| Hotline: 0983.970.780

Thoát phụ thuộc kinh tế Trung Quốc, nhìn từ ngành nông nghiệp!

Thứ Năm 10/07/2014 , 09:20 (GMT+7)

Làm thế nào để kinh tế Việt Nam thoát dần khỏi quỹ đạo kinh tế của quốc gia láng giềng phương Bắc? Hãy phân tích vấn đề từ góc độ ngành Nông nghiệp.

Con số tổng quát, GDP của Trung Quốc gấp 35,7 lần Việt Nam, trong khi diện tích chỉ gấp 28,6 lần, dân số gấp 15,2 lần.

Việt Nam đang nhập từ Trung Quốc với kim ngạch gấp gần ba lần XK (nhập siêu rất lớn). Cụ thể, năm 2013, Việt Nam nhập của Trung Quốc 37 tỷ USD nhưng xuất chỉ 13,26 tỷ; trong 4 tháng đầu năm 2014, nhập 12,5 tỷ USD, xuất 4,92 tỷ. Đó mới tính chính ngạch, chưa kể XNK tiểu ngạch ước bằng 5-10% chính ngạch.

Một tỷ lệ lớn trong kim ngạch XK của nước ta, thực ra cũng là “XK giùm” Trung Quốc. Chẳng hạn, cả năm 2013, Việt Nam xuất được 21,24 tỉ USD điện thoại các loại và linh kiện nhưng phải nhập gần 5,7 tỉ USD của Trung Quốc. Cũng năm 2013, Việt Nam XK 17,95 tỉ USD hàng dệt may, nhưng phải nhập nguyên liệu của Trung Quốc 5,56 tỉ USD.

Nước ta nhập siêu từ Trung Quốc hầu hết là hàng hoá ít có giá trị tăng năng lực SX trong nước. Hàng hoá nhập tới đâu SX bán luôn tới đấy, không tạo nên năng lực thúc đẩy SX trong nước như nhập máy móc và hàng hoá từ các nước tiên tiến.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, khoảng 70% hàng hoá nước ta nhập từ Trung Quốc là hàng hoá đầu vào rất cần thiết cho SX. Trong công nghiệp là hàng phụ trợ, trong nông nghiệp là giống, phân bón. Còn hàng hoá nước ta xuất sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng cao như gạo, cao su, trái cây lại phụ thuộc vào thị trường mua của họ.

Bà Lan nói thêm: “Đã đành Trung Quốc cũng cần ăn gạo, trái cây của Việt Nam nhưng mỗi khi họ gây sức ép thì nước ta lãnh đủ. Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Việt Nam hiện nay rất không bình thường”. Kinh tế nước ta muốn bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, theo bà Lan, phải thay đổi để đa dạng hoá thị trường.

Cách đây 20 năm, nước ta đã có chủ trương đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, trước những biến động của thời cuộc và thêm một điều như bà Lan chỉ ra là “doanh nghiệp của ta lười” nên kết quả hiện nay để bị phụ thuộc vào thị trường dễ tính Trung Quốc mà chứa đựng nhiều rủi ro, bất ổn.

Bây giờ đòi hỏi phải cơ cấu lại đối tác đầu tư thương mại, khôi phục các thị trường truyền thống, tăng cường liên kết khu vực, liên kết với các khối khác.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng: “Chúng ta phải bớt vay vốn của Trung Quốc và phải tỉnh táo trong thu hút đầu tư, mua sắm máy móc của Trung Quốc. Chúng ta không thể không hợp tác trong kinh tế với họ nhưng phải có một mối quan hệ cân bằng”.

Đặc biệt với hàng hoá nông sản, theo ông Doanh, phương thức hiện đại là phải ký hợp đồng mua bán trước rồi mới tổ chức canh tác, giao hàng sau. Ông nêu ví dụ ở Mỹ, người nông dân ký hợp đồng bán lúa mì trước khi trồng một năm với giá cả, sản lượng, chất lượng được xác định. Tức là trước khi trồng đã tính được lợi nhuận. Sau đó, nông dân mới tổ chức trồng và bán theo hợp đồng.

“Lâu nay, chúng ta SX nông sản giống như bà hàng xén ở chợ huyện, đưa hàng ra chợ bày lên mẹt có ai mua thì mua, không mua đem về, rất rủi ro. Cần phải thay đổi”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Nhìn từ ĐBSCL, các địa phương đang có nhiều nỗ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp, tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả SX, nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp đang nổi lên với nhiều việc làm sáng tạo. Tỉnh đã có đề án tái cơ nông nghiệp và trên cổng thông tin điện tử của tỉnh lập một chuyên mục tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho đề án.

Đề án nhấn mạnh quan điểm thay đổi phương thức tổ chức SX, từng ngành hàng, địa bàn, DN, HTX, tổ hợp tác. Không có khuôn mẫu chung, không còn kiểu “học tập và nhân rộng điển hình” của thời xoá đói giảm nghèo, mà dựa trên cơ sở: hợp tác, liên kết và thị trường.

Trong tình hình SXKD cá tra rất khó khăn, tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL vẫn xác định cá tra là một mặt hàng nông sản chính. Để vượt khó, tỉnh đã chọn một DN chế biến XK để hỗ trợ ký với ngân hàng hợp đồng tín dụng hàng ngàn tỷ đồng, tiên phong xây dựng chuỗi sản phẩm cá tra.

Về lúa gạo, hỗ trợ DNTN Cỏ May xây dựng thương hiệu gạo Nosavina; Cty TNHH Lúa gạo Cẩm Nguyên có chương trình “hỗ trợ nông dân trữ lúa chờ giá”; Cty Lương thực Tân Hồng, Cty Lương thực Đồng Tháp, Cty TNHH ADC xây dựng chuỗi sản phẩm lúa gạo trên cơ sở liên kết với nông dân.

Nhiều địa phương trong tỉnh xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực cụ thể. Huyện Lai Vung có chuỗi sản phẩm quýt hồng, huyện Tam Nông chuỗi sản phẩm tôm càng xanh, huyện Châu Thành sản phẩm nhãn, huyện Tháp Mười có sản phẩm sen Tháp Mười được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài.

Phía chính quyền, lãnh đạo tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ biết phục vụ người dân và DN, phục vụ kịp thời để giải quyết các khó khăn trong SX. Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, bộ máy hành chính còn có thể sắp xếp lại hợp lý, khoa học hơn để phục vụ tốt hơn, khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Ông đặt vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin để tăng năng suất, hiệu quả công việc hành chính.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.