| Hotline: 0983.970.780

Thế chấp… quần đùi

Thứ Ba 08/05/2018 , 09:05 (GMT+7)

Vài năm nay, dân xóm Gáo cũng có thay đổi. Gọi là thay đổi tý chút. Trước đây trong các đám hiếu, hỉ, bao giờ cũng có chiếu “tổ tôm”.

Mới đầu chỉ các cụ chơi cho vui. Sau thì đám trung niên, thanh niên cũng tham dự. Ấy là mới đầu. Bây giờ thì đã “nâng cấp” lên thành chiếu bạc hẳn hoi. Tức là không phải nhân chuyện hiếu hỉ mới có “chiếu”, mà hầu như ngày nào cũng có. Chơi cò con thôi. Mỗi chiếu chỉ ba, bốn người. Đông nhất mới tới bảy, tám người.

Không hiểu vì chơi cò con, nên thôn, xã không thèm sờ tới, hay vì thỉnh thoảng các vị chức sắc cũng thường xuyên mò tới? Chỉ biết nó vẫn tồn tại từ mấy năm nay.

Dù chơi cho vui, nhưng ông Thới cũng không tham dự. Chỉ có một lần, ông Thoại ở xóm trên, nhận được khoản tiền gì không biết, mời ông Thới đi nhậu thịt chó. Thịt chó, ắt phải có rượu, nên khi ngà ngà, ông Thoại liền rủ ông Thới vào “chiếu”. “Ông cứ đánh, được thì đút túi, thua tôi bao”.

Ông Thoại đã nói thế, tội gì mà không chơi? Vậy là ngồi vào chiếu… Ở chiếu đã có ba ông, thêm hai ông là năm. Đặc biệt có hai cô “hương đồng gió nội” ngồi góp vui. Cũng chẳng phải loại sắc nước hương trời gì, chỉ được cái gái quê, cứ chắc như cua gạch. Các cô ngồi góp vui, nhưng cũng giúp các cụ đưa điếu, châm đóm, rót nước. Cụ nào số son, thì thưởng cho các cô chút đỉnh. Đưa bao nhiêu, lấy bấy nhiêu, chẳng vòi vĩnh gì.

Lại nói chuyện ông Thới ngồi vào chiếu, có ông bạn bao, chẳng ngờ chơi vui, mà ông cứ thắng đều đều. Đến mức khi rời chiếu, số tiền thắng đã gần triệu bạc. Thì đã nói, đây là chơi cò con, nên triệu bạc đâu có nhỏ? Rồi theo đúng lệ, ông thưởng cho mỗi cô “hương đồng gió nội” hai chục, khiến các cô cười tít mắt, lại còn nói: “Tối mai ông lại chơi. Con hầu ông là ông có lộc đấy!”.

Thế mới biết, cái bả đỏ đen nó ngấm vào người lúc nào không ai hay. Và tối hôm sau, ông Thới vào chiếu thật. Lần này không có ông bạn đi theo để “bao”, nhưng ông cần gì. Ngót triệu bạc cồm cộm trong túi, mà ông nghiệm ra, đúng là có lộc thật, thậm chí có “quý nhân phù trợ”. Bởi thế, ông tự tin lắm.

Lần này, ông Thới không trúng đậm như lần đầu. Nhưng cũng thắng. Có người chơi chỉ có thua (thế mà vẫn ham, vẫn không bỏ). Có người chơi lúc thắng lúc thua. Chưa có ai như ông, chơi là thắng. Lại được mấy đứa “hương đồng gió nội” bốc ông đến mây xanh, mời ông ngày mai chơi tiếp.

Đây là lần thứ ba ông vào chiếu. Nhưng lần này không tổ tôm, cũng không tá lả. Lần này chơi “đỏ đen”. Mỗi người đặt cược trong ô của mình. Đặt bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Đặt mười ngàn, thua mất mười ngàn, được là hai mươi ngàn. Cứ thế suy ra, đặt năm trăm ngàn, thắng thu một triệu.

Lần đầu ông Thới đặt năm mươi ngàn. Khi chủ xướng “được”, ông tiếc ngẩn ngơ. Biết thế đặt năm trăm, một triệu. Nghĩ vậy nhưng lần sau, ông đặt có hai trăm ngàn. Ơ hay! Ông lại thắng. Thôi đúng là có quý nhân phù trợ rồi. Mạnh tay lên. Mà phải máu lên. Được ăn cả, ngã về không. Sợ gì?...

Không biết do ông hết may, hay đây chính là cái trò lão luyện của bọn cờ bạc bịp, khi ông Thới đã “say”, thậm chí vay tiền của mấy con nhỏ, để cất một mẻ lớn, thì ông thất bại. Ông mất sạch sành sanh. Lại thêm món nợ. Đến khi “khát nước” ông bèn bảo con nhỏ cho ông vay thêm, để gỡ.

Con bé liền kéo ông vào cái buồng ngay cạnh, thì thào: “Thế này, bố nhá! Vay tiền, bố phải thế chấp” “Tao có cái chó gì mà thế chấp?” “Có đấy! Để làm tin thôi mà. Bố… cởi cái quần đùi, đưa con, là xong. Mai bố giả tiền, con đưa lại bố cái quần”. “Thế mày lấy cái quần rách này làm gì?” “Bố cứ lằng nhằng. Thôi vậy”. “Thì đây”…

Chuyện chỉ có thế. Nhưng vấn đề là sau khi vay tiền, vào chiếu, ông Thới lại nướng sạch. Vậy là ra về tay không, lại mang cục nợ tướng. Thôi thì…thôi thì mai xoay cái khoản tiền nào, để trả?

Thức khuya, nên ngày hôm sau ngủ muộn. Còn đang lơ mơ, ông Thới đã nghe ai gọi ngoài sân. Bà vợ sồng sộc chạy vào, giọng sẵng: “Ông ra xem có con cò con vạc nào, nó cần gặp ông, kia kìa!”. Ông Thới lật đật đi ra, giật nảy mình thấy cái con “hương đồng gió nội” hôm qua.

Ông vội bảo nó ra cổng, gắt khẽ: “Mày sang đây làm gì?” “Ơ hay! Tối qua ông vay tiền của con. Ông quên rồi à?” “Không quên! Nhưng tao chưa có tiền. Cho tao khất”. “Được! Cho ông khất đến tối nay. Nếu tối nay, ông không chồng tiền đủ, thì con nói trước, con sẽ đến đòi bà. Ông nhớ, hôm qua ông “thế chấp” cái gì rồi chứ?”.

Ông Thới mặt tái xám. Bây giờ ông mới hiểu ra, vì sao nó lại bảo ông thế chấp…cái quần đùi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm