| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/04/2017 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 27/04/2017

Thờ ơ với cảnh báo sạt lở!

Sáng 22/4, một đoạn sông Vàm Nao (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) sạt lở, nhấn chìm 16 căn nhà. An Giang đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Vì đâu nên nỗi?

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang, ông Trần Đặng Đức ngay trong buổi làm việc với Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường hôm 25/4, lý giải nguyên nhân vụ sạt lở trên hoàn toàn là do thiên tai bởi khu vực này không hề có việc khai thác cát.

Hiện trường vụ sạt lở

Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ) nói ngược lại. Ông cho rằng khai thác cát là nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có vụ sạt lở ở Vàm Nao.

Xét về mặt khoa học, việc có những ý kiến khác nhau nhằm chỉ ra những nguyên nhân khác nhau cho cùng một hiện tượng, là bình thường. Sẽ có câu trả lời khoa học nhất, hợp lý nhất để xác định nguyên nhân, khi có những kết quả số liệu quan trắc, phân tích, nghiên cứu từ những tác động khách quan và chủ quan.

Câu chuyện đáng quan tâm ở đây là việc mới cách đây 2 năm, ngay trong báo cáo “Kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang” của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang vào ngày 29/1/2015 , thì chính đoạn sạt lở bờ sông Vàm Nao thuộc xã Mỹ Hội Đông (sạt lở nghiêm trọng lần này) đã được xếp vào hạng cấp độ cảnh báo sạt lở là “rất nguy hiểm”.

Vậy tại sao tỉnh An Giang lại không có những hành động, biện pháp cụ thể nào, để hiện tượng sạt lở nghiêm trọng kia không xảy ra? Hoặc có xảy ra thì cũng không gây nên sự hoảng loạn của người dân, của đủ các cấp chính quyền trong tỉnh? Sao không thể xây dựng được những biện pháp ứng phó hiệu quả mang tính chủ động hơn, dù đã có báo cáo khoa học thực tế về chuyện này? Để phải thụ động mà ban bố tình trạng khẩn cấp?

Trong buổi làm việc được nhắc ở trên, ông Trần Đặng Đức kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường sớm khảo sát, đánh giá, nghiên cứu sâu, tổng thể về chế độ dòng chảy của sông Tiền và sông Hậu, quy luật thủy văn… nhằm tìm nguyên nhân gây sạt lở để có biện pháp khắc phục.

Giá như trong 2 năm vừa rồi, có lúc ông Đức đọc kỹ báo cáo “Kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang” của chính Sở Tài nguyên – Môi trường mà ông hiện là Giám đốc, thì chắc ông đã kiến nghị sớm hơn. Cũng không phải nhờ đến một người dân tắm sông hớt hải báo tin về vụ sạt lở nghiêm trọng hôm 22/4 vừa rồi. Và đó là trách nhiệm công việc mà ông được trả lương!