| Hotline: 0983.970.780

Thiệt đơn thiệt kép

Thứ Sáu 06/03/2015 , 06:12 (GMT+7)

Giáo viên dạy ở điểm trường lẻ, vừa xa xôi, vất vả, lại không được hưởng tiền trợ cấp. Đây là thực tế bất hợp lý mà có lẽ những người hoạch định chính sách chưa lường hết.

Mặc dù thuộc biên chế giáo viên của Trường Tiểu học C An Cư, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, An Giang, vẫn sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng ở trường chính, nhưng dạy ở điểm lẻ thì không được hưởng tiền trợ cấp đặc biệt khó khăn. Những giáo viên này bị thiệt đơn thiệt kép.

Đó là tình cảnh bất hợp lý của các giáo viên dạy ở điểm lẻ số 2 của trường Tiểu học C An Cư, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, An Giang. Điểm dạy học này nằm cách xa trung tâm xã khoảng 5km, sâu trong sóc Cô, thuộc ấp Soài Chếck. Đây là điểm trường chủ yếu phục vụ cho con em người dân tộc Khmer trong sóc.

Cô giáo Phạm Thị Ngọc Diễm, giáo viên trường Tiểu học C An Cư cho biết, lúc trước công tác tại điểm chính của trường thì các chế độ trợ cấp theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ “về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (gọi tắt là Nghị định 116) đều hưởng bình thường.

Nhưng từ tháng 8/2014, khi được chuyển vào dạy ở điểm lẻ thì tiền trợ cấp Nghị định 116 đã không còn được hưởng như trước. Tiền giảm đi mà đường vào điểm dạy học lại gập ghềnh chông gai, vất vả hơn khiến nhiều giáo viên bức xúc. Bởi cũng đều thuộc biên chế của trường nhưng chỉ khác là chuyển xuống dạy điểm lẻ, đã vất vả, bất tiện thì chớ lại không được nhận tiền trợ cấp nữa.

Giáo viên dạy ở điểm trường lẻ, vừa xa xôi, vất vả, lại không được hưởng tiền trợ cấp. Đây là thực tế bất hợp lý mà có lẽ những người hoạch định chính sách chưa lường hết.

“Bây giờ trời nắng nên đường còn dễ đi, lúc trời mưa hai bên đường nước ngập, có lúc ngập hơn nửa bánh xe honda nên thường bị ướt sách vở và quần áo. Đã vậy tiền trợ cấp cũng không được nhận như các đồng nghiệp. Thấy tủi thân quá”, cô giáo Diễm than thở.

Còn thày giáo Chau Sonl, đồng nghiệp của cô Diễm cũng đồng cảm: “Nhiều khi thấy các anh chị đi dạy học xa và cực khổ mà không được nhận tiền trợ cấp thì tôi cũng buồn, nhưng biết sao được vì đó là quy định của Nhà nước”.

Theo ông Lý Văn Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học C An Cư, điểm trường 2 có 30 học sinh theo học là người Khmer. Đúng là có nhiều thày cô bị “cắt” trợ cấp, mặc dù trường có trình đầy đủ hồ sơ gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tịnh Biên, nhưng huyện không chấp nhận người dạy ở điểm khác không thuộc ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư.

07-54-08_di-dy-vt-v-nhung-li-phi-dy-lop-ghep-nen-gio-vien-cng-cuc-kho-hon-cc-dong-nghiep-khc_2
Các thầy cô vừa phải dạy ở xa, vừa phải dạy ghép lớp khiến công việc càng thêm vất vả

“Ở đây có bao nhiêu biên chế thì chúng tôi đều gửi lên huyện xét duyệt hồ sơ, song huyện giải thích các giáo viên dạy ở điểm lẻ không thuộc địa bàn thụ hưởng theo quy định nên đã bị gạt ngay từ đầu” – ông Thắm giải thích.

Còn ông Trương Chính Văn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tịnh Biên cho biết: Đúng là các giáo viên dạy ở điểm lẻ của Trường Tiểu học C An Cư không được hưởng tiền Nghị định 116, vì theo Quyết định 582 của Ủy ban Dân tộc và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ thì giáo viên công tác và giảng dạy trực tiếp tại thôn, ấp đặc biệt khó khăn (có danh sách cụ thể) mới được thụ hưởng. Vấn đề này huyện đã thực hiện đúng quy định.

 “Anh em giáo viên vùng này đều nghèo khó nên ai được nhận tiền trợ cấp là chúng tôi vui lắm, song vì quy định chỉ những người trực tiếp giảng dạy ở thôn, ấp theo danh sách mới được thụ hưởng” – ông Văn nói. Theo đó, toàn huyện Tịnh Biên chỉ có 2 ấp khó khăn được thụ hưởng tiền 116 là: Ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư và ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất