| Hotline: 0983.970.780

Thị trường carbon Việt Nam - Nhiều tiềm năng

Thứ Sáu 19/09/2014 , 09:20 (GMT+7)

Thị trường carbon đến nay vẫn được xem là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính. 

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Muốn làm được điều này, cần có những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN SẠCH

Cơ chế phát triển sạch CDM (Clean Development Mechanism) là một phương thức hợp tác quốc tế mới trong lĩnh vực môi trường giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia đã công nghiệp hoá.

Nếu như vài thập kỷ gần đây, phương thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) là phổ biến và được coi là một biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang và kém phát triển, thì hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

CDM trở thành một công cụ triển khai chính sách quốc gia về môi trường ở nhiều nước tham gia Nghị định thư Kyoto (1997) nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện phát triển bền vững thông qua sự đầu tư một cách thân thiện với môi trường.

CDM cho phép các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở các nước công nghiệp hoá thực hiện các dự án giảm phát thải tại các nước đang phát triển và đổi lại, các doanh nghiệp này nhận được chứng chỉ dưới dạng “giảm phát thải được chứng nhận” (CER) và được tính vào chỉ tiêu giảm phát thải của các nước công nghiệp hoá.

Như vậy, thay vì cố gắng thực hiện giảm phát thải ngay tại nước mình bằng các biện pháp như đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ… với chi phí tốn kém hơn và hiệu quả thường không cao; các nước công nghiệp hoá sẽ tiến hành các dự án CDM đầu tư vào các nước đang phát triển chưa bị ô nhiễm môi trường nặng, trình độ công nghệ chưa cao để giảm phát thải với hiệu quả cao hơn.

Nhờ thế, các nước công nghiệp hoá triển khai các dự án CDM cũng được coi là đã thực hiện các cam kết của mình về giảm phát thải định lượng theo Nghị định thư Kyoto, góp phần vào mục tiêu chung là giảm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, hạn chế sự biến đổi khí hậu trái đất theo hướng bất lợi cho loài người.

Bằng cách này, các dự án nói trên đem lại lợi ích môi trường và kinh tế cho cả hai phía - phía các nước công nghiệp hoá (các nhà đầu tư dự án CDM) và phía các nước đang phát triển (các nước tiếp nhận dự án).

Về mặt kinh tế, bằng nguồn tài trợ từ các dự án sẽ giúp các nước đang phát triển đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững, chẳng hạn như giảm ô nhiễm không khí và nước, cải thiện sử dụng đất, nâng cao phúc lợi xã hội, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm hay giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch…

Ở mức độ toàn cầu, thông qua các dự án giảm phát thải, có thể khuyến khích đầu tư quốc tế, thúc đẩy cung cấp nguồn lực cần thiết cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới.

CƠ HỘI BÁN CHỨNG CHỈ GIẢM PHÁT THẢI (CERs)

CDM là cơ chế cho phép các nước phát triển sử dụng biện pháp tài trợ (cung cấp tài chính, công nghệ mới ...) cho các dự án giảm phát thải (được gọi là dự án Carbon) tại những nước đang phát triển như Việt Nam để nhận được tín dụng, gọi là “Giảm phát thải được xác nhận” (Certified Emission Reduction – CER), còn được gọi là Tín dụng Carbon (Carbon Credit).

Tín dụng này được tính vào chỉ tiêu giảm phát thải tại nước tài trợ dự án thay thế cho việc giảm phát thải, thông thường tốn kém hơn rất nhiều, tại chính nước tài trợ đó.

Nắm bắt cơ hội này, từ nhiều năm nay, Tập đoàn Hoài Nam – Hoài Bắc (HN-HB), một doanh nghiệp hàng đầu trong xử lý chất thải, đã triển khai hàng loạt dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn của các doanh nghiệp thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn nhất nước như TH True milk, Vinamilk, XN Chế biến thủy sản Thuận An 1 ở An Giang và hàng chục công ty chăn nuôi heo khác trên cả nước.
Đến nay, tất cả các dự án do HN-HB thực hiện, đi vào hoạt động đều đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, HN-HB bắt đầu thu lợi từ việc bán chứng chỉ Cers cho tập đoàn điện lực Đức.

Cơ chế Phát triển sạch CDM cho phép và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân của các nước phát triển đầu tư thông qua các dự án giảm phát thải khí nhà kính dạng cơ chế phát triển sạch tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

Tất nhiên, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, tổ chức phi Chính phủ... ở Việt Nam đều có thể tham gia Cơ chế phát triển sạch. Thông qua dự án, nhà đầu tư được nhận chứng chỉ Giảm phát thải được chứng nhận (CERs). Theo các quy định mà Nghị định thư Kyoto đưa ra, trong khuôn khổ chương trình CDM, CER là một loại hàng hoá có thể chuyển giao, mua bán trên thị trường.

Theo quy định, 1 CER tương đương 1 tấn CO2 và các loại khí thải khác như 1 tấn CH4 tương đương 21 tấn CO2, 1 tấn N2O bằng 310 tấn CO2... Các nước phát triển rất cần mua CER để giảm bớt việc phải cắt giảm phát thải tại nước họ theo cam kết.

Tuy hiện nay mới chỉ tham gia thị trường carbon với tư cách nhà cung cấp chứng chỉ giảm thải, Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng ghi nhận trên thị trường này, tạo đà cho những triển vọng xa hơn trong tương lai.

Hiện nay, các tổ chức cũng như các nước có nhu cầu mua CERs lớn nhất là Ngân hàng Thế giới, các công ty của Châu Âu, Nhật Bản. Đây cũng là một trong những thị trường có nhu cầu lớn về CERs. Kinh doanh buôn bán các sản phẩm CERs là hình thức hoàn toàn mới trên thị trường.

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước có tiềm năng nhất về CDM và đây là cơ hội lớn. Theo ước tính, Việt Nam có thể thu được lợi ích kinh tế không nhỏ từ các dự án CDM.

Hơn thế nữa, thông qua các dự án CDM còn góp phần phát triển nguồn nhân lực, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, có cơ hội tiếp nhận công nghệ mới thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ khí hậu, môi trường.

Mặt khác, thông qua cơ chế này, còn tạo cơ hội cho chúng ta tiếp cận với nhiều dự án đầu tư lớn cho sự phát triển kinh tế trong nước. Hiện nay, chương trình này được xem là một lĩnh vực đầu tư mới, chi phí thấp.

Thiết lập và Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam vì vậy là một con đường phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước và chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu nhất định thông qua việc thực hiện Cơ chế Phát triển sạch (CDM).

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.