| Hotline: 0983.970.780

Thổ Nhĩ Kỳ truyền đi một thông điệp rõ: Qatar không hề cô đơn!

Thứ Năm 15/06/2017 , 07:15 (GMT+7)

Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng về phía các nhà lãnh đạo Qatar, truyền đi một thông điệp rõ ràng: Qatar không hề cô đơn.

Lý giải với tờ DW của Đức về việc Thổ Nhĩ Kỳ chọn đứng bên cạnh Qatar, học giả người Thổ Nhĩ Kỳ Serhat Erkmen cho rằng việc đó bắt nguồn từ sự mất cân bằng quyền lực ở Trung Đông.

19-41-48_b82ef1bb18d74f9e983279dd2c8d79df_18
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ thường có chung quan điểm về các vấn đề khu vực

“Chúng ta đang chứng kiến nhiều cuộc nội chiến trong khu vực này từ sau phong trào Mùa xuân Ả rập. Và các cuộc nội chiến đều kết thúc không theo các cách mà những cường quốc trong khu vực mong muốn. Ả rập Xê út và Iran đều không được những cái họ muốn còn Syria là một đống hỗn loạn”, ông nói. Điều mà nhiều thế lực ở Trung Đông muốn là “xóa bàn cờ đi chơi lại”.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã và đang diễn tiến tốt đẹp trong một thập kỷ qua. Hai nước đầu tư qua lại lẫn nhau và ký các thỏa thuận huấn luyện quân sự. Mặc dù UAE mới là nhà đầu tư hàng đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, khi căng thẳng nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn Qatar. Lý do kinh tế do đó, theo ông Erkmen, không phải là động lực khiến Ankara chọn đứng bên Doha.

“Nếu ta nhìn vào chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar về vấn đề Syria và những hợp tác của hai quốc gia này tại Syria, ta có thể hiểu quan điểm của họ về tình hình ở Ai Cập sau cuộc đảo chính năm 2013. Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ lẫn nhau cần được xem xét từ các toan tính chính trị trong khu vực hơn là các vấn đề kinh tế. Nếu Qatar bị loại khỏi bàn cờ chính trị khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên đơn độc. Và đó có lẽ là lý do chính Ankara chọn đứng bên cạnh Doha”, học giả người Thổ Nhĩ Kỳ nói.
 

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân tới Qatar?

Chỉ hai ngày sau khi Ả rập Xê út, Ai Cập, UAE và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn y một lệnh cho phép triển khai thêm quân tới căn cứ của nước này đặt trên lãnh thổ Qatar. Các nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Al Jazeera đều cho rằng đây là hành động cho thấy Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng bày tỏ sự ủng hộ Qatar. 

“Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt căn cứ và triển khai lính tới Qatar trong thời gian qua”, Kadir Ustun, giám đốc tổ chức nghiên cứu SETA ở Washington, Mỹ giải thích. "Tăng cường sự hiện diện của người Thổ tại Qatar vào thời điểm này có thể là một nỗ lực trấn an nước chủ nhà”.

Căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập trên đất Qatar, cơ sở quân sự đầu tiên ngoài lãnh thổ của họ tại khu vực Trung Đông, là một phần hiệp ước ký năm 2014. Căn cứ này có đủ cơ sở và trang bị để trú đóng lên tới 5.000 quân nhưng hiện nay mới có gần 200 quân nhân.

Thứ tư tuần trước, hai sắc lệnh đã được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua: một cho phép triển khai lính Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar và một thông qua một thỏa thuận giữa hai nước về hợp tác huấn luyện quân sự.

“Căn cứ quân sự ở Qatar là một cơ sở thực thi sức mạnh quân sự quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ”, Can Kasapoglu, một nhà phân tích quốc phòng người Thổ Nhĩ Kỳ nói với Al Jazeera. “Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi Qatar là một đồng minh chiến lược trong khu vực và nước này sử dụng căn cứ quân sự trên đất Qatar để thể hiện quan điểm đó”.

Tuy nhiên các nhà phân tích người Thổ cũng không quên nói thêm rằng điều quan trọng là đừng xem quyết định triển khai quân tới Qatar là “hành động chọn phe phái” của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển khu vực Trung Đông.

“Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar đã và đang là một thứ mang tính biểu tượng và không có gì hơn”, Atilla Yesilada, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nói. “Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi trọng mối quan hệ đối tác với Qatar và không tán đồng chính sách ngoại giao của Ả rập Xê út là cố gắng ép buộc các tiểu vương có ảnh hưởng (như Qatar), Thổ Nhĩ Kỳ cũng không sẵn sàng một cuộc chiến với Ả rập Xê út”.

19-41-48_nintchdbpict000258737361
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai thêm quân tới căn cứ ở Qatar

Ông Kasapoglu cũng cho rằng việc phê chuẩn hiệp ước quân sự với Qatar không phải là bước đi chống Ả rập Xê út của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. “Tuy nhiên rõ ràng đó là hành động ủng hộ Qatar. Ankara ưu tiên lập trường của mình về các vấn đề địa chính trị”.
 

Cùng chiến tuyến

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar từ lâu đã đứng cùng phe trong nhiều xung đột khu vực và kể cả trong các hoạt động phát triển. Hai nước này cũng hỗ trợ cuộc cách mạng ở Ai Cập và lên án cuộc đảo chính quân sự đưa tổng thống đương nhiệm của Ai Cập là Abdel Fattah el-Sisi lên nắm quyền.

Hai nước này cũng từ chối xếp Anh em Hồi giáo và Hamas vào hàng các tổ chức khủng bố, cùng hỗ trợ các phiến quân chiến đấu nhằm lật đổ tổng thống đương nhiệm Syria, ông Bashar al-Assad.

Có thể thấy các mối quan hệ quốc tế đan xen và phức tạp đến mức nào qua vụ khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay: Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar chống Bashar al-Assad trong khi Nga ủng hộ ông này. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vừa qua đã đối đầu nhau tại Syria nhưng Nga nay lại đang đóng vai trò trung gian, tìm cách “giải vây” cho Qatar. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là đồng minh trong NATO nhưng hai nước có quan điểm đối lập về Qatar…

 

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.