| Hotline: 0983.970.780

Thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Năm 04/09/2014 , 10:45 (GMT+7)

Qua kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH, các nhà khoa học đã đưa ra một số mô hình canh tác thích ứng...

Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) vừa phối hợp với Sở NN-PTNT Hậu Giang tổ chức hội thảo tổng kết 3 năm hoạt động của dự án “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến sử dụng đất ở ĐBSCL: Sự thích ứng của hệ thống canh tác trên nền đất lúa (CLUES)”.

Hội thảo được tổ chức tại TP Vị Thanh (Hậu Giang) với sự tham dự của các nhà khoa học đến từ Trường ĐH Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL, lãnh đạo địa phương và nông dân tham gia dự án.

Dự án CLUES do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ, được thực hiện tại 4 tỉnh, thành với các điều kiện sinh thái khác nhau. Trong đó tỉnh Hậu Giang (ở vùng trũng, phèn), An Giang (vùng ngập lũ), Bạc Liêu (ven biển) và TP Cần Thơ (nước ngọt ven sông).

Với kịch bản BĐKH được các nhà khoa học đưa ra thì đến năm 2030 nước biển Đông sẽ dâng cao 14 cm, biển Tây 15 cm so với hiện nay; năm 2050 tương ứng là 27 cm và 30 cm. Theo đó, khu vực ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề, điển hình là tình trạng xâm nhập mặn, ngập lụt sẽ diễn ra trên diện rộng và diễn biến rất khó lường.

Cụ thể tại tỉnh Hậu Giang, các nhà khoa học dự báo sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ của BĐKH, như tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt ngày càng gia tăng, nặng nhất là huyện Long Mỹ và Châu Thành.

Qua kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH, các nhà khoa học đã đưa ra một số mô hình canh tác thích ứng như luân canh lúa với cây trồng cạn, sử dụng các giống lúa mới có khả năng chống chịu mặn và phục hồi nhanh sau ngập lũ. Định hướng quản lý nguồn tài nguyên đất canh tác lúa; Đánh giá tổng hợp để xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH…

PGS. TS Lê Văn Hòa (ĐH Cần Thơ), đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Cơ cấu 2 lúa - 1 màu mang lại hiệu quả vượt trội so với 3 vụ lúa/năm cả về mặt kinh tế và môi trường. Các loại cây màu ngắn ngày sẽ giúp rút ngắn được thời gian canh tác, để bắt đầu vụ thu đông sớm hơn nhằm né lũ cuối vụ, đảm bảo năng suất và hiệu quả.

Phương pháp tưới ướt khô xen kẽ trong canh tác lúa giúp giảm lượng nước bơm vào 177 m3/ha (783/915 m3) so với tưới ngập liên tục. Tuy nhiên, phương pháp này không mang lại hiệu quả rõ rệt trong vụ hè thu do mưa nhiều”.

Kết quả thí nghiệm tại một số hộ nông dân trên đại bàn tỉnh Hậu Giang cho thấy, cây dưa leo và cây bắp nếp sinh trưởng, phát triển tốt trên nền đất lúa vụ hè thu, có thể thay thế 2 vụ dưa leo cho 1 vụ lúa nếu tranh thủ thời vụ. Năng suất dưa leo bình quân 30 - 32 tấn, tổng thu 123 triệu đồng/ha/vu; tổng thu của bắp nếp gần 72 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho rằng, ĐBSCL đang có xu hướng bị chìm dần do nước biển dâng, sụt lún đất do khai thác nước ngầm và cạn kiệt nguồn nước ngọt do xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Tình hình ngập lũ thời gian qua cũng thay đổi rất nhiều, không còn theo quy luật như trước nữa. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học là rất cần thiết đối với tỉnh.

Qua đó, giúp cho địa phương có những chính sách và giải pháp canh tác thích ứng với BĐKH. Hiện nay, dự án đã kết thúc nhưng lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh mong muốn các nhà khoa học, Ban quản lý dự án tiếp tục tìm nguồn tài trợ để triển khai nghiên cứu sâu, rộng hơn.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất