| Hotline: 0983.970.780

Theo chân gia cầm

Thứ Tư 20/11/2013 , 10:09 (GMT+7)

“Muốn chuyển gia cầm từ Bằng Tường - Trung Quốc về Việt Nam ư? Quá dễ dàng” - bà Nguyễn Thị Dinh, một người bán gạo ở cổng chợ Bằng Tường cho biết.

“Muốn chuyển gia cầm từ Bằng Tường - Trung Quốc về Việt Nam ư? Quá dễ dàng” - bà Nguyễn Thị Dinh, một người bán gạo ở cổng chợ Bằng Tường cho biết.

>> Thâm nhập ''thủ phủ'' gia cầm lậu

Nhập chợ

Chúng tôi đứng ở chợ thực phẩm, bên cạnh những con gà, vịt ôi, phơi ngửa trên tấm cát tông ruồi nhặng bâu đen. Chợ thực phẩm được ngăn cách với chợ gia cầm bằng một con sông nước đen ngầu, bốc mùi khủng khiếp.

Từ cổng chợ, tôi thấy la liệt các loại trứng gà, trứng vịt. Trông mẫu mã không được đẹp, thậm chí có những quả bị bẹp vỏ, rạn nứt, quả to quả nhỏ.

Bà Dinh bảo: “Đó là trứng do những con gà mái trong lồng kia đẻ cố. Những con gà đẻ này già rồi, đẻ kém nên người ta mới bán. Thứ gà ấy ăn có ra cái gì đâu, chỉ được cái già thì thịt dai. Ấy vậy mà lại là điểm ngắm của dân buôn gà lậu. Bởi lẽ, người Việt cứ nghĩ gà dai là gà đồi chứ kỳ thực có biết đó là loại gà bỏ đi của Trung Quốc đâu... Đi, tôi đưa anh đi để xem cho rõ”.

Đầu tiên chúng tôi tiếp cận gian hàng có những con gà mái như bà Dinh nói, con nào con nấy lông đã chuyển màu, xác xơ.

Qua bà chủ tên Thanh, chúng tôi được biết những con gà mái xấu mã kia giá chỉ 10 đồng nhân dân tệ/kg tức bằng 33 nghìn đồng tiền Việt/kg. Còn với những con gà chưa thực sự già thì có giá nhỉnh hơn, 12 NDT/kg tức bằng 38 nghìn đồng. Với giá của những con gà đẻ 3 - 4 lứa hoặc với gà trống thì lại khác, tương đương từ 14 - 16 NDT/kg. Và dĩ nhiên, nếu chúng tôi lấy nhiều sẽ được bán với giá hữu nghị để tạo mối làm ăn lâu dài kèm lời khuyên nên mua gà loại thải cho rẻ.


Bà chủ Thanh đang tiếp thị về gà của mình

Đi vòng một lượt, chúng tôi đếm được chợ có 12 dãy hàng, mỗi dãy lại có 6 - 8 gian hàng, tổng cộng có trên 70 gian hàng. Có gian hàng bán đủ loại từ chim, bồ câu, cho đến gà, vịt, ngan, ngỗng. Có gian hàng chỉ bán gà trống, gian bán gà mái thải, gian bán gà con. Các gian hàng được dựng bằng lồng sắt, chia làm các tầng để nhốt gia cầm. Những ông chủ không ngồi ở gian hàng của mình mà tập trung hết ngoài cửa chợ, chờ đợi mối lái đến lấy hàng.

Ở đây không có tính chất bán lẻ nên việc chèo kéo mời chào khách mua một vài con không mặn mà lắm ngoại trừ một vài ông chủ hết hàng. Dĩ nhiên, khi tôi hỏi mua về Việt Nam với số lượng lớn họ gật đầu với nhau ngay để tôi tự chọn gà, trúng đàn nào thì ông chủ của đàn gà đó sẽ ra bàn bạc, trao đổi giá cả và phương án vận chuyển.

Tôi tỏ vẻ băn khoăn về cách vận chuyển gà về nước? Ông chủ tên Cường giải đáp: Thường họ để con sống, bỏ vào sọt, cho lên ô tô chở đến biên giới. Hoặc không muốn thì vận chuyển đến lò mổ, sau đó bỏ vào thùng xốp chở đi cho thuận tiện, cả hai cách cách nào cũng được cả.


Ông chủ Cường đang lý giải về con đường đi khi chúng tôi có ý định mua với 
số lượng lớn

Những lò giết mổ gia cầm, gia súc mà chúng tôi đã nói ở bài trước đều do những ông chủ, bà chủ này đứng sau. Khi khách hàng có nhu cầu thì chuyển xuống cho lò mổ giết thịt và đóng thùng, đợi ô tô đến và cơ quan chức năng phất cờ là chở đi tiêu thụ hoặc đưa ra khu vực biên giới Việt Nam và dĩ nhiên bên kia đã có bao biên lo liệu.

Chúng tôi bắt gặp những ánh mắt không vui khi hỏi hết cửa hàng này đến cửa hàng nọ mà không lựa chọn được mối hàng nào. Dù biết rằng ngoài bà chủ tên Thanh, ông chủ tên Cường… còn có nhiều người muốn bắt tay làm ăn khi biết tôi có ý định vận chuyển gà về Việt Nam tiêu thụ.

Con đường về

Bà Dinh bảo, ở đây làm ăn rất có nguyên tắc. Khách hàng của ai thì người ấy tiếp đón. Anh vừa hỏi cửa hàng này xong, đi sang hỏi cửa hàng khác là họ không thích, lúc đó họ sẽ ngầm báo cho nhau đồng loạt tăng giá giống như kiểu: Mày không mua thì đừng có hỏi rồi để đó, chúng tao sẽ cho giá gấp đôi cho mày biết thế nào là làm ăn bên đất Trung.

Bà Dinh cho biết, việc vận chuyển gà về Việt Nam đã được bảo kê hay đúng hơn là một sự tiếp tay của cơ quan chức năng phía Trung Quốc. Cũng bởi thế, nếu không phải là khách hàng trực tiếp của họ thì họ không tiết lộ ai sẽ là người chịu trách nhiệm vận chuyển gia cầm ra khu vực biên giới cho mình, cũng như lực lượng nào bảo kê, sắp xếp lịch, thời gian, lịch trình cho mình đi. Không phải ngày nào người ta cũng chuyển gia cầm ra biên giới là vì vậy.


Chợ gia cầm ở Bằng Tường

Vì hôm nay là ngày cấm nên không có xe hàng nào chạy ra biên giới. Chứ như mọi ngày, cứ sau nửa đêm, chợ này lại nhộn nhịp khi người ta bốc gia cầm lên xe rồi nhằm thẳng hướng cửa khẩu mà chạy, bên kia đã có người túc trực nhận hàng.

Cũng theo bà Dinh, những con gia cầm này đa phần được chuyển về chợ Lũng Vài - Trung Quốc, bên mình là cửa khẩu Cốc Nam, tiếp giáp chợ Đồng Đăng của Lạng Sơn. Còn đi theo đường nào về Việt Nam thì có thể đi các nhánh đường rừng khác nhau, khi đi sẽ có người dẫn đường, ra hiệu.

“Tháng trước tôi về nước, đi qua cửa khẩu Cốc Nam thấy người ta vận chuyển gà về rất nhiều, chả cần giấu diếm gì mà công khai như chốn không người” - bà Dinh nói. Và đó cũng là lời khẳng định mà bà chủ quán bánh mì đã nói cho chúng tôi nghe trước khi qua biên.

Lê Xuân Dương (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là cửu vạn chúng tôi quen khi từ Bằng Tường đi ra biên giới. Tôi hỏi Dương có biết người ta vận chuyển gia cầm về Việt Nam như thế nào không? “Có chứ, đầy!” - Dương cho biết và nói thêm: “Tôi làm ở đây mấy năm rồi, các loại hàng thơm, thối tôi đã ngửi qua hết. Gà, vịt đông lạnh bốc mùi cũng chả thiếu. Gì chứ dăm bảy hôm lại có một vài công (container) chở hàng đông lạnh sang Việt Nam. Chúng tôi nhận nhiệm vụ bốc hàng nên nắm được hết mà”.

Dương hẹn sẽ gặp tôi sau khi xong việc, giờ anh phải về bốc hàng, nghe đâu có mấy công hàng đông lạnh từ thành phố Nam Ninh mới về. Còn tôi, tôi quay lại đường rừng, tìm gặp “người gác cổng” ở ranh giới giữa hai nước, bà là Trịnh Thị Đại, trú tại Tân Mỹ - Văn Lãng.

Con đường mòn nối liền hai nước này đi qua đất của bà Đại, và bà sắm cho mình một vị trí đẹp rồi ngồi đó, hàng ngày người ta đi qua đều phải đóng tiền cho bà: Đi bộ thì 1 - 2 nghìn đồng, vác hàng thì 5 - 7 nghìn đồng.


Bà Đại - người gác cổng nắm rõ mọi hoạt động của giới cửu vạn chuyên vận chuyển gia cầm bằng đường rừng

Bà cho biết, mỗi ngày đêm bà cũng thu được ít nhất 500 nghìn đồng. Từ số tiền ít nhất mỗi ngày đó cho ra kết quả mỗi ngày có bao nhiêu lượt người đi và vác hàng qua cung đường này, đặc biệt về đêm thì tiền bà thu vào gấp bội lần ban ngày.

Bà nắm khá rõ, trong những thùng hàng mà cửu vạn vác qua đất nhà bà là những hàng gì. Riêng đối với gia cầm đông lạnh được bỏ vào thùng thì bà khẳng định: “Nhiều! Thùng to, thùng nhỏ, tối đến người ta đều vác qua đường này, bên cạnh đó là đầy rẫy các mặt hàng khác. Cũng vì ngày nào cũng gặp toán cửu vạn nên tôi có biết một số người chuyên vận chuyện gia cầm qua đây…”.

Tất nhiên, đây không phải là con đường độc đạo mà còn rất nhiều con đường khác. Cách vị trí chúng tôi đang đứng 2km là con đường 06 – con đường của gia cầm lậu, những con gà sống được đi qua đường này. Tuy nhiên, đã có nhiều người ú ớ bước vào con đường đó và trở ra với khuôn mặt biến dạng, hoặc cơ thể bầm dập do toán người vận chuyển gà lậu, nhóm bao biên bủa vây hành hung... (Hết)

Tiếp tục khẳng định trong khu vực mình quản lý không có tình trạng buôn bán vận chuyển gia cầm qua biên giới, ông Trần Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam đưa chúng tôi đi gặp đầu bếp trong cơ quan để hỏi.

Nghe Chi cục trưởng hỏi, người đầu bếp thật thà: Việc người ta vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc sang là có. Tuy nhiên, họ đi bằng đường rừng, cách đây không xa lắm. Tôi có biết con đường đó!

Giải thích lại cho tôi, ông Hùng cho rằng: “Con đường 06 là con đường đi của giới buôn gia cầm, nhưng không thuộc quản lý của chúng tôi mà thuộc quản lý của biên phòng.

Tốt hơn hết là anh không nên vào con đường đó, kẻo lại bị đánh chết không tìm thấy xác. Nhiều nhà báo bị vây đánh trong cung đường đó lắm rồi…”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất