| Hotline: 0983.970.780

Thích đâu, đặt đấy

Thứ Ba 27/09/2011 , 10:36 (GMT+7)

Khi phong trào thu hút đầu tư được các tỉnh “thi đua” thực hiện, các dự án sân gôn cũng theo đó cũng mọc lên như nấm sau mưa.

Đất ruộng 1 vụ bỏ hoàng vì chờ “dài cổ” cái ..sân gôn
Khi phong trào thu hút đầu tư được các tỉnh “thi đua” thực hiện, các dự án sân gôn cũng theo đó cũng mọc lên như nấm sau mưa. Hết Hòa Bình, Đồng Nai, lại đến Lâm Đồng, Long An cũng không ngoài cuộc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc quy hoạch bố trí sân gôn hết sức lộn xộn. Vì vậy đã làm xáo động, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân sở tại. 

>> Ít sân gôn, sao thành… cường quốc
>> Trò chơi tốn đất
>> Sân gôn - Được ít, mất nhiều

Một xã “gánh” 3 sân gôn

“Nạn nhân” là xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Xã này đang phải oằn mình “gánh” 3 trong tổng số 6 sân gôn được phê duyệt của tỉnh Lâm Đồng. Lớn nhất phải kể đến sân gôn Sacom do Cty CP Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom) làm chủ đầu tư. Báo cáo của Sacom cho thấy, sân gôn thuộc dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Sacom Resort với tổng diện tích đất gần 270ha.

Theo tìm hiểu của PV, ban đầu UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho toàn bộ dự án thông qua một giấy chứng nhận đầu tư, nhưng sau đó tách thành 2 giấy chứng nhận để “thực hiện sớm các thủ tục đầu tư do tỉnh chủ trì xử lý”. Đó là Dự án sân gôn hồ Tuyền Lâm 74ha và Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp 194ha.

Nhìn chung, toàn bộ dự án có vị trí đẹp. Phần đầu của sân gôn nằm gối lên một bán đảo ở giữa hồ Tuyền Lâm thuộc phường 3, thành phố Đà Lạt, rồi sau đó chạy xuyên qua thung lũng giữa rừng thông, còn phần đuôi kéo dài đến phần đất của xã Hiệp An. Về phần đất nằm trong rừng, Bộ Xây dựng, trong văn bản thẩm định thiết kế cơ sở vào tháng 3/2010, cho biết: “Địa hình nhiều đồi dốc, thung lũng và khe suối, được bao bọc bởi những cánh rừng thông nguyên sinh”.

Diện tích sân gôn nằm trong khu hồ Tuyền Lâm, một địa điểm du lịch có phong cảnh đẹp, được Bộ Văn hóa- Thông tin (cũ) công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1998. Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án thuộc phân khu chức năng số 7 và số 8 của hồ Tuyền Lâm, riêng phân khu chức năng số 7 là bán đảo giữa hồ với diện tích gần 60ha. Ngoài ra dự án này khi thực hiện còn xóa sổ một tổ dân phố của phường 3, trong đó gồm hơn 30 hộ dân với 40ha đất trồng cây hồng, cây cà phê!

Còn phía bên xã Hiệp An, một lãnh đạo xã cho biết, diện tích đất trồng cây lâu năm sẽ bị lấy đi 25ha, nhưng 17ha đất còn lại khi làm sân gôn cũng sẽ mất đường vào. Vì được bao bọc bởi “rừng thông nguyên sinh”, nên chắc chắn số cây thông bị chặt đi nhường đất cho dự án không phải là nhỏ. Ông Nguyễn Xuân Thành, GĐ Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm cho biết, số lượng cây thông bị chặt khoảng 400 cây, nhưng tại bãi gỗ lớn nằm ngổn ngang trong dự án, số đánh dấu thứ tự cây thông bị chặt mà chúng tôi đếm được lên đến 758, có thân cây rất to.

Cách sân gôn Sacom theo đường chim bay chưa tới 5km là sân gôn tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương. Tại đây cũng có một sân gôn 36 lỗ và đi kèm hàng loạt dịch vụ khác. Dự án sân gôn này cũng có vị trí kỳ lạ, “ôm” toàn bộ hồ thủy lợi Đạ Ròn và bao bọc xung quanh là rừng thông thuộc tiểu khu 325 tổng diện tích 750 ha, trong đó diện tích mặt nước là 183ha. Năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho Cty TNHH Acteam International đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, sân gôn K’rèn với diện tích 440ha nằm lọt thỏm giữa xã Hiệp An. Sân gôn K’rèn được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đầu tư vào năm 2007. Vị trí sân gôn rất đẹp, ba bề là rừng thông, có quả đồi vẫn còn thú rừng như vượn, mang, heo rừng… sống. Đây cũng là nơi duy nhất của tỉnh có cây thông đỏ.

Với một sân gôn Đồi Cù đi vào hoạt động, hằng năm DN đầu tư sân gôn này đã thua lỗ gần 500.000 USD. Dẫu thế, Lâm Đồng vẫn cho triển khai tiếp 5 dự án sân gôn khác, dù phải hy sinh nhiều quyền lợi về đất nông nghiệp, đất rừng, cũng như đời sống người dân

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Hiệp An, ông Hoàng Hồng Quang xác nhận: “Xã Hiệp An có tổng diện tích đất tự nhiên gần 6.000 ha, trong đó đất nông nghiệp trên 1.600 ha, vị trí thuận lợi, nằm trên quốc lộ 51, giáp ranh thành phố Đà Lạt nên nhiều chủ đầu tư đã xây dựng dự án tại đây”. 

13 là thiếu, 2 vẫn thừa

Tỉnh Long An, nơi nổi tiếng cả nước với việc dự kiến được đặt tới 13 dự án sân gôn, nhưng sau đó do dư luận và báo chí “nói” rát quá, rút còn 3 dự án và đến nay "gút" còn 2 dự án ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa với gần 400 ha đất bị thu hồi.

Tuy nhiên, đến nay, ít ai biết hai dự án này trở về “mo” khi Chính phủ đã có phê duyệt từ 3 năm qua, nhưng nhà đầu tư vẫn “lì” không chịu triển khai. Người ta nghi ngờ đây chỉ là trò giành đất đón “gió” của DN nhằm phân lô, bán nền khu dân cư…

Dự án sân gôn này lấy đi của xã Phước Lại 197 ha đất ruộng 1 vụ ở 2 ấp Phước Thới và Tân Thạnh do Cty CP Việt Hàn (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) làm chủ đầu tư. 5 năm trước, DN này nhảy vào xây dựng “siêu dự án” gồm 70 ha sân gôn, còn lại khu đô thị cao cấp, khu giải trí với tổng số vốn đầu tư là 284,6 triệu USD. Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch xã cho hay, mặc dù dự án đã được đo đạc khảo sát, Trung ương phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa “ra ngô ra khoai” gì cả, mặt mũi ông TGĐ Cty Việt Hàn “tròn méo” thế nào cũng không biết, chỉ có cô Châu, đại diện DN thỉnh thoảng xuống thăm, chủ yếu là biếu quà tặng nhân dịp các ngày lễ, tết. “Đây là vùng hạ Cần Giuộc, 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt, ruộng chỉ trồng được 1 vụ gieo vào tháng 7 hàng năm. Nếu họ triển khai sớm, người dân cũng mừng, nhưng đáng tiếc dự án cứ treo mãi, khiến người dân bỏ ruộng, cỏ năng cỏ lác mọc tùm lum gây lãng phí”- ông Tuấn ngao ngán nói.

“Từ năm 2008 đến nay, dự án này chưa có kiểm kê, thu hồi đất tổng thể. Vừa qua chúng tôi đã có văn bản gửi cho Cty CP Việt Hàn đề nghị họ chuyển trước số tiền 150,7 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày 27/5/2011 đến ngày 27/7 là hạn chót. Thế nhưng, đã 2 tháng rồi mà chưa thấy trả lời…” (Ông Võ Đình Sương-GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cần Giuộc)

Lão nông Nguyễn Văn Vui (63 tuổi, tổ 2, ấp Phước Thới), là người sống lâu năm nhất trong vùng, lại có nhà và đất nằm trong vùng dự án, cho hay, bây giờ ở địa phương không còn lao động trẻ, sau khi có quy hoạch sân gôn thì thanh niên bỏ ruộng lên TP vào làm công nhân các KCN hết, chỉ còn lao động già là còn bám ruộng. “Gia đình tui trồng 3,5 công lúa 1 vụ. Cứ chờ họ làm sân gôn để đền bù 150 triệu/công, vị chi tui được trên nửa tỷ. Lấy gửi ngân hàng mỗi tháng 5 triệu đồng. Nhưng chờ hoài hổng thấy”. Thế nên, ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng ấp Phước Thới bức xúc nói: “Đã có quyết định phê duyệt của trung ương mà nhà đầu tư không thực hiện thì phải tính thiệt hại của gần 200 ha đất ruộng do nông dân chúng tôi không sản xuất trong 3 năm qua, nếu tính năng suất lúa thấp nhất là 2 tấn/ha, sản lượng 400 tấn/năm, nhân với giá lúa 4.000 đ/kg thì thu nhập mỗi năm gần 2 tỷ, nhân với 3 năm là 6 tỷ!”

Rõ ràng, khi chưa có nhu cầu, mà cơ quan quản lý Nhà nước vẫn cấp chứng nhận đầu tư cho Long An thực hiện các dự án sân gôn là một điều khó hiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, với tỉnh này, 13 sân gôn xem ra có vẻ vẫn thiếu. Tuy vậy, chỉ 2 dự án được cấp phép đầu tư thì lại thừa, vì không được triển khai. Một cán bộ có trách nhiệm của Sở KH-ĐT tỉnh Long An (xin không nêu tên) khẳng định: DN chỉ đón đầu quy hoạch, hy vọng trong tương lai sẽ trở thành vùng đất “vàng” nên lập dự án xin đầu tư sân gôn để “giành” đất, khi thấy thuận tiện thì xin thay đổi mục đích sử dụng, chuyển toàn bộ diện tích sân gôn sang phân lô, bán nền. Quả thực, cái “trò” này đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương chứ không chỉ riêng Long An.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm