| Hotline: 0983.970.780

Thiếu vốn nhưng không bó tay

Thứ Ba 06/12/2011 , 11:51 (GMT+7)

Nhà xử lý hóa chất khử trùng cho nước

Từ năm 2011 đến 2015, tại Bình Định, việc phân bổ nguồn vốn từ Chương trình MTQG Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn hầu hết sẽ được đưa về các địa phương, số dành lại cho Trung tâm NSVSMTNT là rất ít.

Đơn cử, trong năm 2011, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho Bình Định là 27 tỷ đồng, 21 tỷ trong số đó được phân bổ về cho các huyện, phần dành cho Trung tâm chỉ 6 tỷ. Trong khi đó, trên địa bàn Bình Định hiện có rất nhiều địa phương thuộc khu Đông tỉnh không thể đào giếng vì mạch nước ngầm bị nhiễm mặn, hoặc có những vùng đào được giếng nhưng nước giếng bị ô nhiễm (nổi màng) vì nhiễm chất hữu cơ hay những vùng miền núi, mà những nơi này chưa được xây dựng công trình nước sạch.

Qua khảo sát thực tế, UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương cho đầu tư xây dựng 21 công trình mới với tổng vốn từ 300- 400 tỷ đồng tại các địa phương đang bức xúc về nước sạch như: Thị trấn Vân Canh, các xã Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Thuận (Vân Canh); Tây Giang, Tây Thuận, Bình Tân, Bình Nghi, Bình Thuận (Tây Sơn); Nhơn Hòa, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ (An Nhơn); Cát Tài, Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Sơn, Cát Lâm (Phù Cát); Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Trinh, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Lợi, Mỹ Thắng (Phù Mỹ); Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Hải (Hoài Nhơn); An Hòa (An Lão); thị trấn Vĩnh Thạnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh) và xã bán đảo Nhơn Hải (Quy Nhơn).

“Các công trình nói trên được xây dựng nhỏ nhất là 1.500 khối/ngày, lớn nhất 5.500 khối/ngày. Mỗi công trình đòi hỏi nguồn vốn phải có từ 20- 40 tỷ đồng. Trong khi đó, từ năm 2011 trở đi mỗi năm Trung tâm chỉ được phân bổ chừng 6-7 tỷ đồng từ nguồn vốn TƯ thì không thể gánh vác nổi”, ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm NSVSMTNT Bình Định cho  hay. "Chẳng lẽ bó tay trong khi nhu cầu của người dân nhiều vùng nông thôn đang rất bức xúc?". "Đúng là có khó khăn thật nhưng chúng tôi phải tự tìm lối ra", ông Chương trả lời.

Lối ra về nguồn vốn để xây dựng công trình nước sạch mà ông Chương nói là vận động các nhà tài trợ. Thế nhưng để vận động được nguồn này không phải dễ, họ không thiếu vốn nhưng họ chỉ chấp nhận tài trợ cho những nơi hoạt động thật sự hiệu quả, người dân được hưởng lợi đích thực.

"Nếu công trình nước sạch được xây dựng bằng thiết bị hiện đại, người vận hành được đào tạo bài bản, bảo đảm chất lượng nước theo yêu cầu và “đánh thức” được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thì các công trình nước sạch sẽ không phải lo chuyện bù lỗ", ông Hồ Đắc Chương.

"Lường trước điều này, trong những năm qua chúng tôi luôn cố gắng thể hiện năng lực hoạt động của mình để có được những hiệu quả mang lại rất thiết thực từ 3 công trình nước sạch chúng tôi đang quản lý. Nhờ đó, hiện chúng tôi đã “cầm trong tay” 2 dự án. Một là dự án cấp nước sạch và VSMTNT do Bỉ tài trợ. Những công trình nước sạch mới sẽ được xây dựng lại Tuy Phước để cung ứng cho các xã Phước Hòa, Phước Thắng và 1 xây dựng tại Đông Phù Cát cung ứng cho các xã Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Chánh, Cát Tiến và Cát Thắng. Dự án thứ 2 từ nguồn vốn do ADB (Ngân hàng phát triển châu Á) tài trợ cho 6 tỉnh miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Bình Định với tổng nguồn vốn 50 triệu USD. Trong đó Bình Định được phân bổ 125 triệu đồng”, ông Chương cho biết.

Một cách gỡ bí khác cho nguồn vốn xây dựng công trình nước sạch ở Bình Định là vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng công trình. "Muốn thực hiện được cách này, Nhà nước phải có cơ chế ưu đãi cho những đối tượng tham gia về đất đai, thuế... để họ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Đồng thời phải vận động họ tham gia làm nước sạch như là làm từ thiện vì 1 công trình bỏ ra hàng chục tỷ đồng để sau đó thu lại tiền lẻ sẽ chẳng có mấy ai muốn đầu tư”, ông Hồ Đắc Chương cho hay.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.