạch chuyển đổi nuôi tôm nước lợ. Vì vậy, dẫn đến mâu thuẫn mặn – ngọt.

Tương tự, Cty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang cũng cho biết, hiện nay, cơ cấu mùa vụ đã thay đổi, lịch thời vụ giữa các tỉnh cũng không giống nhau nên việc vận hành đập cao su Tha La và Trà Sư để đáp ứng nhu cầu chung của cả khu vực gặp khó khăn.

Theo quy trình vận hành hệ thống kiểm soát lũ, hằng năm vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, sau khi diện tích lúa HT của 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang thu hoạch xong thì mở đập để xả lũ nhằm tạo điều kiện cho nông dân vệ sinh đồng ruộng, tháo rửa chất độc hại trong đất và tăng cường nguồn thủy sản tự nhiên cho vùng TGLX.

Tuy nhiên, những năm gần đây phải đóng đập ngay trong mùa lũ để bảo vệ SX vụ TĐ đã gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của thân đập, cụ thể đã xuất hiện các vết nứt trên thân đập. Sẽ không an toàn nếu vận hành đóng đập khi mực nước phía thượng lưu đạt cao trình trên 4 m.

Việc các địa phương mở rộng diện tích SX lúa TĐ cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng. GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, việc mở rộng diện tích lúa TĐ đã làm cho phần rải lũ trên vùng TGLX bị thu hẹp lại, làm cho đỉnh lũ dâng cao hơn và kéo dài hơn.

“Vì vậy, cần quy hoạch diện tích lúa TĐ ở mức phù hợp và tăng cường nạo vét các tuyến kênh để thoát lũ nhanh hơn”, GS Thắng đề nghị.

Ngoài ra, hiện nay hệ thống cống ngăn mặn trên tuyến đê biển Tây ở Kiên Giang cũng chưa hoàn chỉnh, còn một số cửa sông trên địa bàn TP Rạch Giá chưa có cống nên mùa khô nước mặn lấn sâu vào nội đồng.

Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT cần sớm đầu tư các cống này (cống kênh nhánh, kênh cụt và sông Kiên) để đảm bảo ngăn mặn, phục vụ SX. Vì hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên, nhất là vào cao điểm mùa khô.

Kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Lợi Lê Mạnh Hùng đánh giá cao vai trò của Hội đồng quản lý hệ thống thủy lợi TGLX.

Qua đó, đã khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi được đầu tư, thể hiện qua sự tăng trưởng ngoạn mục về năng suất cũng như sản lượng lúa, thủy sản hằng năm.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và các địa phương đang thực hiện tái cơ cấu ngành, cần rà soát quy hoạch lại diện tích từng loại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Về các cống hiện nay không còn phù hợp, Tổng cục Thủy lợi sẽ giao cho các đơn vị chức năng xem xét thiết kế, đầu tư lại để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm