| Hotline: 0983.970.780

Thích hang hơn nhà

Thứ Ba 19/07/2011 , 10:32 (GMT+7)

Ở bản Ón (xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) có mấy người già cả, họ quen sống trong hang như trước đây nên cũng không ép được họ về nhà.

Con đường nhỏ ngược lên núi cắt ngang suối không biết bao nhiêu lần. Từ sáng sớm, băng suối rồi lại băng qua cả một cái đầm lầy thụt đến đầu gối thì Cao Quang, người chỉ đường cho chúng tôi, khoát tay mà không quay đầu lại: "Sắp đến hang Troong rồi đó". Theo như lời giới thiệu của Quang thì đó là "nhà" của hai ông bà Cao Chơn và Cao Thị Bim (là ông bà nội của vợ Cao Quang).

>> Người Rục và hành trình hồi sinh

"Ở bản Ón (xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) có mấy người già cả, họ quen sống trong hang như trước đây nên cũng không ép được họ về nhà mô. Mà họ nói ở vậy mới sống lâu được, chứ ở nhà xây... khó thở lắm", trưởng bản Ón Trần Văn Tư giải thích với chúng tôi và gọi một thanh niên đưa đường lên núi Cà Trắp để thăm hang đá nơi có người Rục đang sinh sống.

Một lát sau, chàng thanh niên Cao Quang đến để dẫn đường cho chúng tôi. “Nó đi đường rừng giỏi và còn phải thăm người bà con nữa đó”, trưởng bản Tư nói với theo. Dọc đường đi, Quang kể cho tôi nghe về những cặp vợ chồng người Rục chỉ thích sống ở hang đá trong rừng. Khi cán bộ vận động thì họ cũng xuống bản ăn ở với con cháu, thậm chí còn dạy con cháu nghe cán bộ ổn định nơi ăn ở mà làm lụng.

Hang Troong dưới chân dãy núi Cà Trắp, trước mặt có một con suối. Trước hang lô nhô máy hòn đá to chắn hết tầm nhìn, một cây gỗ được gác trên hai hòn đá chắn ngang trước cửa hang, muốn đi vào phải cúi thấp người. Hang rộng vừa chỗ cho khoảng chục người ngồi, nền khá khô ráo và ở giữa có một bếp lửa. Trên những tảng đá quanh hang có treo hai chiếc gùi đàn bằng cật nứa đen nhánh và mấy bộ áo quần đã cũ.

Ở gốc hang đặt một chiếc cối đục từ gốc gỗ rừng và mấy cái bẫy chuột đã bị hỏng. Tôi lấy máy ảnh ra, lùi ra góc hang định bụng để chụp ảnh thì Cao Quang ngăn lại, giọng thì thào: “Không được mô. Nơi ở của người già kiêng lắm. Lỡ có việc chi thì tui phải làm lễ đền đấy. Để tui gọi hai ông bà về cho”. Nói rồi Quang đi ra trước cửa hang, trèo lên hòn đá lớn nhất chụm tay thành loa cất giọng hú liền mấy cái vang vọng liền tù tì trong dãy núi đá.

Một lát sau, từ con đường mòn men theo chân núi, một ông già thấp lùn, tóc dài bờm xờm ngang vai, một tay cầm con rựa cán ngắn, tay kia xách một xâu mấy con chuột lồ ô (loại chuội này to gần bằng chân người lớn và chuyên đào đất ăn măng lồ ô nên bà con đặt luôn tên vậy). Thấy người lạ, Cao Chơn gật gật đầu chào rồi quay sang nói với thằng cháu rể một tràng tiếng dân tộc Rục. Nghe xong, Cao Quang nhe răng cười và dịch lại cho tôi: Ông nội hỏi anh là cán bộ à? Răng vô chơi mà không mang cái chi làm quà tặng cho bà con. Và, hỏi anh có ăn được thịt chuột nướng để làm mà ăn thôi.

Quang nói xong thì xách mấy con chuột đi xuống suối. Ông Cao Chơn ngồi xổm bên bếp củi cời than, thổi cho lửa bùng lên. Tôi hỏi ông bao nhiêu tuổi. Ông Chơn ngẫm một lúc rồi mới trả lời: “Ồ, răng biết được vì lâu rồi không ai hỏi. Nhưng miềng thì ở bản không có ai nhiều năm sống hơn mô”.

Khi Cao Quang quay về hang với xâu chuột đã được làm sạch lông thì bà Cao Thị Bim cũng về nhà. Bà Bim nhỏ người, đen như chồng, mang chiếc gùi và bộ quần áo ướt bết. Bà đang bắt ốc dưới suối thì nghe cháu rể nói lên chơi với khách nên mang gùi về luôn. Theo lời Cao Quang thì ông Chơn nay đã trên 80 tuổi và bà Cao Bim kém chồng độ 4 mùa rẫy (4 tuổi). Cả hai ông bà đều nghe được tiếng Kinh nhưng nói thì không được trôi chảy cho lắm.

Cũng như những người đồng bào Rục cùng thời, vợ chồng ông Cao Chơn được bố mẹ sinh ra trong hang đá, sống trong hang đá. Sau khi bộ đội biên phòng phát hiện, đưa đồng bào Rục ra khỏi hang để định canh định cư, hoà nhập với cộng đồng. Cao Chơn và Cao Thị Bim cũng theo con cháu mình ra bản định cư và được Nhà nước hỗ trợ sản xuất, học chữ và làm cho căn nhà vững chắc để ở.

 Nhưng được một thời gian, ông bà khuyên con cháu ở lại bản định cư, còn mình thì quay lại hang đá. "Con cháu miềng phải nghe bộ đội, nghe cán bộ để sống được như người dưới xuôi. Miềng thì sống lâu năm rồi, quen rồi, cái bụng ưng ở hang đá hơn, xa rừng xa hang không chịu được. Miềng nhớ cái hang đá nên tối ngủ không được mà. Ở hang cho sướng người. Khi mô nhớ bản, nhớ con nít thì về ở nhà mấy ngày rồi vô hang thôi", ông Chơn tâm sự.

Theo ông Trần Văn Tư, trưởng bản Ón:

“Từ năm 1998 đến năm 2001 vẫn còn 11 hộ người Rục (tất cả đều mù chữ) nay ở bản mai ở hang. Nhà nước trợ cấp gạo đủ ăn trong 6 tháng (13kg/người/tháng) thì họ ở bản 6 tháng, hết gạo lại lên hang, chẳng trồng trọt gì cả. Đến năm 2002, bà con đồng bào Rục mới rời hang đá về sống ở bản.

Nhưng hiện có mấy cặp vợ chồng người già (chủ yếu ở bản Ón) trở vào sống tự nhiên, hoang dã trong hang đá như ông bà Cao Chơn. Những người này đều có nhà ở bản nhưng họ vô hang đá ở là theo sở thích. Cũng có khi vào ở hang vài tháng họ lại về nhà sống vài tháng”.

Thấy không có cái xoong nồi nào để trong hang, tôi hỏi Quang: “Ông bà Chơn không có nồi để nấu cơm à?”. Cũng nghe được câu hỏi của tôi nên ông Chơn quay sang trao đổi bằng tiếng dân tộc với vợ, với cháu rể. Một lúc thì Quang nói lại: “Lần nào được cấp gạo, hai ông bà đều có suất cả nhưng để lại cho con cháu, không mang gạo lên hang. Vì từ lâu rồi, cái bụng ông bà không hợp với cơm, chỉ hợp với cây rừng, trái rừng thôi mà. Nhiều khi ăn cơm là đau bụng mà ăn cây rừng thì không thấy chi hết”.

 Mà thực, thức ăn chủ yếu của hai vợ chồng là cây rừng, thịt chuột nướng và uống rượu đoác - thứ rượu được ông Chơn làm bằng men rễ cây rừng cho vào túi đựng nước chích từ cây đoác, để qua hai đêm thì thành rượu uống thơm và nồng. Cũng tự nhiên như cây rừng, vợ chồng ông Cao Chơn suốt ngày làm lụng mà chẳng thấy đau ốm gì. Mỗi lần đi rừng cứ nhanh như con sóc, con khỉ; đám thanh niên chưa chắc đã theo kịp.

Cứ mỗi sáng ông bà Cao Chơn rời hang đá, lang thang kiếm cái ăn trong rừng. Ông đặt những cái bẫy chuột thô sơ nhưng cực kỳ hiệu quả bên những hốc đá mà ông biết chắc chắn có chuột lồ ô đi qua. Khi con chuột chạy qua hốc đá ấy, mang theo vòng dây bẫy, kéo cần bẫy trượt khỏi cái lẫy, cần bẫy bật tung treo con chuột lên cao. Đặt xong bẫy, ông đi tìm những cây đoác để làm rượu. Bà Bim cũng lang thang trong rừng, bà tìm những loại trái cây rừng ăn được, bắt những con ốc ven suối. Kiếm được sản vật ông bà trở về hang rồi nướng lên cùng ăn. Buổi tối hai người tựa lưng vào nhau mà ngủ...

Ngoài vợ chồng Cao Chơn còn có gia đình bà Cao Thị Píu cũng ở hang như thế. Gia đình bà Píu chẳng trồng trọt gì. Nhận gạo cứu trợ ăn được nửa năm, thời gian còn lại kéo nhau vào hang Cà Rừng ở để tiện việc kiếm thức ăn trên rừng. Mấy lần cán bộ huyện Minh Hoá vào tận hang Cà Rừng thăm, tặng quà (quà chủ yếu là thức ăn, quần áo) cho bà con và động viên về bản sinh sống nhưng bà con chưa chịu. Một lần đi rừng, con trai bà Píu bị cây đè chết nên bà sợ quá đưa cả nhà quay về lại bản Ón sinh sống. (còn nữa).

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất