| Hotline: 0983.970.780

Thiết kế vườn cây ăn quả

Thứ Sáu 11/10/2013 , 10:44 (GMT+7)

Đất những vườn cây ăn quả lâu năm thường bị suy kiệt và chua nên việc tái canh những vườn này phải đòi hỏi phải công phu và phụ thuộc vào điều kiện về tài chính, lao động...

(Diễn giả: GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường ĐH Cần Thơ; ThS Bùi Thanh Liêm, Phòng NN-PTNT Chợ Lách (Bến Tre); KS Nguyễn Ngọc Mỹ, Cty CP Phân bón Bình Điền)

Ba năm lại đây, trái cây có giá khá và tương đối ổn định, trong lúc giá lúa lại ở mức thấp, khó tiêu thụ nên nhiều nông dân ĐBSCL chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả khiến nhiều người liên tưởng đến điệp khúc trồng - chặt diễn ra nhiều năm nay. Nhìn nhận như thế nào với hiện tượng trên?

ĐIỆP KHÚC TRỒNG - CHẶT: CÁI LÝ ĐÚNG CỦA NÔNG DÂN

Hiện chưa có một điều tra đánh giá nào về sự thiệt hại cho nền kinh tế, cho hộ nông dân khi cứ diễn mãi điệp khúc trồng - chặt nhưng nông dân chẳng lẽ lại sai, khi mà mảnh vườn là nguồn sống của họ.

ThS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, một người vừa làm công tác khoa học, vừa làm công tác quản lý tại địa phương có truyền thống chuyên trồng cây ăn trái, có sản lượng và giá trị trái cây lớn nhất nước giải thích:

- Thực tiễn mấy chục năm qua, chưa có một loại trái cây nào lại giữ được mức tiêu thụ và giá cả ổn định mà biên độ dao động lại rất lớn, nên không thể ai có thể yên tâm với một loại trái. Các cây ăn quả như cây có múi, sầu riêng, nhãn, chôm chôm… đều thích hợp với các điều kiện về thổ nhưỡng, thời tiết ở ĐBSCL.

TBKT mới cho phép nhà vườn khai thác nhanh nên đã rút ngắn thời gian của một chu kỳ vườn cây, như với cam sành thì với việc sử dụng giống ghép, trồng mật độ cao nên thời gian từ trồng đến cho thu hoạch ổn định đã rút ngắn từ 6 năm xuống còn 3 năm và họ cũng chỉ cần thu hoạch 3 - 4 năm. TBKT cũng cho phép trồng xen nhiều loại cây trên cùng một chân đất.

Thực tiễn điệp khúc trồng - chặt là trở ngại cho việc xây dựng một vùng trái cây lớn, hàng hóa chất lượng cao, cho đầu tư của nhà nước về hạ tầng và chuyển giao TBKT nhưng lại là sản phẩm tất yếu, sản phẩm tích cực cho kiểu SX nhỏ, manh mún của nông dân cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.

KỸ THUẬT LÊN LIẾP

Khác với các vùng miền khác, ĐBSCL là vùng đất thấp nên hầu hết đều phải lên liếp. Hiện nay các tiểu vùng đều đã có đê bao, bờ bao chống lũ nên mặt liếp nên được tôn cao ngang với mặt bờ bao.

Phần lớn liếp ở ĐBSCL chỉ cách mặt nước khoảng 0,6 m, là chưa đạt mà cần phải nâng thêm để đạt tối thiểu 1 m. Độ lớn của liếp thông thường khoảng 6 m và độ rộng của mương khoảng 3 m, giữa các liếp nên có các rãnh nhỏ thoát nước mặt liếp xuống mương để giúp cho việc rửa phèn được dễ dàng.

Rất nhiều bà con băn khoăn về hướng liếp, sao cho cây nhận được nhiều ánh sáng nhất. Lý thuyết trên có xuất xứ từ các nước ôn đới, nơi mà mặt trời thường ít khi lên đến đỉnh đầu, còn các nước xích đạo, cận xích đạo như VN thì việc đấy không cần thiết vì các cây trồng không thể che nhau khi mặt trới lên cao.

Cái chú ý nhất về hướng liếp là phải theo hướng gió, để không khí theo các mương mà làm cho vườn thoáng, ít bị nấm bệnh tấn công. Hướng gió chủ yếu của các tỉnh ĐBSCL là gió Tây Nam.

Ngoài ra việc trồng cây chắn gió cũng là cần thiết, nhưng vì là địa phương ít gió bão nên hàng cây chắn gió cũng chỉ nên vừa phải.

Hầu hết tầng đất canh tác ở ĐBSCL thường chỉ 0,6 - 1,0 m, bên dưới đó là tầng phèn, bởi vậy việc đào mương lên liếp phải tuân thủ nguyên tắc không được đưa lớp đất nhiễm phèn lên làm đất mặt.

Nên tiến hành theo kiểu cuốn chiếu, lớp đất mặt của mương đầu tiên cần được để riêng và sử dụng đất phía dưới đắp lấy độ cao, sau đó chồng lớp đất mặt lên, sao cho vừa đảm bảo cao trình của liếp, vừa đảm bảo tầng đất mặt không bị nhiễm phèn có độ dày tối thiểu 0,6 m.

CÁC CHÚ Ý KHI TÁI CANH

Đất những vườn cây ăn quả lâu năm thường bị suy kiệt và chua nên việc tái canh những vườn này phải đòi hỏi phải công phu và phụ thuộc vào điều kiện về tài chính, lao động của từng gia đình cụ thể. Nếu có điều kiện thì nên tiến hành một lúc, nếu không thì nên chia thành từng lộ tiến hành trong khoảng 2 - 3 năm để gia đình có thu nhập.

Sau khi cắt cây, móc gốc rễ nên xới xáo sâu toàn bộ kết hợp bón vôi, phân hữu cơ để tạo độ thoáng khí, giảm độ chua và nâng độ phì cho đất. Nếu có điều kiện nên trồng các cây ngắn ngày khác trong khoảng 1 - 2 năm trước khi trồng lại cây ăn quả.

Để rút ngắn thời gian, trong lúc trồng cây ngắn ngày nên mua giống về dưỡng. Cũng có thể sử dụng gốc cây cũ để ghép chuyển đổi giống mới bằng cách cưa ngang thân cây đợi cho lên cành mới và tiến hành ghép bo giống mới vào cành mới. Cũng có thể ghép xen kẽ từng lứa, đợi sau khi cây mới có thu hoạch mới cắt ghép tiếp.

Bồi bùn hàng năm, bón vôi, lân, phân hữu cơ và sử dụng cân đối phân khoáng với lượng vừa đủ là những việc làm cần thiết để vườn cây tái canh có đủ năng lực SX. Trong việc sử dụng phân lân nên ưu tiên sử dụng phân lân nung chảy.

 Trong việc sử dụng phân khoáng để thúc nên ưu tiên sử dung phân đạm có hoạt chất Agrotain, sử dụng phân lân có hoạt chất Avail để giảm thất thoát, chống độc cho cây và môi trường hoặc tùy từng thời kỳ mà sử dụng NPK Đầu trâu chuyên dùng sẽ vừa đảm bảo được độ phì cho đất, vừa nâng cao được chất lượng trái cây.

Xem thêm
Mong ước gửi gắm vào 50 con gà giống

THỪA THIÊN - HUẾ 50 con gà giống cùng thức ăn, kỹ thuật được hỗ trợ hy vọng giúp gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở Kim Đôi, Quảng Thành, Quảng Điền có khởi đầu kinh tế tốt.

Dịch vụ cấp cứu cho... thú cưng

Nhiều người tại TP.HCM không còn ngỡ ngàng với chiếc xe cấp cứu không giống với hầu hết những xe cấp cứu khác, đó chính là xe cấp cứu dành riêng cho thú cưng.

Tưới tiết kiệm - giải pháp đột phá

Tưới tiết kiệm đang là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở Tây Nguyên.

Bình luận mới nhất