| Hotline: 0983.970.780

Thoát nghèo bằng "vốn tiếp sức"

Thứ Ba 05/04/2011 , 10:42 (GMT+7)

Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do Cty cổ phần GreenFeed Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Long An triển khai đã giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Sau hơn 3 tháng Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do Cty cổ phần GreenFeed Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Long An triển khai tại hai huyện Châu Thành và Tân Trụ đã giúp nhiều hộ dân nghèo nơi đây thoát nghèo.

10 TRIỆU ĐỒNG VÀ MỘT GIẤC MƠ

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Ngọc Dung và anh Nguyễn Văn Nhẫn ở ấp 2, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ (Long An) có con là Nguyễn Quốc Đạt, học sinh lớp 8 (Trường cấp 2 Tân Phước Tây). Lúc này chị Dung đang lụi cụi dưới bếp xối nước tắm cho đàn heo giống mập ú trong chuồng, gạt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, chị Dung vui vẻ tâm sự: “Trước kia cả bốn miệng ăn trong gia đình chỉ sống nhờ vào công việc đi mần mướn, bốc vác lúa thuê của ông xã, nhưng nguồn thu cũng không ổn định, phải chạy ăn từng bữa, có lúc tưởng phải ép con nghỉ học. May nhờ nguồn vốn hỗ trợ cho vay đầu tư nuôi heo, có dư tiền đóng học nên các cháu vẫn được cắp sách đến trường đó”.

Chị Dung kể, trước kia nguồn sống của cả gia đình chị chỉ trông chờ vào mảnh ruộng chưa đầy một công là của hồi môn do cha mẹ chồng để lại, mỗi vụ chỉ thu được khoảng 9 giạ lúa, chẳng thấm vào đâu. Vợ chồng chị phải gồng mình đi làm thuê vác mướn quanh năm suốt tháng đặng ráng lo được vài bữa ăn tằn tiện qua ngày, còn việc đèn sách của các con anh chị cũng chẳng dám mơ được học nhiều chữ! Cái đói, cái khổ cứ gắn chặt với cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tưởng không thoát ra nổi.

Vậy nhưng, vào một ngày cuối năm ngoái bỗng nghe thông báo gia đình anh chị được lọt vào danh sách hỗ trợ vốn (Chương trình tiếp sức nhà nông cho con em đến trường) do thành tích học giỏi của con. Mừng như bắt được vàng, anh chị dắt díu con lên xã nhận số tiền 10 triệu đồng vốn vay không lãi suất để hướng “nghiệp nuôi” và được phía Cty GreenFeed hỗ trợ thêm nguồn thức ăn chăn nuôi. Từ một con heo nái ban đầu, đến nay anh chị đã có thêm được đàn heo con đang để giống và gầy đàn phát triển kinh tế bằng chính nghề chăn nuôi.

Tương tự, gia đình ông Võ Văn Phúc và bà Nguyễn Thị Phượng, ở cùng ấp 2, cũng được duyệt vay vốn của chương trình đầu tư phát triển nuôi gà ta. Gặp chúng tôi, ông Phúc phấn khởi khoe: “Sau khi được hỗ trợ nguồn vốn vay, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi gà, đến nay gà trong chuồng đang đẻ trứng, còn đàn vịt cũng vừa xuất chuồng lời được gần chục triệu đồng, thiệt mừng quá”. Theo ông Phúc, nhờ tiếp nhận nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, gia đình đã tăng đàn lên được 240 con gà ta đồng thời nuôi thêm đàn vịt gần 50 con, thấy rất hiệu quả.

Với đàn gà hàng trăm con trong chuồng lúc này đang ào ào đẻ trứng, giờ chỉ việc ngồi… hứng tiền! Ông Phúc khẳng định, chỉ cần sau hai năm gia đình ông chắc chắn sẽ hoàn vốn cho Chương trình theo đúng cam kết ban đầu.

MỘT CHƯƠNG TRÌNH VÌ CỘNG ĐỒNG

Căn nhà vách lá xiêu vẹo, chênh vênh giữa cánh đồng của gia đình ông Bùi Đức Ti (ấp 1, xã Tân Phước Tây) là một trong những hộ thuộc diện nghèo nhất xã, có 5 người con, cậu út tên Bùi Đức Nhật An, hiện đang theo học Trường Cao đẳng Công nghiệp Long An có thành tích học tốt đã được Chương trình xét hỗ trợ học bổng. Đến thăm gia đình, ông Ti đang mải mê chăm sóc đàn vịt giống và cho cá ăn ngoài ao, còn vợ ông cũng tranh thủ cắt rau muống để kịp chạy chợ.

Vốc nắm mồi quăng xuống ao, đàn cá đông đặc cuộn mình rào rào đớp mồi, phía góc ao bầy vịt hàng trăm con đang xúm xít kêu loạn xạ, ông Ti phấn khởi khoe: “Có được mấy ao cá, đàn vịt và vườn rau này cũng nhờ vào nguồn vốn vay của chương trình cả đấy, chứ cả đời vật vã với ruộng đồng thì chẳng dám mơ có ngày ngóc đầu lên nổi”. Theo ông Ti, sau khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ, ông đã “rinh” thêm được đàn vịt (200 con) về nuôi, kết hợp với thả các loại cá tra, chép, mè, điêu hồng… và đầu tư trồng rau màu theo mô hình VAC hiện đang phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao.

+ “60 hộ dân nghèo nhưng chí thú làm ăn, có con em vượt khó học giỏi thuộc hai huyện Châu Thành và Tân Trụ (Long An) vừa được nhận vốn từ Chương trình vay 10 triệu đồng/hộ (không lãi suất) cùng với sản phẩm thức ăn của GreenFeed hỗ trợ thêm. Trong suốt 2 năm nhận vốn, các hộ còn được Công ty tư vấn kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, phòng chống dịch bệnh, tư vấn sử dụng thức ăn cho gia súc gia cầm”, ông Trần Văn Đô, Chủ tịch HND huyện Tân Trụ cho biết.

+ ÔNG NGUYỄN VĂN TRUYỀN, GĐ ĐIỀU HÀNH CTY GreenFeed: “Chúng tôi chỉ mong muốn rằng điều quý giá nhất của chương trình sẽ đem lại cho người dân sự tự tin vượt qua khó khăn, thoát nghèo và khát vọng vươn lên làm giàu thành công. Đồng thời chương trình cũng muốn giúp nhà nông có được “cần câu” để tự mình bắt cá hơn là biếu con cá cho các hộ dân… như thế mới đem lại giá trị đích thực và bền vững”.

Mới đây, gia đình ông Ti đã bán được bầy vịt trên 100 con với giá 36.000 đ/kg thu lời gần chục triệu đồng chỉ trong vòng 2 tháng. “Gia đình chúng tôi rất biết ơn công ty và chính quyền đã quan tâm tạo điều kiện cho các hộ có được nguồn sống mới và nay giấc mơ đổi đời của dân nghèo chúng tôi đã thành hiện thực”, ông Ti tâm sự.

Không chỉ được hỗ trợ vốn vay, các hộ dân trong “vùng dự án” còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bài bản nên họ rất yên tâm. Gia đình ông Phạm Minh Khương (ấp 8, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) là một trong những gương điển hình nằm trong Chương trình hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín rất hiệu quả. Sau mấy tháng “ôm vốn”, gia đình ông đã sở hữu được đàn bò giống 4 con và đang nhân đàn rất nhanh. Bên cạnh đó, còn kết hợp nuôi hàng trăm con vịt sắp đến ngày xuất chuồng.

Vốn làm nghề nhặt hạt điều thuê, làm cỏ mướn với tiền công rẻ như bèo, vậy mà nay gia đình ông đã trở thành ông chủ của đàn bò, vịt… “Kể từ đây gia đình tui đã đoạn tuyệt với cuộc sống khốn khó, tăm tối để chăm sóc con cái ăn học đến nơi đến chốn. Đủ ăn, đủ mặc, giờ đây cả nhà tui lúc nào cũng vui như Tết!”, ông Khương tự hào khoe.

Về đây, chúng tôi còn được chứng kiến nhiều gia đình đã “vượt lên chính mình” thoát nghèo bằng chính nguồn vốn vay của Chương trình hỗ trợ này; đồng thời có được nguồn thu nhập ổn định và đang phấn đấu làm giàu bằng nghề chăn nuôi của gia đình mình.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm