| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 06/06/2015 , 08:26 (GMT+7)

08:26 - 06/06/2015

Thi đại học và sự bất ổn của định hướng nghề phổ thông

Kết quả một cuộc khảo sát của Viện Khoa học xã hội vào năm 2010 cho thấy khoảng 85% học sinh chỉ hiểu sơ sơ hoặc không biết gì về ngành nghề mà mình đã lựa chọn. 

Vừa rồi, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đánh giá thí sinh trước khi kỳ thi đại học diễn ra. Rồi đây, hàng trăm nghìn phụ huynh và học sinh cũng sẽ khăn gói đưa nhau đi thi với quyết tâm vào Đại học bằng mọi giá. Nhưng vào để làm gì?

Hãy xem kết quả một cuộc khảo sát của Viện Khoa học xã hội vào năm 2010 với các học sinh trung học về việc lựa chọn nghề nghiệp. Cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 36,4% số học sinh hoàn toàn tin tưởng rằng những ngành nghề mà các em đã chọn và dự định sẽ học là hoàn toàn phù hợp với các em; 40,9% còn băn khoăn không biết ngành nghề đã chọn có thật sự phù hợp với các em không; 12,1% không biết sau này có xin được việc làm đúng nghề đã học không và 10,6% số học sinh cảm thấy khó trả lời.

Kết quả này cũng cho thấy, khoảng 60% số học sinh có biết sơ sơ về các công việc cụ thể của những người lao động làm trong những ngành nghề mà các em đã chọn hoặc nơi làm việc của những người có chuyên môn ngành đó, khoảng 15% biết rõ, số còn lại là không biết gì về những điều này.

Ở kết quả thứ nhất, dễ thấy là có rất nhiều, trên 60% học sinh không tin rằng ngành nghề mà mình lựa chọn là phù hợp với mình. Trong khi đó, kết quả thứ hai cho thấy khoảng 85% học sinh chỉ hiểu sơ sơ hoặc không biết gì về ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Để ý tiếp thì chúng ta sẽ thấy một điều nữa, khá hài hước là chỉ có khoảng 15% học sinh biết rõ về ngành nghề đã lựa chọn nhưng lại có tới 36,4% hoàn toàn tin tưởng rằng những ngành nghề mà mình đã chọn và dự định học là hoàn toàn phù hợp. Không hiểu rõ mà vẫn tin tưởng rằng mình lựa chọn đúng. Rất mơ hồ, không hiểu ai đã dạy cho các em cách tư duy lạ lùng như thế?

Nhưng tựu chung lại, nó cho thấy công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông là vô cùng tệ, điều mà rất ít người để ý. Bởi vì chúng ta hay có thói quen chỉ trích hệ thống đào tạo cũng như chương trình giảng dạy ở các trường.

Thế hệ học sinh được khảo sát vào năm 2010 đến nay chắc cũng đã ra trường rồi. Có bao nhiêu người trong số ấy đến giờ phút này cảm thấy mình đã lựa chọn đúng nghề nghiệp thì chúng ta chưa có câu trả lời cụ thể. Nhưng ở góc độ cá nhân, thì mỗi người cũng có thể tự làm bài khảo sát này cho chính mình và rút ra điều gì đó. Chúng ta có yêu công việc mà chúng ta đang làm không? Nếu được lựa chọn lại, ta có muốn chọn một nghề nghiệp khác không? Có khi nào trách bố mẹ ngày xưa cứ bắt thi trường nọ, trường kia hay không? Và có định chuyển sang lĩnh vực mới nào không?

Với nhiều người, câu hỏi vào Đại học để làm gì là một câu hỏi không khó. Vào Đại học để sau này có thu nhập tốt, có cuộc sống ổn định, có học thức, sẽ nhàn nhã, không phải chân lấm tay bùn, không phải đứng cả ngày trong các khu công nghiệp như bố mẹ, hay có thể là để nhà mình chẳng thua kém ai, để bố mẹ tự hào… Đấy, tất nhiên là những ước mơ tốt đẹp, những mong muốn đầy tình yêu dành cho con của các vị phụ huynh. Nhưng bao nhiêu người đã từng hỏi con rằng con thích ngành nào, con đã hiểu gì về ngành ấy chưa, có cần bố mẹ giúp gì không? Hay chúng ta chỉ khuyên con nên thi ngành này, ngành kia vì dễ xin việc, vì lương cao, vì nhà mình có người làm ngành ấy.

Câu chuyện hướng nghiệp hôm nay có lẽ không chỉ dành cho những người làm giáo dục, những nhà quản lý. Mà nó còn là trách nhiệm của những phụ huynh, những người có thể đã khơi dậy niềm đam mê về một lĩnh vực nào đó cho trẻ ngay khi chúng còn nhỏ. Và những phụ huynh có lẽ nên thay đổi quan niệm, Đại học không phải là một cái đích, một giải thưởng dành cho một ai đó trong cuộc đua Đại học. Nó chỉ là điểm tựa, một quãng thời gian trong đời mà mỗi người có thể học được một điều gì đó mà thôi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm