| Hotline: 0983.970.780

Thi Sơn tập trung nguồn lực phát triển con người trong xây dựng NTM

Thứ Năm 26/05/2016 , 08:01 (GMT+7)

Năm 2009, khi được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), lãnh đạo xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng, Hà Nam) bấm đốt ngón tay: “Chắc chỉ cần 20 tỷ đồng là cán đích”. Thế nhưng, lúc triển khai thực hiện, họ đã vỡ vạc ra nhiều điều.

Xây dựng NTM không đơn thuần là việc bê tông hóa đường làng, ngõ xóm; kiến thiết những công trình đồ sộ... Quan trọng hơn cả là việc tạo ra một môi trường mà ở đó, con người được phát huy tốt nhất năng lực của mình. Và như ông Đinh Đăng Dân, Bí thư Đảng ủy xã Thi Sơn nói, thì “đầu tư cho con người không bao giờ sợ lỗ”.

Dành nguồn lực phát triển con người

Không như dự tính ban đầu, để hoàn thành 19 tiêu chí NTM vào năm 2014, xã Thi Sơn đã tiêu gần 90 tỷ đồng. Và, hơn 20 tỷ đồng trong đó dùng để tu bổ, sửa chữa, xây mới, hiện đại hóa cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục.

Hỏi, vì sao các anh dồn tiền vào đây nhiều thế? Ông Dân cười và tỉ tê: "Cứ ngẫm từ nhà mình mà ra thôi. Ngày trước, vợ chồng tôi chẳng khá khẩm gì. Cóp nhặt được ít tiền, bà xã cũng định a dua theo mấy người trong xóm mua cái tivi. Nhưng thấy mấy đứa con thiếu tiền ăn học, cả nhà đành gác lại giấc mơ truyền hình. Giờ mấy đứa con tôi đều thành đạt, sắm cho bố mẹ đủ thứ đồ dùng sinh hoạt gia đình".

Thế nên, ông Bí thư xã Thi Sơn nghĩ, nơi nào quan tâm đến công tác giáo dục, thì nơi đó sớm muộn cũng thịnh vượng, ấm no. Mỗi lần gặp các giáo viên, ông Dân thường đùa vui: “Tôi ghen tị lắm nhá, phòng làm việc của giáo viên còn đẹp hơn cả phòng làm việc của chủ tịch, bí thư xã”.

Đùa mà thật. Theo chân một cán bộ xã tham quan trường Mầm non Thi Sơn, tôi như lạc vào một công viên xanh. Giờ ra chơi, đám trẻ con lít nhít túa ra sân, cười như pháo rang. Chúng tha hồ đánh đu, trượt cầu, lái ô tô nhựa... quanh hòn non bộ dựng phiến đá cổ khổng lồ có cây si uốn lượn trên đầu.

Toàn bộ khu vui chơi được lát gạch bóng nhoáng, thế nên lũ trẻ lỡ nghịch ngợm quá chớn, trượt ngã hay lăn lê bò toài thì quần áo trên người cũng chẳng cáu bẩn bùn đất.

Cô giáo Lại Thị Hoài Thúy, Hiệu trưởng trường Mầm non Thi Sơn, chia sẻ cách đây 8 năm, phòng ốc của các cháu như nhà tạm, tường bong tróc lở loét, mốc meo mốc xỉn và rất chật chội. Mùa hè nóng như chảy mỡ, các cháu quấy khóc dữ lắm.

Với hệ mẫu giáo, chưa năm nào trường đạt 100% tỷ lệ học sinh đi học. Còn các nhà trẻ rất thưa vắng vì phụ huynh chê trường nghèo nàn, lạc hậu.

Có trường mới, phụ huynh đưa con đến lớp rất đông. Riêng năm 2016, trường đón gần 800 cháu. Không chỉ riêng khối mầm non, khối trường Tiểu học xã Thi Sơn cũng nằm trong tốp đầu của huyện Kim Bảng.

Năm 2009, khi được chọn làm điểm xây dựng NTM của huyện Kim Bảng, xã Thi Sơn dành hơn 12 tỷ đồng để đầu tư xây dựng điểm trường mầm non khu vực trung tâm gồm 9 phòng học, 11 phòng chức năng... và nhiều tỷ đồng để nâng cấp các điểm trường.

Năm 2013, khi trường được công nhận đạt chuẩn mức độ 2, xã đầu tư đồng bộ trang thiết bị nội thất trong các phòng học, còn đồ chơi ngoài trời được Sở và Phòng Giáo dục - Đào tạo đầu tư.

Nơi đáng sống

Ngoài trường học, trạm y tế xã Thi Sơn cũng đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2010 - 2020. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thường xuyên được nâng lên. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt mức cao.

Hiện tại, 16/16 xóm của xã Thi Sơn đều có nhà văn hóa đạt chuẩn. Đây là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của các khu dân cư.

Chiều chiều, bà con tụ tập rất đông trong sân thể thao để tập thể dục, vui chơi giải trí. Nhà nào tổ chức đám cưới, nếu không gian quá hẹp có thể tổ chức ngay tại nhà văn hóa để thuận tiện cho công tác phục vụ khách mời.

Khi hoàng hôn vụt tắt, cũng là lúc những ánh đèn đường ngõ, xóm bật lên sáng choang. Đấy là thành quả hết sức mỹ mãn của công tác dân vận ở địa phương. Bởi trước đây, tối đến là không gian làng quê tối đen như mực. Đèn nhà nào nhà nấy rạng.

Tuy không phải là tiêu chí xây dựng NTM, nhưng cán bộ thôn, xóm ra sức vận động nhân dân góp tiền kéo dây, mua bóng đèn và chi phí vận hành hệ thống chiếu sáng hàng tháng. Từ đấy, người đi đường không còn sợ bóng tối nữa.

Bên cạnh đó, xã cũng thường xuyên quan tâm tạo việc làm đến lực lượng thanh niên như liên hệ với các ngân hàng để cho vay vốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Bình quân hàng năm có 40 - 50 lao động đi xuất khẩu, nâng tỷ lệ hàng năm có 250 - 270 lao động làm việc tại nước ngoài và gửi về gia đình 25 - 27 tỷ đồng. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh (năm 2009 là 12,5%, hết năm 2013 còn 2,67%). Đến nay, xã không còn nhà tạm.

Bí thư Dân cho biết mỗi năm, Xã có khoảng 50 - 70 học sinh thi đỗ đại học, còn số học sinh thi đỗ cao đẳng, trung cấp và các trường nghề thì nhiều. Chúng tôi mong muốn, từ việc hiện đại hóa, đổi mới hệ thống giáo dục, địa phương sẽ tạo ra được những thế hệ tài năng, những lao động chuyên nghiệp cho địa phương.

 

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất