| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi lối sống để phòng tránh đột quỵ

Thứ Bảy 24/06/2017 , 13:15 (GMT+7)

Trong vài năm trở lại đây, đột quỵ trở thành một nỗi ám ảnh của nhiều người. Căn bệnh nguy hiểm này đang có nguy cơ mở rộng sang đối tượng trẻ tuổi.

Chữa trị đối với bệnh nhận đột quỵ rất nan giải và tốn kém, vì vậy phải có thái độ tích cực phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn!

18-20-56_tr41
Ảnh minh họa

Đột quỵ (còn gọi tai biến mạch máu não) là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do sự cung cấp máu lên não bị ngừng trệ. Vùng não thiếu máu nuôi sẽ bị tổn thương và ngưng hoạt động. Vùng nào của não bị chết thì phần cơ thể tương ứng do vùng não đó điều khiển sẽ không hoạt động được, và kết quả là bệnh nhân đột quỵ với các triệu chứng như méo miệng, yếu hoặc liệt tay chân một bên, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc không nói được, hoặc hôn mê...

Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đột quỵ là 18%. Tuy nhiên, theo thống kê số bệnh nhân đột quỵ từ các địa phương khác chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại học Y Dược TPHCM, thì tỷ lệ tử vong lên đến 70%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân đột quỵ có 70 trường hợp tử vong. Số còn lại thường bị di chứng với các dị tật ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chính chế độ ăn uống không hợp lý, những áp lực cuộc sống và thói quen không tốt cho sức khoẻ đã và đang làm thay đổi độ tuổi mắc bệnh tim mạch. Áp lực cuộc sống, công việc và stress khiến bệnh nhồi máu cơ tim không còn là bệnh “độc quyền” của người lớn tuổi. Nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử một vùng tim, hậu quả của thiếu máu cục bộ cơ tim. Biểu hiện chủ yếu của nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực điển hình: đau nhói bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 20 phút và không đỡ khi dùng thuốc giãn động mạch vành (nitroglycerin).

Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng thượng vị. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có hoặc ít cảm giác đau: hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân tiểu đường hoặc tăng huyết áp. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác: vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn... Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch vành. Mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch.

Đột quỵ được chia làm 2 loại:

Nhồi máu não (thiếu máu não): Loại đột quỵ này chiếm khoảng 85% - 90% trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Nguyên nhân do tắc mạch máu não kéo dài, làm vùng não bị thiếu máu nuôi, dẫn đến tổn thương não không hồi phục (hoại tử mô não). Nếu mạch máu não bị tắc nhưng sau đó nhanh chóng tự thông lại được nên não không bị chết và các triệu chứng sẽ dần phục hồi trong 24 giờ. Trường hợp này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. 

Xuất huyết não (chảy máu não): Nguyên nhân do mạch máu trong não bị vỡ làm máu không đến nuôi não được mà chảy ra (xuất huyết) và gây chèn ép vào não làm não bị tổn thương.

Đối tượng nào dễ bị đột quỵ?

Tuổi càng lớn, nguy cơ bị đột quỵ càng cao; ngoài ra còn do tăng huyết áp; đái tháo đường (tiểu đường); rối loạn lipid máu; xơ vữa động mạch; bệnh tim, đặc biệt là bệnh lý rung nhĩ, hút thuốc lá, nghiện rượu; béo phì, ít vận động... Bệnh nhân đột ngột yếu, tê hay liệt mặt, tay hoặc chân (ở một bên của cơ thể); không nói được hoặc khó nói hay hiểu ngôn ngữ đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt; đột ngột nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng; chóng mặt không giải thích được do nguyên nhân gì, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động (đặc biệt chóng mặt đi kèm với bất kỳ các triệu chứng trên).

Những biểu hiện không thể bỏ qua

Đột quỵ nhỏ và cơn nhồi máu não thoáng qua: Cơn nhồi máu não thoáng qua (TIA) là đột quỵ có thể phục hồi, thường gọi là đột quỵ nhỏ. Đây là yếu tố nguy cơ lớn nhất có thể gây ra đột quỵ và là lời cảnh báo rằng bạn cần phải kiểm tra sức khỏe và có những sự thay đổi để đảm bảo không bị đột quỵ về sau.

18-20-56_tr41_1
Ảnh minh họa

Tiền sử gia đình về đột quỵ: Nếu bạn có thành viên gia đình từng bị đột quỵ, bạn có thể tăng nguy cơ đột quỵ do nếp sống, thói quen hoặc các yếu tố nguy cơ đột quỵ di truyền. Hãy đảm bảo là bạn báo với bác sĩ về tiền sử đột quỵ của gia đình.

Bệnh tiểu đường: Tiểu đường gây ra bệnh lý trong lớp lót thành các mạch máu trong cơ thể, bao gồm cả tim và não, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch máu não, dẫn đến đột quỵ.

Bệnh tăng huyết áp: Huyết áp cao có thể gây ra bệnh về mạch máu tiến triển chậm trong cơ thể, bao gồm cả bệnh tim và não. Bệnh về mạch máu có thể thành huyết tắc hoặc nguy cơ huyết tắc trong khắp cơ thể. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển của những mạch máu khiếm khuyết, mang hình dạng bất thường có thể bị vỡ nếu nó bị tác động bởi một sự thay đổi huyết áp lớn.

Cholesterol cao: Cholesterol cao có thể hủy hoại lớp áo trong của các mạch máu khắp cơ thể, bao gồm cả tim và não. Cholesterol có xu hướng hình thành và gây ra xơ cứng các mạch máu, làm tăng nguy cơ máu bị đóng cục trong mạch máu, cản trở việc cung cấp máu lên não.

Bệnh về mạch máu não: Bệnh về mạch máu não là tình trạng mạch máu cung cấp vận chuyển máu lên não bị hủy hoại.

Bệnh động mạch vành: Bệnh động mạch vành là khi mạch máu của tim bị tổn thương. Nó có thể hình thành những cục máu có thể di chuyển và kẹt lại tại mạch máu của não.

Bệnh van tim: Bệnh van tim có thể gây ra sự thay đổi trong dòng máu đi suốt cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim là kết quả của việc thiếu máu lên não đột ngột. Sau khi phục hồi từ nhồi máu cơ tim, một số người có thể bị loạn nhịp tim hoặc suy tim.

Loạn nhịp tim: Loạn nhịp tim là khi tim đập không bình thường, làm tăng xác suất hình thành cục máu đông có thể đi vào não, làm tắc nghẽn các mạch máu trong não.

Suy tim: Cơ tim trở nên yếu đi, gây khó khăn trong việc bơm máu hiệu quả.

Bệnh động mạch cảnh: Mạch máu ở cổ gọi là động mạch cảnh. Nếu động mạch cảnh co hẹp lại hoặc bất thường, nó có thể làm máu đóng cục và di chuyển gây tắc nghẽn mạch máu não.

Bệnh tim bẩm sinh: Bệnh tim bẩm sinh có khi mới sinh có thể gây ra rất nhiều vấn đề, bao gồm đột quỵ.

Nhiễm trùng/Viêm tim: Viêm nhiễm tại tim thường không phổ biến, nhưng nó có thể gây ra huyết khối, suy tim, và làm lan truyền sự nhiễm trùng hoặc viêm gây ảnh hưởng đến não.

Rối loạn xuất huyết: Khi xuất huyết bất thường, nó có thể dẫn đến mạch máu bị vỡ hoặc mạch máu trong não bị xuất huyết.

Rối loạn đông máu: Khi máu đông lại bất thường, nó có thể dẫn đến tạo những cục máu đông, được hình thành trong mạch máu não, hoặc những nơi khác trong cơ thể, di chuyển và làm tắc nghẽn tại não.

Mang thai: Với một số phụ nữ, mang thai làm tăng nguy cơ đông máu. Ngoài ra, một số các yếu tố nguy cơ liên quan đến đột quỵ khi mang thai bao gồm: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh van tim, rối loạn tăng đông, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh lupus, lạm dụng thuốc lá và các chất khác, và chứng đau nửa đầu

Thiếu máu hông cầu hình liềm: Thiếu máu hông cầu hình liềm gây ảnh hưởng đến đông máu và có thể gây đông máu vì do những tế bào hồng cầu có dạng hình liềm.

Bệnh tự miễn dịch: Một số rối loạn tự miễn dịch, như lupus, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ bởi làm tăng khả năng mắc bệnh về mạch máu và hình thành cục máu đông.

Nhiễm trùng nghiêm trọng: Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến việc hình thành cục máu đông, sự mất nước hoặc suy tim.

Phình mạch máu: Phình mạch máu là khi mạch máu có hình dạng bất thường, bệnh có thể xuất hiện từ khi lọt lòng. Mạch máu có thể rách khi huyết áp thay đổi quá mức hoặc do bệnh nặng.

Béo phì: Béo phì được thể hiện như một yếu tố nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, cholesterol cao và tiểu đường.

Lối sống ít vận động: Thiếu vận động cơ thể thường xuyên có thể làm tăng béo phì, cholesterol cao, và tăng huyết áp, những bệnh về tim mạch.

Bệnh AVM (Arteriovenous malformation – bệnh dị dạng động tĩnh mạch): Dị dạng động tĩnh mạch là khi mạch máu bất thường có thể bị vỡ, gây ra đột quỵ xuất huyết, hoặc huyết khối gây ra đột quỵ nhồi máu não.

Bệnh nhân nhiễm HIV: bệnh AIDS có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm hoặc ung thư, tất cả đều làm tăng nguy cơ đột quỵ .

Chú ý các biện pháp tránh thai: Các biện pháp tránh thai có thể làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông, đặc biệt là với những người hút thuốc.

Thường xuyên căng thẳng: Căng thẳng gắn liền với việc tăng nguy cơ bị đột quỵ do ảnh hưởng đến sự lưu thông máu, huyết áp và nội tiết tố khắp cơ thể.

Hút thuốc: Hút thuốc gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến lớp trong của mạch máu não đi khắp cơ thể. Ngoài ra, thuốc phiện/Thuốc nguy hiểm đặc biệt là thuốc gây kích thích mạnh như cocain và methamphetamine. Chúng có thể gây ra sự co thắt đột ngột các mạch máu cung cấp lên não, gây gián đoạn nguồn cung cấp máu.

Bệnh ung thư: Ung thư làm tăng khả năng đột quỵ và tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm và tụ máu, là những yếu tố có thể dẫn đến một cơn đột quỵ.

(Kiến thức gia đình số 24)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất