| Hotline: 0983.970.780

Thịt bẩn muôn kiểu luồn lách

Thứ Hai 20/07/2015 , 09:51 (GMT+7)

Thịt heo, gà chết từ lò mổ qua tay thương lái bằng nhiều cách gian lận để vào thành phố rồi “phù phép” thành thịt sạch bán cho người tiêu dùng...

Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 18/7, PV NNVN theo chân đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM gồm Chi chục Thú y, QLTT, Đội CSGT Cát Lái tuần tra trên xa lộ Hà Nội đoạn gần cầu Sài Gòn (P.Thảo Điền, Q.2) tiến hành dừng kiểm tra xe khách 16 chỗ BKS 60B-004.20 đang lưu thông hướng từ Đồng Nai về trung tâm quận 1 với nhiều biểu hiện nghi vấn.

Đây cũng là phương tiện mà đoàn trước đó nhận được nhiều nguồn tin quần chúng “mật báo” là thường xuyên vận chuyển thịt heo chết từ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất và xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai về TP.HCM để tiêu thụ trong các chợ, cửa hàng bán thịt heo tươi sống, kể cả các cơ sở chế biến giò chả.

Đúng như dự báo, lúc đoàn kiểm tra đã phát hiện trên xe chứa khá nhiều túi thịt heo và phụ phẩm heo cất giấu ở dưới ghế ngồi và phía sau xe. Qua kiểm tra, phát hiện có trên 600 kg thịt và phụ phẩm heo và 18 kg chả lụa. Tất cả số thịt trên đều không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch (CNKD) và có dấu hiệu chuyển màu tím tái, bốc mùi hôi thối.

Tài xế Phạm Ngọc Hùng (43 tuổi, huyện Trảng Bom) cho biết, số thịt heo “bẩn” nói trên được ông nhận chở thuê từ một chủ lò mổ tên B về đến chợ Bà Chiểu, quận 1 thì có người ra nhận. Sau đó đem đi bán sỉ cho những người nấu quán ăn và một cơ sở chế biến giò chả ở một huyện ngoại thành TP.HCM. Trên xe còn có 6 người phụ nữ đi cùng đều khai là hành khách và lập tức xuống xe bỏ đi.

Thật ra, theo nhận định một thành viên trong đoàn kiểm tra, 6 người phụ nữ có mặt trên xe khách 60B-004.20 thực chất là các “lái buôn” thịt heo. Họ cùng ngụ tại xã Hố Nai 3, hằng ngày đi thu mua, giết mổ heo chết tại địa phương. Sau đó, chất thịt heo lên xe khách đi thẳng lên chợ bỏ mối, bán sỉ cho cơ sở chế biến giò chả “chui” đến 6, 7 giờ sáng thì lên xe trở về lại Đồng Nai.

Những người này từng bị Chi cục Thú y nhận mặt và bắt nhiều lần do vận chuyển thịt thối vào TP bằng xe buýt, taxi, thậm chí cả xe tải. Nay để đối phó, qua mặt cơ quan chức năng, họ thuê xe khách để ngụy trang.

“Nếu bị bắt, họ sẵn sàng bỏ thịt heo để tài xế tự giải quyết, còn họ khai là khách đi xe để tìm cách chối bỏ trách nhiệm. Không những thế, nếu phát hiện lực lượng chức năng chốt chặn phía trước, họ bảo tài xế dừng lại hoặc lách đi đường khác.

“Chúng tôi nhiều lần mất dấu chiếc xe này, vì đối tượng bố trí người cảnh giác khắp nơi. Khi thấy động tĩnh trên đường thì chiếc xe khách dừng lại núp ở nơi nào đó với lý do tài xế và hành khách đi “toa-lét”!” - một cán bộ thành viên trong đoàn nói.

+ “Trong 6 tháng đầu năm nay, Chi cục Thú y TP.HCM đã xử lý trên 1.000 trường hợp vi phạm. Trong đó có 24 tấn thịt heo “bẩn” không rõ nguồn gốc, không giấy CNKD. Đặc biệt có trường hợp xử lý 1 tấn thịt gà đã qua giết mổ không có giấy CNKD, có biểu hiện biến màu, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối” (Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM).

+ “Thịt bẩn dùng hóa chất cấm để biến đổi màu sắc, mùi vị thành các loại thịt khác như thịt nhím, đà điểu, thịt bò Mỹ... chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh nguy hiểm cho người dùng” (BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP.HCM).

Sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử phạt hành chính, buộc tiêu hủy toàn bộ số thịt nói trên, đồng thời chiếc xe khách được đưa về Đội CSGT Cát Lái lập hồ sơ xử lý.

Điều đáng nói là, theo một cán bộ thú y trong đoàn, chiếc xe khách chở thịt heo chết của tài xế Phạm Ngọc Hùng từng bị lực lượng chức năng TP.HCM bắt mấy lần về các hành vi tương tự. Nhưng cứ sau mỗi lần bị bắt giữ, chiếc xe này lại thay đổi tài xế, cung đường đi lại hoặc cho người đi trước cảnh giác.

Trước đó vào đầu tháng 7, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh cũng đã bất ngờ phá một lò chuyên phù phép biến thịt bẩn thành các loại thịt “đặc sản giả” khi kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến sản phẩm động vật tại địa chỉ ấp 4A, xã Bình Hưng do bà Kim Thy (thường trú tại Long An) làm chủ.

Tại đây, chỉ trong căn phòng rộng khoảng 15m2 ẩm thấp có đến 5 tủ cấp đông công nghiệp chất đầy thịt heo bán thành phẩm, thịt đóng gói ghi nhãn thịt đà điểu, nai, nhím, ngựa...; máy hút chân không, máy ép bao bì và tem nhãn ghi thịt nai, đà điểu, nhím.

Hãi hùng hơn, đoàn kiểm tra còn phát hiện sự xuất hiện của hai chai nhựa bên trong chứa nước màu đỏ. Làm thử nghiệm nhanh bằng cách tẩm nước màu đỏ trong 2 chai nhựa này vào vỉ thịt heo cắt lát trong tủ đông thì thịt heo từ từ chuyển sang màu đỏ tươi.

Ông Nguyễn Hồng Triệu, Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh nhận định, chất lỏng màu đỏ trong 2 chai nhựa trên có tác dụng làm thay đổi tính chất vật lý của thịt. Từ đó, nó sẽ "biến" thịt heo thành các loại thịt giả khác. Bà chủ Kim Thy khai nhận hàng SX ra bỏ mối cho các quán ăn, quán nhậu trên địa bàn. Đoàn kiểm tra tạm giữ hơn 650 kg “đặc sản” thịt nai, đà điểu, nhím... giả. Kết quả kiểm nghiệm mới đây cho thấy 3 mẫu sản phẩm thịt đặc sản giả tại lò này đều bị nhiễm vi sinh.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra (Chi cục Thú y TP.HCM) nói: “Giá thịt heo chết rẻ hơn nhiều lần so với thịt heo qua kiểm dịch. Các tiểu thương trà trộn thịt heo chết vào vẫn bán với giá thịt heo bình thường để tăng lợi nhuận và lừa dối khách hàng. Điều này tiểm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm các bệnh từ thịt heo chết đối với người ăn phải”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm