| Hotline: 0983.970.780

Thiếu vốn xây hầm biogas

Thứ Ba 14/10/2014 , 08:11 (GMT+7)

Những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi của xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ngày càng khởi sắc. 

LTS: Để nhân rộng các mô hình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ SX nông nghiệp hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm nông nghiệp…, NNVN phối hợp với BQL Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (Bộ NN-PTNT) mở Chuyên mục “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp”, phản ánh thực trạng quản lý, sử dụng và ảnh hưởng chất thải chăn nuôi nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân...

Những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi của xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ngày càng khởi sắc. Nhiều gia trại xuất hiện, nhưng do thiếu vốn xây dựng công trình xử lý chất thải, đặc biệt là hầm biogas đã đẩy tình trạng ô nhiễm môi trường của địa phương này ngày càng tăng lên.

Theo bà Nguyễn Thị Nghê, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa An, hiện tại xã có khoảng 200 hộ nuôi lợn với quy mô từ 1 - 5 nái, trong đó có hàng chục gia trại quy mô từ 30 con trở lên.

Theo số liệu thống kê vào đầu năm 2014, tổng số đàn lợn của địa phương khoảng gần 2.000 con. Bên cạnh đó còn có gần 10 trang trại nuôi gà, vịt quy mô từ 500 - 1.000 con. Trâu, bò được nuôi rải rác trong từng xóm với quy mô lớn nhất 5 con/hộ.

Từ những số liệu trên có thể thấy, hoạt động chăn nuôi của địa phương này khá sôi nổi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nhự, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An lại cho rằng, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Cụ thể, toàn xã chỉ có 5 trang trại xây dựng hầm biogas. Còn lại dùng phương pháp ủ phân vi sinh hoặc bán lại cho các chủ ao, hồ để làm thức ăn cho cá.

Hầu hết nước thải từ chuồng trại chăn nuôi thải ra môi trường đều chưa qua xử lý. Điều đáng nói, các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các gia trại nằm xen kẽ trong khu dân cư, do vậy ảnh hưởng của ô nhiễm không khí bốc lên từ phân lợn, gà gây phiền toái cho không ít người.

Với một trang trại quy mô từ 30 con trở lên, mỗi ngày lượng phân thải ra là khá lớn. Do chưa có hầm biogas, các hộ chăn nuôi thường hót phân vào các thùng thể tích 20 lít rồi đậy kín nắp lại. Hằng ngày, chủ ao, hồ, đập sẽ đến mua và chở về để nuôi cá.

“Qua tìm hiểu tôi được biết, phương thức xử lý chất thải bằng hầm biogas rất hiệu quả. Nguồn thải ra môi trường (sau khi được xử lý) giảm được 80 - 90% mùi và có thể sử dụng để tưới rau, bón lúa rất hiệu quả chứ không như phân tươi. Từ đầu năm 2014 đến nay, xã đã tích cực vận động bà con đăng ký xây dựng hầm biogas để tranh thủ nguồn hỗ trợ 3 triệu đồng/hầm của Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Nhự cho biết.

Bà Nghê chia sẻ: "Hội Nông dân xã Nghĩa An đang xúc tiến để thành lập Hội những người nuôi lợn của xã. Vấn đề xây hầm biogas để giảm bớt ô nhiễm do chăn nuôi luôn được nhắc tới trong những buổi thảo luận. Thực tế phải có ít nhất 15 hộ rất muốn xây nhưng thiếu kinh phí do mấy năm gần đây giá cả lợn, gà xuống thấp, chủ gia trại không có lãi hoặc lãi rất thấp".

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, bà Bùi Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An tâm sự: “Gia đình tôi lúc nào cũng nuôi từ 30 đầu lợn trở lên nhưng chưa có hệ thống xử lý chất thải, phân được tích tụ luôn ở trong chuồng vài ngày mới được vệ sinh nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Thỉnh thoảng mọi người vẫn ca thán về hiện tượng bốc mùi hôi thối của chuồng trại của gia đình. Là cán bộ xã nên mình cảm thấy ái ngại. Tôi cũng muốn đăng ký xây dựng hầm biogas để nhận được hỗ trợ của nhà nước, nhưng chưa biết phải làm thủ tục thế nào”.

Nói về hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm ở địa phương ảnh hưởng đến cuộc sống, ông Lại Văn Trường, xóm trưởng xóm 9, xã Nghĩa An có thể liệt kê nhiều gia trại quy mô 50 lợn trở lên chưa có hầm biogas như hộ ông Lại Văn Liên, Đỗ Văn Máy, Hoàng Văn Cự, Đỗ Văn Đoan, Hoàng Văn Tái…

“Nhân dân xóm 9 chúng tôi cảm thấy khó chịu vì hoạt động chăn nuôi tàn phá môi trường này lắm, kênh mương gần đó nước đen kịt, lãnh đạo thôn đến thuyết phục họ tìm giải pháp khắc phục thì họ bảo là bí tiền”. Ông Trường khẳng định, trong những năm tới cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để các hộ chăn nuôi có ý thức bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm