| Hotline: 0983.970.780

Thi nhau học chữ… tượng hình

Thứ Ba 19/01/2010 , 10:51 (GMT+7)

Trên bục, cụ đồ cầm sách, miệng oang oang “giả, dã”, dưới ghế những mái đầu đen có, bạc có cắm cúi bên trang giấy, những ngón tay nắn nót từng nét chấm, nét phẩy…

Trên bục, cụ đồ cầm sách, miệng oang oang “giả, dã”, dưới ghế những mái đầu đen có, bạc có cắm cúi bên trang giấy, những ngón tay nắn nót từng nét chấm, nét phẩy…Tất cả ngỡ như thời gian kéo lùi hàng trăm năm.

Viết "cảng hàng không" người ta... cười cho

Lớp học được tổ chức ở ngay đình Đại Mão (Hoài Thượng, Thuận Thành, Bắc Ninh) di tích lịch sử từ thời Lê Trung Hưng với kiểu kiến trúc đặc trưng chữ nhị gồm tiền tế 7 gian, hậu cung 3 gian và một gian chuôi vồ. Bốn chiếc bàn gỗ tạp cũ mèm, một cái bàn, một cái bảng. 

Lớp học ngay ở đình Đại Mão

Một cụ ông quắc thước, râu tóc bạ phơ, da dẻ hồng hào cầm cuốn sách dày cộm, đĩnh đạc đọc. Lớp học có 10 học viên đa số là người địa phương. Thầy đồ gọi: “Anh Khoái đọc một đoạn trong bài Ai công vấn chính của quyển Trung dung cho tôi xem”. Học sinh có tên Khoái nghe thầy xướng danh, đứng dậy lễ mễ ôm sách: “Tử viết văn chính… Nhân đạo mẫn chính, địa đạo mẫn thụ. Phù chính giả bồ lư dã…”.

Thầy nghe trò trả bài, mắt lộ rõ vẻ hài lòng rồi thong thả dịch nghĩa: “Ai Công hỏi Khổng Tử về chính sự trị nước. Đạo của người rất nhạy cảm. Đường lối tốt, dân hưởng ứng, đất tốt cây phát triển nhanh. Chính sự giống cây lau sậy, gặp đất tốt, mọc nhanh, muốn phá cũng không kịp. Muốn làm chính sự tốt phải biết dùng người. Dùng tốt hay không là do mình. Đào tạo người trước tiên mình phải tu thân, lấy nhân làm gốc, gần dân, trọng người hiền”. Đang giờ học, học viên Đỗ Duy Thanh đứng lên, kính cẩn xin phép về sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bàn chuyện sang cát cho cụ.

Độ “nghiện” chữ tượng hình của ông Thanh quả là hiếm có khi hàng tuần vẫn miệt mài từ Ấp Hồ về Đại Mão xa 6-7 cây số. Đặc biệt hơn như anh Vũ Viết Cẩn - cán bộ ngành tài chính ở tận huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang vượt chặng đường hơn 40 cây số bất kể nắng mưa, ngày đông giá lạnh để học…

“Thầy đồ” Nguyễn Đăng Oánh sinh 1932 nguyên hiệu trưởng trường cấp I, II huyện nhà bảo: “Chữ Hán là loại chữ tượng hình khó học, học chữ nào biết chữ ấy, không tập trung, không năng viết, hay xem rất dễ quên:

Hán học tinh hoa minh đạo lý

Nho phong cốt cách trọng nhân tình

Học để sáng tỏ đạo lý cổ truyền, đi vào đời sống, truyền đạt cho con cháu, nhắc nhở con cháu theo gia phong. Hán nôm đồng hành với lịch sử dân tộc, nó là một phần lịch sử không thể quên lãng”.

Rồi cụ kể thời Pháp Hán học có 2 tiết/tuần trong chương trình nhưng đến giờ mình cắt hẳn. Nhiều thế hệ dưới 70 không được học nữa. Trên lớp nếp sống luân thường ít được dạy mà nặng dạy về khoa học, kinh tế thành ra đạo đức, nề nếp biến dạng cả. Người xưa đúc kết: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân” (giàu làm đẹp nhà, đức làm đẹp cho bản thân). “Nghĩ tiếc chuyện “văn chương chôn chặt ba thước đất”, tiếc cái vốn chữ cổ truyền nên tôi dạy. Bây giờ sợ nhất là tình trạng viết bừa, viết ẩu, rồi đem treo ở nơi thờ tự linh thiêng, méo mó, biến dạng cả nền văn hiến dân tộc. Rồi cả những từ gốc Hán thông dụng cũng nói sai, viết sai hết cả. Tỉ như nhược điểm lại nói yếu điểm (điểm chủ chốt), chấp bút (cầm búp không nói lại chắp bút. Rồi không ít chuyện bực mình như sờ sờ đề là cảng hàng không mà không biết cảng là bộ thuỷ, liên quan đến nước chứ không phải là trời, đề thế quốc tế họ cười cho"...

Không thù lao

Nội dung học của lớp học xen kẽ các bài thơ chữ Hán nổi tiếng của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh, Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ... thầy còn chọn phần tiêu biểu trong sách “Minh tâm” và “Minh đạo gia huấn” giúp học viên liên hệ những đạo lý cổ truyền tốt đẹp. Rồi học cả sách Đại học, Trung dung, Tứ thư…  

Thầy Oánh đang giảng bài

Học viên học mỗi tuần một buổi, một năm mấy chục buổi có thể đọc được những chữ thông thường. Nếu sáng dạ có thể viết chữ câu đối cho thợ khắc hay viết giúp chuyện hiếu hỉ ở địa phương. Sáu cụ khởi xướng lớp Hán học năm 2004 ở xã Hoài Thượng hai cụ đã về chầu tiên tổ. Tổng số hội viên đến nay đã 65 người. Lớp Đại Mão cụ Bảo, cụ Oánh dạy; lớp Nghĩa Vy cụ My dạy; lớp Lam Cầu cụ My dạy; lớp Bình Cầu cụ Trường dạy; lớp Ngọ Xá ông Hoa dạy. Riêng lớp ở làng Dực Vy từ đầu năm đến nay có yêu cầu học đêm nhưng không có giáo viên. Phương pháp dạy những ngày đầu viết chữ Hán từ một nét tới nhiều nét, chuyển tải trên 214 thủ bộ chữ, dạy chữ đi đôi với nghĩa, rất phong phú về nội dung, sát thực tế.

Việc dạy học hoàn toàn không thù lao, kể cả giỗ tết, cưới xin của gia đình các ông đồ cũng sắp xếp để dành thời gian cho học viên. Hằng năm vào Tết Nguyên tiêu các thầy còn tổ chức bình thơ, mở hội thi ca.

Ở lớp Đại Mão có anh Tần khi vào học chưa biết chữ Hán là gì nay đã đọc và dịch được thơ. Phương pháp học của anh Tần độc đáo. Những chữ mới về nhà anh tập viết ngay lên cánh cửa chỗ ra vào để dễ nhìn thấy. Anh “học” thậm chí cả lúc ăn cơm cũng liếc vào bảng chữ. Đến khu trại thả cá của anh cũng chi chít những chữ nơi cánh cửa.

Ông Nguyễn Đăng Hoa từ học viên đã lĩnh trách nhiệm thầy giáo lớp Ngọ Xá rồi lãnh đạo Hội Hán nôm xã cũng từ sự ham học. Ông bảo xã có 7 lớp đều tổ chức ở đình làng. Học viên già nhất là cụ Nguyễn Đình Mài 87 tuổi, trẻ nhất là Đỗ Trọng Hà 38 tuổi, thợ sơn. Lạ nhất là lớp ở Nghĩa Vy có ba nữ gồm bà Đào, bà San, bà Ninh xấp xỉ 70-80 tuổi, lớp ở Đại Mão có bà Lê Thị Vân cũng theo học. Từ chuyện vực dậy Hán nôm ở Hoài Thượng mà các xã khác cũng mở lớp theo như Nghĩa Đạo, An Bình, Gia Đông, Trí Quả (7 xã vùng Bắc Thuận Thành với số học viên kỷ lục 34 người).

Thành phần học đủ kiểu từ cán bộ mặt trận, văn phòng xã, trưởng thôn, Bí thư thôn đến cả những anh nông dân tay lấm lem bùn đất, anh thợ dệt quen chuyện khung cửi, vải màn cũng tuần tuần đến lớp. Ngay cả trong điều lệ họ ông Oánh còn đưa vào điều lệ khuyến khích trung tuổi học chữ Hán. Học viên nào bỏ học, thầy đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân. Được cái, từ ngày các ông chồng đi học chữ Hán về ứng xử với vợ con khác hẳn, trước dùi đục chấm mắm cáy nay cũng ngọt ngào hẳn. Vì thế vắng cái là vợ con nhắc đi học ngay.

Một cơi trầu, một tích nước, một bóng đèn sáng lập loè trong gió đông mà ai ai cũng cắm cúi học. Tôi hỏi đùa cụ Oánh “Cụ không còn dùng đến gai mít để phạt quỳ học sinh à”? Cụ chỉ cười hiền lành rồi nhìn ra cánh đồng ngô đang thì thu hái, lá khô, cờ bạc gió lay rào rào.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất