| Hotline: 0983.970.780

Thiên thần không cần đôi cánh

Thứ Tư 25/12/2013 , 10:04 (GMT+7)

Dù chỉ cao 70 cm, nặng 23 kg, xương thủy tinh, không thể đứng được, nhưng Thanh Thảo lại có một nghị lực phi thường khiến mọi người nể phục.

Dù chỉ cao 70 cm, nặng 23 kg, không thể đứng được vì đôi chân bị teo từ nhỏ và thêm bộ xương thủy tinh dễ gãy, nhưng cô gái 27 tuổi ấy không mặc cảm với cơ thể tật nguyền, trái lại, nghị lực phi thường của cô khiến mọi người nể phục. Cô là Huỳnh Thanh Thảo, ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM.

TẠO NÊN NIỀM VUI

Một sáng cuối năm, nắng vàng rực rỡ trong tiết mùa đông phương Nam se lạnh, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của Thảo giữa lúc đang có hơn chục em nhỏ đang vây quanh cô Ba (tên thân mật của Thảo), cùng cô trò chuyện và bàn luận sôi nổi về những cuốn sách.

Thảo đang ngồi trên xe lăn, nhỏ nhắn như một đứa trẻ. Yếu đuối, tật nguyền nhưng nét mặt, nụ cười rất tươi của Thảo không thể hiện nỗi bất hạnh ấy. Chỉ vào những đứa trẻ xung quanh, Thảo nói: “Từ lâu, đau đớn thể xác và bất hạnh vì tàn tật không làm mình đau nữa. Mình đang rất hạnh phúc vì hàng ngày có các em quây quần bên cạnh. Và, lâu lâu lại được các bạn từ xa đến thăm như vầy”.


Cô giáo Huỳnh Thanh Thảo có thể dạy học cho các em bất cứ lúc nào

Trò chuyện với cha Thảo, ông Huỳnh Văn Ru, chúng tôi mới biết, Thảo bị di chứng chất độc da cam từ ông. “Hồi đó còn trẻ, ai nghĩ đến chất độc da cam đâu. Lúc mới sinh Thảo, thấy hai chân cháu ngắn, nhỏ hơn bình thường, tôi cũng không nghĩ ra. Đến khi cháu được 2 tuổi mà chân không phát triển, đưa cháu đi khám, mới biết cháu bị xương thủy tinh, di chứng của chất độc màu da cam. Chỉ cần cử động mạnh là gãy xương, toàn thân sưng tấy, mỗi lần như vậy phải điều trị cả tháng trời”, ông Ru kể.

Thảo tâm sự: “Tủi nhất là mỗi lần gãy xương, đau nhức không thể cử động. Nhưng rồi, mình nghĩ ai cũng phải có những ngày vui, buồn, tại sao mình không tạo nên những ngày vui để làm việc và sống có ích hơn cho mọi người xung quanh?”. Thấy các bạn đi học, Thảo cũng nằng nặc đòi mẹ đưa đến trường.

Bà Nguyễn Thị Xuân, mẹ Thảo, xót xa bảo: “Con đến trường lỡ các bạn đạp phải thì sao?”. Nhìn giọt nước mắt mẹ giấu vội sau tay áo, Thảo đau thắt lòng, đành nén lại mơ ước. Thương con, bà Xuân mua sách về dạy con tập đọc, viết, làm toán. Nhiều lần tập viết, xương vai, bàn tay đau buốt nhưng Thảo vẫn kiên trì. Nhờ đó, cô đọc thông viết thạo trong thời gian ngắn.


Thảo hạnh phúc khi được chia sẻ kiến thức với các em

Biết chữ, biết tính toán, Thảo xin mẹ mở cửa hàng tạp hóa để tự kiếm tiền và thực hiện niềm đam mê kinh doanh. Cũng từ đây, nghề dạy học đến với Thảo tự nhiên như cái duyên. Khi ấy, cạnh nhà có một gia đình làm công nhân, thời gian ngặt nghèo, không có điều kiện giữ con nên thường nhờ Thảo trông dùm. Thời gian rảnh, Thảo đem sách ra dạy cháu học. Cuối năm, bé đạt học sinh xuất sắc. Rồi vài gia đình công nhân khác cũng đem con sang gửi. Thảo nhận thêm 4 cháu, chúng cũng đều học giỏi.

Tiếng lành đồn xa, những gia đình trong ấp đem con đến nhờ Thảo dạy học nhiều hơn. Từ đó, tên gọi “cô Ba” thường được mọi người nhắc đến. Thảo cho biết: “Bà con ở đây hoàn cảnh khó khăn nên mình nhận dạy giúp chứ không lấy tiền. Do điều kiện và sức khỏe không cho phép, mỗi lớp học mình chỉ nhận 8 đến 10 bé”.

Cũng từ đó, ở ấp nghèo chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh có một lớp học đặc biệt cho những đứa trẻ nghèo. Hình ảnh cô giáo Ba nhỏ xíu ngồi trên xe lăn dạy học trò đọc “ ê... a” khiến bao người cảm động.


Dù tật nguyền, nhưng Thảo không mặc cảm

Những hôm làm việc quá sức hay lo nghĩ nhiều, căn bệnh xương thủy tinh lại hành hạ, lớp học của cô Ba phải đóng cửa. Lũ học trò nhỏ thương cô mang cóc, xoài, ổi đến thăm, líu ríu hỏi han, phụ huynh đến động viên, khuyến khích mong cô mau lành bệnh. Chính những tình cảm chân thành ấy đã giúp Thảo có thêm động lực, quyết tâm gắn bó với lớp, với lũ trẻ nghèo. Lớp học tình thương của cô Ba duy trì đã hơn 10 năm qua. Nhiều em nay đã là nữ sinh cấp 3, vẫn thường xuyên tới thăm cô Ba.

THƯ VIỆN MINI CÔ BA

Được gia đình, người thân, bạn bè và một số Mạnh Thường Quân hỗ trợ, tháng 3/2009, Thảo đã mở một thư viện nhỏ tại nhà để phục vụ miễn phí cho các em mang tên “Thư viện mini Cô Ba” và trở thành địa chỉ thân thuộc của hàng trăm em nhỏ vùng quê nghèo đất thép Củ Chi.

"Từ nhỏ mình đã mê đọc sách, có được đồng nào dành dụm mua sách hết. Một lần trò chuyện trên truyền hình, khi được hỏi về mơ ước bây giờ là gì, mình bảo thích có một tủ sách nhỏ cho trẻ con trong xóm đến đọc. Biết được điều đó nên bạn bè, các nhà hảo tâm đã đến đóng góp, ủng hộ. Hiện tại đã có hơn 4.000 đầu sách, báo, truyện, tạp chí… để phục vụ các em, người dân trong ấp nghèo. Mình hạnh phúc khi thấy niềm vui trong mắt các em nhỏ, cũng là giúp cho chính mình có hạnh phúc”, Thảo tâm sự.


“Thư viện mini Cô Ba” là địa chỉ đỏ cho các em thiếu nhi

Ngoài việc thành lập thư viện mini, lập quỹ giúp trẻ em nghèo, Thảo còn tham gia tích cực trên một số diễn đàn xã hội để giúp đỡ các nạn nhân và những người bị bệnh như mình với mục đích giúp mọi người tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Cô cho biết, nỗi khủng khiếp nhất khi mắc bệnh là sự tuyệt vọng. Nó gần như có thể giết chết con người ta khi họ bắt đầu nhận thức được nó. Và, nó cũng đủ sức đánh gục những người không có ý chí và mục đích sống. Vì vậy, cần có những cộng đồng người bị mắc bệnh để họ chia sẻ kinh nghiệm sống và giúp đỡ nhau khi cần.

Thảo kể, nick name của cô trên mạng xã hội là "thiên thần không chân”; bởi cô ước mình sẽ đi giúp đỡ được nhiều người nhưng vì không có chân nên chỉ có thể làm… thiên thần mà thôi.

Hiện tại, Thảo đang chuẩn bị xong dự án thành lập CLB “San sẻ yêu thương”, với mục đích kết nối những người khuyết tật có cơ hội được hòa nhập cuộc sống và đưa những tấm lòng nhân ái từ khắp nơi đến với họ. Chương trình hành động của CLB được Thảo vạch ra rất thực tế. Với đối tượng gồm các thành viên gặp thiệt thòi và tình nguyện viên là những người có tấm lòng, Thảo dự định chương trình đầu tiên sẽ là “Nâng cao kiến thức cho người khuyết tật”, dạy học tại gia cho các bạn chưa biết đọc, biết viết.

Thảo cho biết, cô sẽ vận động thêm nguồn tài trợ để có một số vốn mua nguyên vật liệu để làm sản phẩm như thiệp, vẽ tranh, kết hoa giả… Các sản phẩm sẽ ra mắt với chủ đề “Phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật”. Ngoài ra, sau khi có được nguồn quỹ, Thảo dự định sẽ có chương trình hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để ổn định đời sống.

Bằng sức lực ít ỏi, Huỳnh Thanh Thảo vẫn không để cho cuộc sống của mình trở nên nhỏ bé, giản đơn. Thảo chia sẻ: “Em biết, mình sẽ sống không được lâu. Nhưng nếu chỉ còn một ngày để sống, em sẽ sống thật ý nghĩa, thật lạc quan và sẽ làm thiện nguyện cho đến khi nào sức lực mình còn cho phép”.

“Đó là một cô gái có nghị lực phi thường, dù bệnh tật không đến trường được nhưng vẫn tự học, vươn lên và giúp nhiều em nhỏ là con em các hộ nghèo, những gia đình công nhân neo đơn trong xã. Hiện nay, thư viện của Thảo cũng là địa chỉ rất tốt cho trẻ em đến học tập, sinh hoạt”, ông Huỳnh Thanh Vũ, Phó Chủ tịch xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm