| Hotline: 0983.970.780

Thầy trò lo trở tay không kịp trước thay đổi thi THPT quốc gia

Thứ Sáu 09/09/2016 , 07:15 (GMT+7)

Học sinh nhẩm tính còn 10 tháng nữa là thi mà giờ vẫn chưa biết cấu trúc đề thi thay đổi ra sao, phải học trọng tâm những phần nào để có thể làm bài tốt.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, nhiều học sinh lớp 12 thấy lo lắng với các bài tổng hợp và theo hình thức hoàn toàn trắc nghiệm. Thu Hương, học sinh lớp 12 trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội), cho rằng phương thức thi THPT quốc gia 2017 đang làm khó thí sinh khi tổng hợp các môn thành bài thi Khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Công dân).
 
thay-tro-lo-tro-tay-khong-kip-khi-thay-doi-thi-thpt-quoc-gia
Học sinh đánh giá việc tổng hợp các môn xã hội vào một bài thi làm giảm thế mạnh của các em ở từng môn học. Ảnh: Ngọc Thành. 


Ngay từ đầu năm lớp 10, Hương đã đầu tư thời gian, công sức học các môn Toán, Lý, Hóa, Anh. Nếu đổi mới thực sự diễn ra, em sẽ phải ôn thêm cả môn Sinh thì mới có thể làm bài thi Khoa học tự nhiên. "Còn 10 tháng nữa là thi mà phải học 6 môn, đặc biệt phải học lại Sinh học từ đầu thì thực sự em không biết làm thế nào", Hương nói.

Từng tham khảo đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Hương nhận định chắc chắn đề thi trắc nghiệm đối với môn Toán không phù hợp. Bởi có những câu rất dễ và cũng có những câu rất khó. Với những bạn không có thế mạnh về môn Toán, số câu rất khó kia là thử thách lớn.

Hoài Anh (lớp 12 THPT Cầu Giấy) chia sẻ: "Áp lực từ việc học bài, nâng cao kiến thức, chọn trường, chọn ngành khiến bọn em mệt mỏi rồi, giờ lại còn phải học thêm nhiều môn để thích ứng với phương thức thi mới thì quá là đuối sức". Nữ sinh lo lắng từ giờ đến khi thi còn 10 tháng, trong khi Bộ chưa công bố đề thi minh họa, không biết cấu trúc đề thi ra sao, học những phần nào để có thể làm đúng và trúng.

Chọn học ban C với các môn Văn, Sử, Địa để thi vào Luật hoặc khối ngành xã hội, Hoài Anh băn khoăn nếu Sử, Địa mà thi trắc nghiệm lại vô tình hạn chế năng lực của học sinh. Các môn tự luận khối C yêu cầu thí sinh có khả năng viết, cảm nhận, phân tích, đánh giá chứ không đơn thuần là tính toán nên làm bài trắc nghiệm thì không hợp lý.

"Chưa kể kiến thức Lịch sử, Địa lý khá rộng, đôi khi bọn em chỉ nhớ tương đối rồi từ kiến thức nền mà viết ra. Giờ thi trắc nghiệm với 4 đáp án và chỉ chọn một thì học sinh phải nhớ chính xác tuyệt đối, chỉ cần nhầm lẫn chút là mất điểm ngay. Chuyển từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm thì nhiều bạn sẽ học theo kiểu nhồi nhét, cố nhớ để rồi thi xong quên luôn", Hoài Anh phân tích.

Vừa thi trường Sỹ quan Lục quân nhưng không đỗ, Nguyễn Ngọc Thắng (Hoài Đức, Hà Nội) dự định thi lại, nhưng khi biết phương án tuyển sinh mới thì ý định bị lung lay. Thắng cho biết nếu thi tổng hợp thì không biết phải ôn luyện trọng tâm vào phần nào. Hơn nữa, việc thi 50 câu trắc nghiệm Toán trong 90 phút là không khả quan. "Nếu đổi kiểu cách thi hay phương thức nộp hồ sơ thì còn có thể thích nghi ngay, nhưng đổi cấu trúc đề thi thì thực sự quá khó, đặc biệt là những bạn có ý định thi lại như em", Thắng chia sẻ.

thay-tro-lo-tro-tay-khong-kip-khi-thay-doi-thi-thpt-quoc-gia-1
Nhiều giáo viên cho rằng, việc thay đổi cần có lộ trình để cả thầy và trò có thể thích nghi. Ảnh: Ngọc Thành.


Chung mối lo với học sinh, cô Hà Kim Thúy (Việt Trì, Phú Thọ) vừa là giáo viên dạy Toán cấp 3, vừa là phụ huynh có con học lớp 12 cho rằng thi Toán trắc nghiệm 50 câu là không khả quan. Dù thi 4 hay 5 bài thì các em vẫn phải học tất cả môn, gánh nặng không nhẹ bớt mà thế mạnh ở từng môn lại giảm đi đáng kể. Theo cô, Bộ nên xem lại lộ trình, lấy ý kiến để sửa đổi cho phù hợp, áp dụng cho kỳ thi các năm sau để cả giáo viên, học sinh có thời gian chuẩn bị.

Cô Nguyễn Hương, giáo viên dạy Lịch sử lớp 12 cho biết đến giờ học sinh nông thôn nơi cô dạy vẫn chưa biết kỳ thi THPT quốc gia có thể thay đổi. Cô thấy thực sự lo lắng cho tương lai môn Sử nếu nó trở thành một phần trong bài thi tổng hợp Khoa học xã hội. Mong muốn học sinh không học tủ, học lệch của Bộ Giáo dục hoàn toàn đúng, nhưng có thể phản tác dụng, khiến các em rơi vào cảnh học nhồi nhét, đối phó với kỳ thi.

"Môn Lịch sử hiện đã bị xem nhẹ, nếu thi trắc nghiệm thì học sinh sẽ vì áp lực thi cử mà học đối phó, thi xong chữ thầy trả lại cho thầy, vì nhiều em vẫn mang tâm lý thi gì học nấy", cô Hương nói. Chưa kể học sinh nông thôn, vùng sâu không được cập nhật tin tức thường xuyên. Chờ đến lúc Bộ sửa quy chế thi THPT quốc gia, các Sở Giáo dục cho giáo viên tập huấn, phổ biến lại, các em sẽ phải mất thêm thời gian để "thấm" quy chế mới, trong khi tháng 6 năm sau đã thi.

Cô Mai Phương, Giám đốc một trung tâm tiếng Anh, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh trên truyền hình thấy "sốc" trước phương án thi tiếng Anh bằng 40 câu trắc nghiệm trong 60 phút. Theo cô, một bài thi đánh giá năng lực như vậy quá ngắn và đầy chủ quan. Việc rút ngắn bài thi tiếng Anh không giúp cho học sinh đỡ căng thẳng, thậm chí độ khó của bài thi sẽ cao hơn vì còn để xét tuyển đại học. Nhưng độ khó đó chưa chắc đánh giá được năng lực của học sinh.

So sánh với các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế, cô Phương cho biết bài thi IELTS kiểm tra 4 kỹ năng kéo dài hơn 3 tiếng, bài thi TOEIC có 100 câu trắc nghiệm thi trong 120 phút và kiểm tra được 2 kỹ năng. Với 40 câu trong 60 phút như ở Việt Nam cùng với hệ thống loa đài không đảm bảo thì không thể kiểm tra được kỹ năng nào. Thậm chí, kỳ thi tiếng Anh Cambridge cho cấp tiểu học thời gian làm bài cũng không ngắn đến vậy.

Mặt khác, một bài thi dùng để xét tuyển đại học cần đo lường chính xác khả năng của học sinh. Nếu chỉ có trắc nghiệm, một bộ phận học sinh sẽ vượt qua nhờ may mắn. Cô Phương đánh giá, cấu trúc đề thi năm 2016khá phù hợp, đánh giá học sinh tương đối toàn diện. Khả năng nếu phương án dự kiến này được áp dụng, các trường đại học sẽ có bài thi đánh giá riêng bên cạnh bài thi của Bộ.

Theo dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, thí sinh thi THPT quốc gia sẽ làm 5 bài thi tổng hợp, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Trừ Ngữ văn thi tự luận, làm trên giấy do giáo viên chấm, 4 bài còn lại theo hình thức trắc nghiệm chấm trên máy. Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Đề các bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm với 4 lựa chọn và chỉ một phương án đúng. Bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Ngoại ngữ có 40 câu.

Năm 2017 nội dung đề thi sẽ chủ yếu trong chương trình lớp 12. Năm 2018, nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12; từ năm 2019 trở đi nằm trong chương trình 3 năm THPT.

 

(vnexpress.net)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất