| Hotline: 0983.970.780

Thiếu điện, làm sao công nghiệp hóa?

Thứ Sáu 14/05/2010 , 07:15 (GMT+7)

Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Đó không chỉ là mục tiêu, mà còn là mệnh lệnh của lịch sử. Tuy nhiên, “nguyên liệu” lớn nhất để “gột nên công nghiệp” là điện, thì vẫn hát mãi điệp khúc “thiếu và… quá thiếu”.

Ảnh minh họa
Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Đó không chỉ là mục tiêu, mà còn là mệnh lệnh của lịch sử. Tuy nhiên, “nguyên liệu” lớn nhất để “gột nên công nghiệp” là điện, thì vẫn hát mãi điệp khúc “thiếu và… quá thiếu”.

“Tối” ngay dưới “chân đèn”

Thông tin từ Tổng Cty Điện lực Miền Bắc là cắt giảm tới hơn 60% phụ tải điện sinh hoạt ngày hôm qua (13/5) như tiếp thêm sức nóng cho miền Bắc vốn đang hầm hập chống chọi với mùa hè. Theo đơn vị cung ứng điện này thì so với tháng 4, nửa đầu tháng 5, các tỉnh miền Bắc còn thiếu hụt điện nặng nề hơn, từ 13-15 triệu kWh/ngày, với tỷ lệ 20-25% so với nhu cầu điện.

Trao đổi với NNVN, đại diện Ban Kinh doanh Tổng Cty Điện lực Miền Bắc cho hay, từ đầu tháng 5 đến nay, mỗi ngày, điện cho miền Bắc chỉ được huy động theo 3 mức: tuần thứ nhất: 49,5 triệu kWh/ngày, tuần thứ hai: 50,65 triệu kWh/ngày và tuần thứ ba tới đây là 51,9 triệu kWh/ngày. Như vậy, ba tuần đầu của tháng 5, điện lực miền Bắc được cấp thêm từ 1-3 triệu kWh/ngày so với tháng 4, song, lượng điện được phân bổ thêm này vẫn không thấm vào đâu so với nhu cầu điện đang gia tăng chóng mặt.

Với mức bổ sung thêm như trên, Tổng Cty Điện lực miền Bắc chỉ được tăng thêm 2-6% so với tháng 4 trong khi tháng 5-6, nhu cầu phụ tải của đơn vị này tăng từ 15-20%. Với mức sản lượng điện trung bình ngày dự báo ở mức 63,6-66,37 triệu kWh/ngày thì điện miền Bắc thiếu từ 20-25% so với nhu cầu phụ tải. Đặc thù của cơ cấu phụ tải điện miền Bắc là 53% là khách hàng công nghiệp. Nếu tiết giảm 25% điện cho miền Bắc mà vẫn phải đảm bảo sản xuất công nghiệp, các thành phần phụ tải còn lại như sinh hoạt… sẽ bị tiết giảm tới 60% so với nhu cầu.

PV tự mà đi tìm hiểu

Sau khi có thông tin Tổng Cty Điện lực Miền Bắc cắt giảm tới hơn 60% phụ tải điện sinh hoạt, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tuy nhiên, ông An đã không thừa nhận thông tin trên là đúng. Ông này cho rằng, PV đã có thông tin thì nên tự đi tìm hiểu thông tin ở đầu mối đã cung cấp. Còn bản thân ông rất bận, không thể cung cấp thông tin được. Nói rồi ông ngắt máy.

Theo Tổng Cty Điện lực Miền Bắc thì những tỉnh nào có tỷ lệ khách hàng công nghiệp, XK lớn thì phải được ưu tiên. Những tỉnh nào tỷ lệ sinh hoạt, nông thôn nhiều thì sẽ bị tiết giảm sâu hơn. Ví dụ, ngay trong tuần đang thực hiện, từ 10-16/5, ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định bị tiết giảm nặng nhất, mức thiếu từ 300.000-500.000 kWh/ngày, thiếu 60% so với nhu cầu. Các tỉnh miền núi, mức phân bổ sản lượng là khiêm tốn nhất, dưới 1 triệu kWh/ngày như Cao Bằng chỉ có 611.000kWh/ngày, Sơn La: 754.000 kWh/ngày, Điện Biên: 327.000 kWh/ngày, Hà Giang: 355.000kWh/ngày, Lai Châu: 190kWh/ngày, Bắc  Kạn: 204.000kWh/ngày.

Không chỉ các tỉnh khác, mà ngay tại các tỉnh có nguồn thủy điện, cũng vẫn bị tiết giảm nặng vì, nguyên tắc phân bổ là “dựa theo tỷ trọng phụ tải ưu tiên và nhu cầu phụ tải nói chung”. Ví dụ như tỉnh Hòa Bình, mặc dù có công trình thủy điện lớn nhất miền Bắc là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, cũng chỉ được phép huy động 739.000 kWh/ngày, chỉ bằng 13% của điện lực Quảng Ninh, 14% của điện lực Thanh Hóa. Lãnh đạo tỉnh này nói vui một câu rằng “Các cụ nói cấm có sai, nơi chân đèn là nơi tối nhất”.

Lại điệp khúc “Chia sẻ với ngành điện”

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu KH thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết: Chưa bao giờ khách hàng nghe thấy EVN khẳng định một câu là đã đủ điện. Mấy năm trở lại đây, các công trình thủy điện, nhiệt điện… mọc lên khắp nơi. Nhưng hình như, càng nhiều công trình, điện lại càng thiếu.

"Cháy" máy phát điện

Theo ghi nhận của NNVN, những ngày này, các cửa hàng bán máy phát điện trên các tuyến phố của Hà Nội dường như đang rơi vào tình trạng quá tải, bởi lượng người đến mua quá đông. Một số cửa hàng trên phố Huế đã không còn máy để bán. Chị Trần Minh Thu nhà ở Cầu Diễn - Hà Nội vừa chọn được chiếc máy phát điện 4,4 kvA nhập của Thái Lan với giá 5,1 triệu đồng nói: “Tuy giá hơi cao, nhưng vẫn phải cố mua lấy một chiếc máy phát điện tốt. Chúng tôi không chịu nổi cảnh mất điện triền miên từ sáng tới đêm”.

Theo ông Long thì tình trạng cắt điện vô tội vạ đã và đang gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là sinh hoạt của người dân nông thôn. “Bây giờ đặt ra câu hỏi là không biết tại sao tình trạng này lại diễn ra nhiều năm mà không khắc phục được? Hay tại vì độc quyền của anh quản lý điện gây khó khăn cho DN, cho Nhà nước, cho nhân dân? Khi cắt điện mà gây thiệt hại, “ông điện” có đền bù thiệt hại này cho DN và người dân hay không?”, ông Long đặt câu hỏi.

Tại phiên thảo luận của UBTV Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng phản ánh, người dân đặt câu hỏi vì sao Nhà nước phát triển thủy điện mạnh nhưng điện lại thiếu hơn trước? Bà Thu Ba nhận định trong bối cảnh kinh tế mới ổn định lại, DN và người dân lại phải đối mặt với tình trạng thiếu điện thì sản xuất kinh doanh và sinh hoạt sẽ rất khó khăn. “Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Tuy nhiên, cứ tình trạng thiếu điện triền miên, năm này qua năm khác, thì làm sao có thể hoàn thành mục tiêu đó”, bà Thu Ba băn khoăn.

Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, lãnh đạo EVN lại “đăng đàn” báo chí, mong muốn người dân và DN cùng chia sẻ. Đối với các DN, cố gắng bố trí sản xuất hợp lý, làm sao giảm lượng điện tiêu thụ tới mức thấp nhất. Có thể bên sản xuất được ưu tiên một chút nhưng không có nghĩa là không bị tiết giảm. Đối với người dân, nên thay các thiết bị tiêu hao năng lượng lớn… bằng các thiết bị tiết kiệm điện năng. “Do đang phục hồi kinh tế, cộng thêm hạn hán rất nặng, nặng cả bên VN và cả bên Trung Quốc (vì chúng ta có nhập khẩu điện Trung Quốc) cho nên mới có một số khó khăn tạm thời về điện. Ngành điện cũng đã hết sức cố gắng, nhưng với tình hình hiện nay thì người dân và DN vẫn phải sống chung với thiếu điện”, lãnh đạo EVN trần tình.

Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nếu lý luận kiểu EVN như trên thì “có lẽ cả Tập đoàn nên đóng cửa để đi nghỉ mát, vì có hoạt động hay không, thì điện vẫn thiếu. Thế thì thà rằng không hoạt động còn hơn…”.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.