| Hotline: 0983.970.780

Thêm một nguồn lực xây dựng NTM

Thứ Sáu 01/06/2012 , 10:02 (GMT+7)

Dự án TNSP đã tạo ra một nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Sau gần 2 thập kỷ phối hợp thực hiện hiệu quả 2 dự án, năm 2011, Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tiếp tục hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang thực hiện Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP). Theo đánh giá, dự án tạo ra một nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn.

Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang được triển khai từ tháng 4/2011. Ông Hà Văn Hòa, Giám đốc Ban điều phối Dự án TNSP, cho biết, dự án không chỉ đơn thuần hỗ trợ nông dân sản xuất để xóa đói giảm nghèo mà sẽ thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phát triển thị trường thông qua việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia theo định hướng thị trường, phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa nông lâm thủy sản, tăng cường hợp tác công tư và mở rộng phạm vi các hoạt động giao cho xã làm chủ đầu tư.

Mục tiêu phát triển của dự án là khuyến khích các hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số tại 64 xã nghèo của 6 huyện tham gia vào các hoạt động kinh tế sinh lời bền vững. Dự án sẽ triển khai 3 hợp phần: Tăng cường năng lực để thực hiện Nghị quyết Tam nông; Phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa vì người nghèo; Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có sự tham gia theo hướng thị trường.


Ban điều phối Dự án TNSP kiểm tra thực hiện chuỗi giá trị cam tại huyện Hàm Yên

Trong năm đầu tiên thực hiện, dự án đã giải ngân gần 40 tỷ đồng, triển khai hoạt động tại 15 xã với sự tham gia của hơn 13.000 hộ dân. Với hợp phần "Tăng cường năng lực để thực hiện Nghị quyết Tam nông", dự án đã huy động một lực lượng lớn các thành viên ban điều phối là các sở ban ngành của tỉnh vào cuộc. Ông Trần Văn Lương, PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, cho biết, qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, người dân và một đội ngũ rất lớn cán bộ có điều kiện hiểu biết về hội nhập vào kinh tế thị trường trong nước và quốc tế, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng cao.

Đối với việc phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, TNSP đã xây dựng và phát triển 6 chuỗi giá trị tiềm năng của Tuyên Quang (keo, lạc, rong giềng, cam, trâu và lợn); thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất 1 vụ, mô hình ngô lai, ủ chua thức ăn cho gia súc…

Đánh giá về hiệu quả thực hiện của dự án, ông Vũ Trọng Bình, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho biết, những dự án do IFAD tài trợ ngoài những giá trị có thể thống kê được còn góp phần tích lũy những giá trị, tư duy và nâng tầm nhận thức rất ích lợi cho cả hệ thống chính trị và người nông dân, đặc biệt là người nghèo. Chính vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh (1 trong 3 tỉnh được IFAD tài trợ dự án) đã coi TNSP là một trong những nguồn lực để lồng ghép với Chương trình MTQG xây dựng NTM. Việc triển khai có hiệu quả dự án tại Tuyên Quang là cơ sở để tổng kết và nâng tầm TNSP thành chính sách của tỉnh cũng như có thể nhân rộng trên địa bàn cả nước.
Ông Nguyễn Thọ Lai, PGĐ Sở NN - PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản được hầu hết các cơ quan thành viên của Sở NN - PTNT thực thi với các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hàng ngàn cán bộ và nông dân tham gia.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện chuyển giao KHKT canh tác cho gần 2000 nông dân chủ chốt; Chi cục Thủy sản tổ chức tập huấn nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính; Chi cục Thú y xây dựng 12 điểm an toàn dịch bệnh trên địa bàn 6 huyện thực hiện dự án và được đầu tư trang bị lượng lớn phương tiện, dụng cụ thú y…

Là một trong những đơn vị thành viên của Ban điều phối dự án TNSP, bà Vương Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang, cho biết, TNSP đã mang lại những lợi ích kinh tế, xã hội quan trọng trên địa bàn, đó là: Trao quyền cho cộng đồng, đặc biệt là các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao thông qua việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp phụ nữ tiếp cận tốt hơn với các loại hình dịch vụ, thông tin và thị trường; đồng thời giúp họ tích cực tham gia vào quá trình ra quyết định tại gia đình và cộng đồng; tạo việc làm và nâng cao sự hiểu biết của nông dân; xây dựng các tổ chức thôn bản vững mạnh hơn để quản lý nguồn lực của thôn bản có hiệu quả, bền vững; tăng giá trị các sản phẩm tiềm năng của khu vực nông thôn thông qua các chuỗi giá trị hàng hóa; nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn để thúc đẩy kinh doanh các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Theo kế hoạch, năm 2012, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang sẽ giải ngân nguồn vốn lên tới 146 tỷ đồng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.