| Hotline: 0983.970.780

Thợ cối làng Chung

Thứ Hai 24/12/2012 , 10:00 (GMT+7)

Đồ nghề của phó cối có đôi quang, giai, nêm, vồ, đục chàng, đục một, đục móng, cưa nhớn, cưa bé và không thể thiếu là túi dăm.

Có nghề nay đã trở thành quá vãng, có nghề đang trên ngưỡng suy tàn nhưng mỗi khi nhắc đến chúng lại gợi nhớ về một thời đất nước cần lao mà rưng rưng tình cảm…

Thợ cối làng Chung

Những cái cối xay cần quay bóng lưỡng quang dầu, nan lồng ngả màu bạc phếch, dăm vẹt mòn nằm im lìm mà như kể về một thời oanh liệt.

Thời mà khắp làng xã tối tối ù ù tiếng cối xay, thì thùm tiếng chày giã, chật tiếng cười nữ tú nam thanh. Thời của câu răn đầy ẩn ý mẹ chồng dạy nàng dâu khi con trai đi bộ đội: “Hết thóc rồi thì đổ trấu vào xay”.


Hình ảnh một thời của làng quê VN

Thời của các phường thợ cối làng Chung (Ngũ Kiên, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vang danh thiên hạ. Anh Trương Quang Mạnh, sinh năm 1975, phụ việc cho ông nội là Trương Quang Thoa hay còn gọi là ông Cạy - một thợ cối nức tiếng một thời - nhớ lại: “Mỗi nhà ở nông thôn khi đó đều có một cái cối xay, lúc cối nhảy, răng không đều gây sống lúa phải nhờ đến thợ sửa hoặc đóng mới. Lắm người đi bộ cả chục cây số đến tận nhà phó cối mà vời. Mà có phải gọi một lần đã được đâu? Phải dăm ba lần đến mới xáp mặt vì phó cối giỏi làm nhiều khi không hết việc.

Có câu hát chế rằng: “Làm nghề đóng cối giản dị thật biết bao. Một túi dăm khô và một chiếc xàm, ông đi khắp xóm. Nhà nào biết ý lòng lợn tiết canh thì cối quay nhanh, hạt gạo xuống đều…”.

Hát vui vậy thôi chứ thủa đó nghèo khó lắm! Thường nhà có giỗ mới vời thợ cối đến để một công đôi chuyện, đỡ tốn thêm một bữa ăn lại sửa được cái cối quay đã mòn vẹt. Mâm cơm dọn ra có đĩa đậu phụ rán, đĩa rau giá xào với tí tóp mỡ mà ngon hơn cả sơn hào hải vị. Rau giá là thứ chỉ có ở buổi giỗ bàn nên đợt phụ vữa ở Hà Nội, mấy anh phố cối quê tôi thấy nhà hàng xóm mua rau giá ăn hàng ngày liền kháo nhau rằng: “Khiếp! Nhà kia ngày nào cũng có cỗ”.

Lúc nhỏ, anh Mạnh đẩy xe bò theo ông, lớn một tí thì đập đất, sàng đất rồi nêm cối. Làm cối tân tức cối mới phải đan sẵn lồng cối, tai cối, ngỗng cối, dăm… đến gia chủ chỉ việc chở đất ruộng về, đập đất, sàng loại to một bên, nhỏ một bên. To để làm cốt, nhỏ để phủ mặt. Năm 1986, nghe tin vỡ đê, hai ông cháu đang đóng cối ở xã bên xô nhau chạy về nhà sơ tán cót thóc giữa cảnh người, lợn, trâu, bò nhốn nháo, eng éc, ụm ò buổi chạy loạn.


Anh Trương Quang Mạnh, thợ cối trẻ nhất giờ đang là một giáo viên

Bà Nguyễn Thị Thân năm nay 82 tuổi, vợ phó cối Trương Quang Giao, bảo cả đời mình phải đi cày thay chồng đến tận năm ngoái mới rời cảnh quất trâu, lội ruộng: “Gọi là phó cối cũng như phó mộc vì nông thôn phó nghĩa là phụ, nghề phụ cho nghề nông. Ông nhà tôi xuất thân từ bần nông, không một mảnh ruộng, 15-16 tuổi đi học nghề, 19-20 tuổi thành nghề đi ăn cơm thiên hạ. Gần thì sáng đi, chiều về, xa có khi phải mấy tháng mới nhảo đạp xe về thăm nhà một vài buổi.

Đồ nghề của phó cối có đôi quang, giai, nêm, vồ, đục chàng, đục một, đục móng, cưa nhớn, cưa bé và không thể thiếu là túi dăm (cái để nghiền hạt thóc thành gạo). Trong việc làm cối, công đoạn pha chế đất làm vỏ là quan trọng nhất. Đất thịt, đập tơi, xảo thành bột, nêm pha nước vào sao cho nắm đất khi bóp trên tay hơi mát dịu dịu, không rỉ ra một giọt nước, khẽ động vào là tơi như xôi đỗ mới đạt”.

Miệt rừng có gỗ sồi làm dăm rất tốt nhưng hiếm nên dăm cối chủ yếu làm từ gỗ bưởi, bòng, thị. Cây phải thật già gỗ, vỏ ngoài gân phải thẳng tuột thì chẻ dăm mới tốt, còn gân vặn chỉ để làm củi bởi có đóng cũng không ăn vào thân cối. Mỗi cối xay có 8 múi, mỗi múi có 14 hàng dăm chéo nhau như đan quạt.

Thủa ấy bà Thân thường vượt sông Hồng sang tận mạn thị xã Sơn Tây (ngày nay thuộc Hà Nội) mua từng gánh gỗ sồi, gỗ bưởi kẽo kẹt gánh về. Ban ngày bà đi cày buổi tối đẽo dăm, cắt dăm, chẻ dăm còn ông dậy từ 2-3 giờ sáng còng lưng ngồi đan lồng cối. Bận đến mức có ốm đau, không hỏi nhau đã đỡ chưa mà toàn buột miệng hỏi đã đẽo được dăm chưa. Dầm dề mồ hôi, rạn chín đôi vai vì quanh gánh mà mỗi cái cối xay công cán quy ra chỉ đôi ba cân thóc.

Được cái bà Thân như một cái giỏ có hom, dư được đồng nào lại gửi tiết kiệm đồng đấy. Người ta tổ chức quay số trúng thưởng cho người gửi năm bà được cái áo len, năm được hẳn cái xe đạp Thống Nhất. Chiếc xe mới nhất làng, mỗi dịp ông Giao đạp trên bờ đê như một vật thể lạ lẫm, đẹp đẽ giữa những biển xe tồng tộc, không chắn bùn, không chuông phanh, lốp buộc chằng buộc đụp. Đàn con lít nhít 6 đứa của ông bà lần lần khôn lớn, cưới chồng, dựng vợ, làm nhà toàn những đồng tiền đóng cối ky cóp, bỏ lọ.

Cái cối xay cũng biết nói. Nó nói tiếng của hạt thóc, hạt gạo lúc vào guồng. Cối tốt nghe êm tai, cối xấu nhảy lọc xọc, gắt gỏng như giọng một người đàn bà đã góa chồng lâu ngày. Cả làng Chung hồi ấy ngày đi cày, tối về mới xay thóc, giã gạo. Gạo phần ăn, phần làm hàng xáo còn cám dùng để chăn nuôi.


Bà Thân và con trai đang mô tả những động tác làm cối

Nhiều bà kỹ tính còn lấy lá cây mía bầu - loại mía trắng rất to, bầu bĩnh bỏ vào cối giã làm màu cho hạt gạo trắng xanh, no tròn như nhộng ong. “Bớt một thôi thì trôi một đáy. Bớt một chày thì một ngày ăn”. Làm hàng xáo không được giã gạo kỹ quá để đỡ hao.

+ Người mua thử gạo bằng cách cắn nghe cứ côm cốp là gạo tốt, lắm người còn nhón cả nắm cám đưa vào miệng…nếm thử xem có thơm không, có bị độn trấu không.

+ Đóng cối quan trọng nhất là nêm đất, làm sao đất và dăm liền vào một khối. Một cái cối tốt khi mòn đến 2/3 dăm vẫn xay được còn chỉ ½ dăm đã phồng lên, dăm đi đường dăm, đất đi đường đất gọi là cối long dăm là đã vời nhầm thợ cối.

Trong đám thợ cối ở Ngũ Kiên, anh Trương Đức Bình là độc nhất vì là phó cả trẻ nhất còn sót lại (năm nay 56 tuổi) và vì kiểu học nghề không giống ai. Rời quân ngũ năm 24 tuổi về làng, tiền không, nghề không, một buổi buồn chân, buồn tay anh Bình lật ngửa cái cối xay của nhà ra ngó nghiêng, nghiên cứu rồi… đập luôn làm cái mới.

Từ cái thứ hai trở đi anh Bình đã đi ăn cơm thiên hạ. Trời phú cho anh cái tài lẻ, từ rổ rá, dần sàng, đến gàu dây, gàu sòng, mắt thấy cái gì đều làm được, không thể giấu bí quyết cũng không phải cắp đít đi học ai.

“Có hai loại cối: cối con đường kính ngoài 30 cm và cối đội đường kính 50 cm. Cối con có hai thớt xát vào nhau tạo lực ma sát lớn, rất nặng nên người ta cải tiến bằng cách bỏ một viên bi xe tăng vào để thớt dưới cách thớt trên một cỡ rất nhỏ, nhỏ còn hơn thân hạt thóc. Cối đội là sáng tạo tài tình của cha ông ta, nó quay rất nhẹ mà năng suất gấp rưỡi cối con, một tối có thể xay được cả tạ thóc”. Thủa đó, ngày anh Bình đóng gạch cho HTX, tối về mới cầm cưa chẻ dăm, đan lồng. Kỳ cục cả đêm lắm lúc còn bị ông bố chửi: “Mày tính đóng hòm áo quan cho tao hay sao mà cưa đục ban đêm?”.

Ông Cạy, ông Hồ, ông Giao, ông Năng, ông Tửu… những thợ cối nức tiếng làng Chung lần lần thành người thiên cổ… Hồi máy xát chạy dầu mới xuất hiện, nghề đóng cối xay vẫn còn gắng gượng chống chịu được một thời gian bởi máy xát đó rất hao, đớn gãy gạo. Khi máy xát có lưỡi kiểu liên hoàn ra đời đã biến cối xay tay thành thứ chỉ còn trong bảo tàng hay các khu du lịch sinh thái..

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất